Bộ Giáo dục và Đào tạo lên tiếng về dự thảo quy định bỏ xếp loại trên văn bằng đại học
Các nội dung quy định ghi trên Phụ lục văn bằng đã giúp người sử dụng lao động có đầy đủ thông tin để lựa chọn trong tuyển dụng
Liên quan đến dự thảo "Thông tư quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học" vừa được đưa ra lấy ý kiến nhận nhiều quan điểm trái chiều, ngày 6/10, Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã chính thức giải thích vấn đề này.
Theo Cục Quản lý chất lượng, Điều 38 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (có hiệu lực từ ngày 1/7/2019) quy định: "Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng, phụ lục văn bằng…".
Như vậy, luật quy định đối với giáo dục đại học, người học khi tốt nghiệp sẽ được cấp đồng thời bằng và phụ lục văn bằng.
Thực hiện quy định của luật, trong năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng song song 2 văn bản gồm: thông tư ban hành Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân (thông tư đã hoàn thiện thủ tục và chuẩn bị ban hành); thông tư quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học.
Trong đó, "thông tư ban hành Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân" đã có quy định nội dung chính của Phụ lục văn bằng giáo dục đại học bao gồm:
Thông tin của người được cấp văn bằng: họ và tên; ngày tháng năm sinh.
Thông tin về quá trình đào tạo và cấp bằng: tên cơ sở giáo dục đại học cấp bằng; ngành đào tạo; chuyên ngành đào tạo; ngày nhập học; ngày cấp bằng; nơi tổ chức đào tạo (tên cơ sở đào tạo/phân hiệu); ngôn ngữ giảng dạy; thời gian đào tạo.
Thông tin về trình độ đào tạo; hình thức đào tạo; trình độ đào tạo kế tiếp mà người có văn bằng được tiếp cận.
Kết quả học tập: tên học phần hoặc môn học; số tín chỉ của từng học phần hoặc môn học; điểm học phần hoặc môn học; tổng số tín chỉ tích lũy; điểm trung bình; tên luận văn và kết quả luận văn (nếu có); điểm xếp loại tốt nghiệp; xếp loại tốt nghiệp.
Trường hợp văn bằng được cấp khi các tín chỉ tích lũy ở những cơ sở đào tạo khác nhau, cần ghi rõ tên môn học và số tín chỉ của từng môn học được công nhận để xét tốt nghiệp và tên cơ sở đào tạo.
Cục Quản lý chất lượng cho rằng, các thông tin quy định ghi trên Phụ lục văn bằng tại thông tư nói trên đã đảm bảo cung cấp đầy đủ về quá trình đào tạo, kết quả học tập, hình thức đào tạo... của người học giúp người sử dụng lao động có đầy đủ thông tin về người có văn bằng để tham khảo và lựa chọn trong tuyển dụng.
Bên cạnh đó, dự thảo thông tư cũng quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học chỉ quy định nội dung chính ghi trên văn bằng. Các thông tin khác đã quy định phải ghi trên phụ lục văn bằng và được cấp đồng thời với văn bằng cho người học.
Đơn vị này cũng cho biết, việc cấp văn bằng cùng với phụ lục văn bằng là xu hướng của nhiều nước trên thế giới, trong quá trình xây dựng dự thảo thông tư, ban soạn đã tham khảo văn bằng của hơn 20 quốc gia.
Do vậy, quy định như trong dự thảo "thông tư quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học" là phù hợp với thông lệ của nhiều nước trên thế giới, đảm bảo sự hội nhập của giáo dục đại học Việt Nam với giáo dục đại học của các nước.
Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, văn bằng giáo dục đại học gồm 3 loại: bằng cử nhân; bằng thạc sĩ và bằng tiến sĩ. Các loại văn bằng chuyên môn đặc thù do Chính phủ quy định.
Hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Theo đó, các loại ngành nghề chuyên môn đặc thù sẽ được quy định tại nghị định này.
Dự kiến sẽ có các loại bằng kỹ sư, bằng bác sĩ, bằng dược sĩ… (với tư cách là bằng chuyên môn đặc thù). Do đó, trong dự thảo thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo không quy định những trường hợp này.
Hiện dự thảo thông tư đang trong quá trình lấy ý kiến rộng rãi theo quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật.