"Bão" tan, hàng không Việt sẵn sàng bật tung mạnh mẽ
Mây đen phủ kín bầu trời, năm 2021 chứng kiến một năm đại dịch tàn phá nặng nề các hãng hàng không Việt. Tuy nhiên, những khó khăn nhất dường như đã qua, vượt qua hố sâu, ngành hàng không như chiếc lò xo bị nén chặt sẽ phục hồi một cách mạnh mẽ trong năm 2022...
Chia sẻ với VnEconomy trước thềm Xuân mới, anh Thái Nam Hải, một trong những phi công đầu tiên của Vietnam Airlines thực hiện chuyến bay “mở cửa” bầu trời quốc tế sau gần 2 năm đóng băng nhờ hành trình Việt Nam - Nhật Bản, nhớ lại những hình ảnh chua xót khó thể quên. Có những lúc ngành hàng không gần như đóng băng hoàn toàn, máy bay không được cất cánh, đỗ kín sân...
“Nay bầu trời quốc tế được mở trở lại, tôi vô cùng xúc động và hạnh phúc, không thể nói ra hết bằng lời khi được trở lại với công việc quen thuộc đã trông ngóng từ rất lâu”, anh Hải nghẹn ngào.
Điều đặc biệt, thời điểm nối lại đường bay quốc tế ngay trước thời điểm mùa xuân gõ cửa, tạo điều kiện cho những người con, kiều bào xa xứ được trở về, sum vầy đón Tết.
“Một hành trình khởi nguồn cho năm mới bắt đầu với nhiều điều may mắn và tốt đẹp, mang lại tiếng cười đoàn viên tới khắp muôn nhà”, cơ phó của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam hào hứng chia sẻ.
Anh Hải cũng kỳ vọng đây sẽ là một bước đi đánh dấu cho sự trở lại của ngành hàng không và du lịch dịch vụ, đón các du khách khắp muôn nơi đến thăm Việt Nam tươi đẹp.
CÚ SỐC LỚN NHẤT TỪ SAU CHIẾN TRANH THẾ GIỚI LẦN 2
Báo cáo của Hãng phân tích dữ liệu hàng không Cirium cho thấy, chỉ sau gần 2 năm đại dịch Covid-19 hoành hành, thành quả của 15 năm tăng trưởng hành khách toàn cầu liên tục hoàn toàn bị xóa sạch. Tuy nhiên, tổng số chuyến bay chở khách trên toàn cầu 10 tháng năm 2021 đạt khoảng 17,88 triệu chuyến, có dấu hiệu khởi sắc khi tăng 19,2% so với năm 2020 (khoảng 15 triệu chuyến) dù vẫn giảm sâu gần 40% so với cùng kỳ năm 2019 (28,98 triệu chuyến).
Đối lập với bức tranh hồi phục hàng không toàn cầu, tại Việt Nam, do đợt bùng phát Covid-19 lần thứ 3 ngay dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu vào tháng 1/2021 và đợt bùng phát lần thứ 4 vào mùa cao điểm hè 2021 với những biện pháp phong toả khắc nghiệt chưa từng có khiến các hãng hàng không Việt lâm vào trạng thái bi đát nhất trong lịch sử.
Báo cáo Cục Hàng không Việt Nam cho thấy năm 2021, tổng số chuyến bay các hãng hàng không khai thác chỉ đạt 126.280 chuyến, giảm 41,7% so với cùng kỳ và tục dốc gần 60% so với thời điểm trước dịch năm 2019 (307.596 chuyến bay).
Các đường bay thường lệ quốc tế “đóng băng” hoàn toàn kể từ đợt bùng phát đầu tiên, ngoại trừ các chuyến bay đưa công dân Việt Nam trở về hoặc chở các chuyên gia nước ngoài. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính chung năm 2021, khách quốc tế đến bằng đường hàng không đạt 111,1 nghìn lượt người, chiếm 70,6% lượng khách quốc tế đến Việt Nam, tụt dốc 96,4% so với năm trước.
Hành khách nội địa từng coi là “cứu cánh” cho các hãng hàng không nội địa, nhưng từ tháng 6/2021 khi TP. HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, sản lượng hành khách nội địa sụt giảm nghiêm trọng khi quý 3/2021 tụt dốc thẳng đứng 97,1% so với cùng kỳ, chỉ đạt 331.000 khách. Luỹ kế 12 tháng, hành khách nội địa qua đường hàng không giảm 56,6% so với cùng kỳ xuống 14 triệu khách.
"Từ khi bùng phát dịch lần thứ 4 ở Việt Nam tới nay, các hãng hàng không lâm vào tình trạng nguy hiểm. Doanh thu giảm từ 80-90%. Dòng tiền thiếu hụt nghiêm trọng, các nguồn lực về tài sản, tài chính, tích lũy của các hãng cũng đang ở tình trạng bị cạn kiệt”
Ông Phạm Việt Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA).
Ông Phạm Việt Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) chua xót chia sẻ: “Đại dịch Covid-19 là cú sốc lớn nhất ngành hàng không phải đối mặt kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai”.
Điểm sáng duy nhất trong năm 2021 trong vận chuyển hàng hóa với 1,25 triệu tấn hàng hóa, tăng 15% so với năm 2020.
Toàn bộ mạng bay quốc tế chiếm tới 63% tỷ trọng doanh thu kỷ lục 100.000 tỷ của Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines trong năm 2019 “không cánh mà bay”.
Ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết, thị trường vận tải khách quốc tế gần như “trắng tay” chỉ đạt con số 1,5-1,9% so với thời điểm trước Covid.
Giữa tháng 12/2021, dù thị trường vận tải hàng không nội vẫn khá quan trọng với các hãng hàng không Việt nhưng khi quan sát hệ số sử dụng ghế trên đường bay trọng điểm Hà Nội - TP.HCM, phong vũ biểu đánh giá về cầu đi lại trên hệ thống đường bay nội địa, hệ số ghế duy trì ở mức 62-65% với 16 chuyến/ngày so với thời điểm trước dịch xấp xỉ khoảng 60 chuyến.
Các đường bay nội địa khác, hệ số sử dụng ghế dao động 50-55%. “Mặc dù có những chính sách kích cầu nhưng dường như trong giai đoạn này, nhu cầu hành khách khá yếu, một phần do dịch bệnh, một phần do tâm lý”, ông Hà đánh giá.
"VÁN BÀI" CHIA LẠI THỊ PHẦN, HÀNG KHÔNG CHẬT VẬT XOAY XỞ
Bức tranh xám xịt của hàng không Việt trong năm 2021 có thể dễ dàng nhận thấy khi số chuyến bay, số lượng hành khách chạm đáy nhiều năm.
Tính chung 12 tháng, các hãng hàng không thuộc Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và VASCO) đứng đầu với tổng số chuyến bay với 59.431 chuyến bay, trong đó, VASCO sụt giảm mạnh nhất 64% so với cùng kỳ. VietJet Air thực hiện 40.676 chuyến bay trong kỳ, giảm 47,5%; Bamboo Airways với 24.823 chuyến bay, giảm nhẹ 12,7%.
Tính theo số lượng chuyến bay, “ván bài” thị phần đang được chia lại khi Vienam Airlines có thị phần giảm dần qua từng năm, từ 64,1% năm 2017 xuống 47%, trong khi VietJet Air giữ vững thị phần khoảng 30% trong nhiều năm và và Bamboo Airways đang dần lấn sân với tỷ trọng chiếm 19,7%.
Hoạt động khai thác của các doanh nghiệp hàng không bị ngưng trệ, nguồn thu sụt giảm đột ngột, thậm chí có giai đoạn không có nguồn thu, trong khi chi phí cố định lớn, nên phát sinh lỗ lớn.
Kết thúc quý 3, Vietnam Airlines lỗ 12.153 tỷ đồng, cao hơn đáng kể khoản lỗ 8.279 tỷ đồng cùng kỳ. Như vậy, tổng lỗ lũy kế của Vietnam Airlines lên tới 21.200 tỷ đồng.
Dù Hãng hàng không quốc gia thoát khỏi tình trạng âm vốn chủ sở hữu nhờ hoàn thành tăng vốn điều lệ thêm 8.000 tỷ đồng lên 22.144 tỷ đồng, tuy nhiên vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines thời điểm cuối quý 3 chỉ ở mức 1.475 tỷ đồng. Nếu quý 4 hãng lỗ khoảng 1.500 tỷ đồng, nguy cơ bị hủy niêm yết trên sàn HOSE vẫn đang trực chờ.
“Thị phần và tổng doanh thu từ hàng hoá của Vietnam Airlines dẫn đầu trong khu vực Đông Nam Á. Đây là cơ hội của thị trường, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục tập trung khai thác vận tải hàng hóa và đặt ra mục tiêu đưa vận tải hàng hóa cân đối được thu chi và tiến tới thành lập hãng hàng không hàng hoá chuyên biệt”.
Dù vậy, trong “bão” dịch, Vietnam Airlines đẩy mạnh các hoạt động nhằm tăng cường nguồn thu như khai thác hàng hoá, chuyên chở khách hồi hương…
Những năm 2019 về trước, doanh thu hàng hóa chỉ chiếm trung bình gần 9% trên tổng doanh thu thì năm 2020 và 2021 doanh thu hàng hóa chiếm xấp xỉ 40% tổng doanh thu.
Theo Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, doanh thu vận tải hàng hóa của Vietnam Airlines trong năm 2021 sẽ đạt xấp xỉ 8.000 tỷ, tăng 60% so với 2020. Thị phần và tổng doanh thu từ hàng hoá của Vietnam Airlines dẫn đầu trong khu vực Đông Nam Á.
Ngày 28/11 vừa qua, Hãng Hàng không quốc gia tạo dấu mốc lịch sử cho hàng không Việt với chuyến thẳng không dừng thường lệ đầu tiên đến Mỹ hạ cánh tại sân bay San Francisco, tạo đà chinh phục “xứ sở Cờ hoa” khó tính nhưng đầy tiềm năng. Hãng cũng sẽ bước vào đợt tái cơ cấu tổng thể toàn diện nhất để trụ vững trong đại dịch.
Hãng hàng không Vietjet cũng không phải là ngoại lệ khi liên tiếp chịu cú đấm bồi từ đại dịch. Tuy nhiên, hãng hàng không giá rẻ lại trở thành điểm sáng của toàn ngành khi liên tiếp báo lãi.
Ban lãnh đạo Vietjet nỗ lực cắt giảm chi phí, chủ động thanh lý tài sản, đầu tư tài chính… khéo léo xoay xở tạo ra dòng tiền dương bù đắp hụt thu từ hoạt động kinh doanh cốt lõi. Vietjet cũng ghi nhận một năm hoạt động thành công của Trung tâm Khai thác dịch vụ mặt đất – VJGS, khẳng định năng lực trong các hoạt động khai thác mặt đất, từ đó, hoàn thiện chuỗi dịch vụ hàng không, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và tối ưu chi phí.
Nhờ tối ưu hoá toàn bộ chi phí thuê tàu bay và tiết giảm chi phí hoạt động theo giờ bay cao hơn tốc độ suy giảm doanh thu nên Vietjet đạt tỷ suất lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh 36,4% hết quý 3/2021. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty mẹ vẫn giảm mạnh 47% so với cùng kỳ, đạt 6.384 tỷ đồng, hợp nhất giảm 26%, đạt 10.210 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ vụt tăng 102% so với cùng kỳ năm trước đạt 45 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất tăng 121%, đạt 194 tỷ đồng.
ÁNH SÁNG Ở CUỐI ĐƯỜNG HẦM
Dù số chuyến bay và lưu lượng hành khách di chuyển bằng đường hàng không tụt dốc thê thảm, nhưng những tín hiệu hồi phục nội địa và quốc tế nhen nhóm niềm tin hàng không sẽ bật tung trở lại một ngày không xa.
Ngày 10/10 vừa qua, 11 chuyến bay thương mại nội địa chính thức cất cánh trở lại ở cả ba miền.
Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 12 tăng 14,2% so với tháng trước và nhích tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam đang thực hiện lộ trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế từ tháng 11/2021, các chuyến bay thương mại quốc tế bắt đầu được khôi phục.
Các hãng bay đều lạc quan cho rằng, khôi phục hoạt động vận tải hành khách quốc tế sẽ khắc phục khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không nói riêng, du lịch nói chung, để Việt Nam không tụt hậu. Đồng thời, tạo điều kiện cho người Việt ở nước ngoài về quê hương trong bối cảnh Tết Nhâm Dần đang đến gần.
Dù tương lai ngành hàng không còn nhiều bất định, nhưng các ý kiến cho rằng hàng không Việt vượt qua điểm sâu nhất của cuộc khủng hoảng, con đường phục hồi đang đến khi tỷ lệ tiêm chủng Covid-19 tăng lên và Chính phủ các quốc gia dần khôi phục quyền tự do đi lại.
Đánh giá thị trường năm 2022, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà dự báo vận tải hàng không nội địa sẽ quay về mức khoảng 70-75% so với năm 2019. Đối với hàng không quốc tế, có thể đạt mức 25% so với năm 2019 và có sự điều chỉnh tăng dần vào quý 4/2022.
“Thị trường còn yếu và nhiều lý do liên quan đến dịch bệnh, thu nhập hành khách bị ảnh hưởng trong thời gian vừa qua do đại dịch Covid-19 tác động, vì vậy, cần thời gian để thị trường phục hồi trở lại”, ông Hà đánh giá.
Quan trọng hơn, để thị trường khôi phục và phát triển bền vững hậu Covid-19, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam cho rằng việc cấp phép các hãng hàng không mới cần xem xét kỹ lưỡng.
Cấp đăng ký tàu bay bổ sung cũng phải phù hợp với khả năng vận hành của các hãng, năng lực hạ tầng tại các cảng hàng không và tốc độ tăng trưởng của thị trường. Mở cửa có lộ trình đối với các hãng hàng không nước ngoài để bảo vệ các hãng hàng không trong nước, đảm bảo kiểm soát dịch bệnh cũng như hạn chế cạnh tranh thừa tải cung ứng trong giai đoạn phục hồi ban đầu.
Bên cạnh đó, ông Dũng cho rằng cần đẩy mạnh nâng cấp cơ sở hạ tầng cho ngành hàng không có trọng điểm, đảm bảo triển vọng tích cực trong dài hạn, để tháo gỡ nút thắt về thiếu công suất và các sân bay mới được phát triển cho đến năm 2030. Một số công trình trọng điểm đó là đẩy nhanh tiến độ xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành, nâng cấp cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất.
Theo kế hoạch của Bộ Giao thông vận tải, dự kiến xung lực để phát triển hệ thống hạ tầng cảng hàng không 10 năm tới dự kiến lên đến 312.014 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với giai đoạn 10 năm trước.
Tổng vốn đầu tư tư nhân giai đoạn tăng 5,1 lần lên 141.193 tỷ đồng so với giai đoạn 2010-2020, tỷ trọng vốn tư nhân trong tổng vốn đầu tư vào cơ cấu ngành hàng không cũng tăng lên 45,3% vào giai đoạn từ 2021 -2030 từ mức 25,7% ở giai đoạn 2010-2020.
"Thế giới và Việt Nam đang trải qua thời kỳ dịch bệnh phức tạp và kéo dài, các hoạt động xã hội đều bị đảo lộn.
Các đường bay nội địa và quốc tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng nên kế hoạch mở lại đường bay để đưa khách từ bên ngoài vào Việt Nam là bước tiến vô cùng quan trọng, khẳng định tâm thế chống dịch của Chính phủ Việt Nam".
"Năm 2021 tiếp tục đối mặt nhiều thách thức khi phát hiện biến thể mới, gần đây nhất là Omicron và tốc độ tiêm chủng khác nhau ở mỗi quốc gia.
Tuy nhiên, có ánh sáng ở cuối đường hầm khi chúng tôi nhận thấy các hành lang du lịch quốc tế dần mở cửa trở lại. Năm 2022 là năm tăng tốc. Sự phục hồi sẽ được thúc đẩy chủ yếu bởi lượng khách nội địa dự kiến sẽ trở lại mức trước Covid-19 vào cuối năm 2022, trong khi lượng khách quốc tế được dự đoán đạt khoảng 2/3 so với năm 2019".
"Trong năm 2022, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới chính sách mở cửa thị trường hàng không của các nước và tâm lý của khách hàng.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chịu sức ép cạnh tranh khi các hãng hàng không của nhiều nước đã hoạt động trở lại từ trước, sức ép thanh toán các khoản nợ và các nghĩa vụ tài chính được giãn và tái cấu trúc trong thời gian dịch bệnh.
Chắc chắn ngành hàng không cũng còn đối mặt với nhiều khó khăn về thách thức. Để chấm dứt tình trạng đó, doanh nghiệp ngành hàng không hy vọng Chính phủ và các cơ quan nhà nước liên quan tiếp tục có những chính sách mới kịp thời và bổ sung các giải pháp hỗ trợ để tăng cường năng lực tài chính, tạo đà hỗ trợ các doanh nghiệp, hướng tới giai đoạn phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19".