Bình Thuận đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng xây dựng Cảng hàng không Phan Thiết
Đây là dự án có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển bền vững của tỉnh Bình Thuận, qua đó góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội…
Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận khóa XI, nhiệm kỳ 2021-2026 vừa tổ chức kỳ họp thứ 3 quyết định các vấn đề quan trọng của tỉnh. Trong đó, có dự án Cảng hàng không Phan Thiết với tổng vốn đầu tư trên 3.800 tỷ đồng được thực hiện theo hình thức hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (BOT).
Đây là dự án quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển bền vững của tỉnh Bình Thuận. Qua đó sẽ góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nhất là ngành dịch vụ du lịch để đưa Bình Thuận trở thành trung tâm dịch vụ - thể thao biển mang tầm quốc gia theo Quyết định 1772 ngày 18/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Hầu hết các đại biểu tham dự hội nghị cùng nhận định về sự cần thiết của việc đầu tư xây dựng hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức hợp đồng BOT của Cảng hàng không Phan Thiết kết hợp với hạ tầng sân bay quân sự, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo quốc phòng an ninh. Tuy nhiên, dự án có mức đầu tư lớn và được xây dựng theo hình thức hợp đồng BOT nên đề nghị các cơ quan chuyên môn tăng cường quan tâm trong công tác lập, thẩm định, thẩm tra, giám sát… đảm bảo chất lượng, hiệu quả, tiến độ thực hiện dự án.
Ngoài Cảng hàng không Phan Thiết, kỳ họp còn tập trung thảo luận, xem xét một số nội dung về phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh các công trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội và chương trình hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn giai đoạn 2021-2025.
Được biết, Bình Thuận đang có khát vọng đến năm 2030 sẽ trở thành thiên đường nghỉ dưỡng hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương, một điểm đến du lịch và nghỉ dưỡng đáng mơ ước cho các mục đích du lịch biển và giải trí, du lịch thám hiểm và thể thao, du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng và đặc biệt là du lịch hội nghị (MICE). Bởi vậy, tỉnh quyết tâm đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm như đường cao tốc, sân bay, cảng biển… nhằm sớm hiện thực hóa kế hoạch trên.
Các chuyên gia cũng cho rằng, với tiềm năng du lịch sẵn có cùng với hệ thống hạ tầng ngày càng đồng bộ, hoàn chỉnh sẽ giúp Bình Thuận có cơ hội bứt phá hơn để hoàn thành trước thời hạn các mục tiêu du lịch đã đặt ra. Hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh cũng khuyến khích nhà đầu tư chiến lược các đơn vị vận hành quốc tế mạnh dạn góp mặt về Bình Thuận.