Bùng nổ du lịch: Cần giải quyết khủng hoảng về nước

Ngọc Lan
Chia sẻ

Mức tiêu thụ nước hiện tại có thể làm giảm chất lượng dịch vụ, tăng chi phí vận hành và giảm sự hài lòng của khách hàng cũng như doanh thu của cả ngành du lịch Việt Nam...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Ngành du lịch toàn cầu hiện tiêu thụ khoảng 6.575 lít nước/khách/đêm, tương đương 27.800 lít/khách/chuyến đi. Ở Việt Nam, nơi tình trạng thiếu nước đang ngày càng trở nên đáng lo ngại, lượng nước này khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn. 

“Mức tiêu thụ nước này có thể làm giảm chất lượng dịch vụ, tăng chi phí vận hành và giảm sự hài lòng của khách hàng cũng như doanh thu của cả ngành du lịch Việt Nam”, Giảng viên ngành Quản trị du lịch và khách sạn Đại học RMIT, Tiến sĩ Naresh Nayak, cho biết.

KHỦNG HOẢNG NƯỚC TÁC ĐỘNG ĐẾN DU LỊCH

Việt Nam đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nước nghiêm trọng, mực nước giảm mạnh ở nhiều khu vực do hạn hán kéo dài và các hiện tượng khí hậu như El Niño và La Niña. 

Điều này khiến nguồn cung nước về các con sông lớn như sông Hồng và sông Mê Kông sụt giảm nghiêm trọng, gây ra tình trạng thiếu nước cấp bách cho hàng triệu người. 

Khủng hoảng nước còn trầm trọng hơn ở Đồng bằng sông Cửu Long, nơi xâm nhập mặn khiến nguồn nước ngọt không thể sử dụng được. Việc đóng cửa các cơ sở thiết yếu như nhà máy nước Đạ Huoai ở tỉnh Lâm Đồng đã khiến người dân nơi đây mất đi nguồn cung nước đáng tin cậy.

Trong khi đó, du lịch Việt Nam đang vươn mình mạnh mẽ trong những thập kỷ qua, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng cũng gây căng thẳng cho tài nguyên nước.

"Với hơn 8,8 triệu khách ngoại và 66 triệu khách nội trong nửa đầu năm 2024, tình trạng thiếu nước trên toàn quốc càng trầm trọng hơn," Tiến sĩ Nayak cho biết. 

Thêm vào đó, các dự đoán chỉ ra rằng đến năm 2024, thị trường du lịch sẽ đạt doanh thu gần 3.252 tỉ đô la Mỹ. Lĩnh vực này dự kiến sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ hằng năm là 5,68% giai đoạn 2024-2029, mang lại giá trị thị trường ước tính 4.286 tỉ đô la Mỹ vào năm 2029. 

Đáng chú ý, phân khúc khách sạn được nhận định chiếm ưu thế trên thị trường, với dự báo sẽ tạo ra khoảng 1.582 tỉ đô la Mỹ vào năm 2024. 

Tiến sĩ Nayak cho biết ngành du lịch ở Việt Nam phải đối mặt với thách thức lớn với nhu cầu về nước ngày càng tăng tại các khách sạn, khu nghỉ dưỡng và cơ sở lưu trú du lịch khác.

Theo ông, các khách sạn và khu nghỉ dưỡng là nguồn tiêu thụ nước lớn, đến từ nhu cầu sử dụng phòng ốc, dịch vụ ăn uống, trang thiết bị giải trí và nhu cầu bảo trì. 

“Trên toàn cầu, mức tiêu thụ nước trong lĩnh vực lưu trú ước tính trung bình là khoảng 350 lít/khách/đêm," Tiến sĩ chia sẻ. "Tuy nhiên, các khách sạn hạng sang có thể tiêu thụ vượt quá mức trung bình này rất nhiều, với mức sử dụng lên tới 3.423 lít/khách/đêm. Đây là những số liệu cho thấy nhu cầu nước đáng kể liên quan đến ngành du lịch, đặc biệt là phân khúc hạng sang."

Ở Việt Nam, đặc biệt là ở các trung tâm du lịch như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và những khu vực ven biển, cũng ghi nhận mức sử dụng nước cao tương tự. 

Tiến sĩ Nayak nhấn mạnh tiêu thụ nước gia tăng gây áp lực lên nguồn nước vốn đã hạn chế, đặc biệt là ở các điểm đến nổi tiếng. Cùng với những thách thức hiện có như biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn, nhu cầu sử dụng nước của ngành du lịch dẫn đến tình trạng cạnh tranh về nước giữa du khách và cộng đồng địa phương, có khả năng dẫn đến tình trạng thiếu nước nghiêm trọng hơn. 

Thêm nữa, theo Tiến sĩ Nayak, nhiều nơi lưu trú vẫn sử dụng cơ sở hạ tầng lỗi thời và cách làm không ưu tiên bảo tồn nước, dẫn đến lãng phí nước đáng kể và gia tăng áp lực đối với nguồn nước hạn chế.

“Lượng khách du lịch tập trung cao ở một số khu vực nhất định khiến nhu cầu về nước của một số địa phương tăng vọt, thường vượt quá khả năng cung cấp, đặc biệt trong các mùa cao điểm," ông cho biết.

GIẢI PHÁP BỀN VỮNG CHO NGÀNH LƯU TRÚ

Khi biến đổi khí hậu và phát triển du lịch khiến áp lực về nguồn nước tăng cao, nỗ lực của từng cá nhân trong ngành này đóng vai trò quan trọng giúp giải quyết nhu cầu nước ngày càng tăng đáp ứng tốc độ phát triển nhanh chóng của ngành du lịch Việt. 

Tiến sĩ Nayak nhấn mạnh mặc dù đã có nhiều biện pháp bền vững được triển khai, để quản lý nước hiệu quả, vai trò của các sáng kiến cá nhân trong các khách sạn là rất quan trọng.

“Môi trường thúc đẩy hợp tác giữa các bên liên quan và tích hợp các biện pháp tiết kiệm nước vào chiến lược kinh doanh tổng thể là điều cần thiết," ông cho biết. "Những môi trường như vậy có thể tác động mạnh đến hành vi của khách, khuyến khích họ thực hiện các hành động tích cực như bảo vệ nguồn nước”. 

Cách tiếp cận hợp tác này đảm bảo quản lý nước bền vững trong ngành khách sạn, cân bằng lợi ích kinh tế của du lịch với nhu cầu bảo tồn nguồn nước.

Do đó, lĩnh vực du lịch và lưu trú cần chuẩn bị cho những thách thức trong tương lai bằng cách thực hiện các biện pháp quản lý nước bền vững và khuyến khích du khách tiết kiệm nước. 

Tiến sĩ Nayak chỉ ra rằng du khách sẵn lòng tham gia vào việc bảo vệ môi trường nếu họ được truyền đạt hiệu quả. Ông gợi ý ngành khách sạn nên khuyến khích du khách tham gia vào các cuộc thảo luận về bảo tồn nước và các vấn đề môi trường.

"Những biện pháp đơn giản có thể tác động đáng kể đến hành vi của khách, chẳng hạn như khuyến khích họ tái sử dụng khăn tắm và ga trải giường thông qua những cuộc trò chuyện lịch sự, lắp đặt bộ hẹn giờ tiết kiệm chi phí trong phòng tắm của khách; đào tạo nhân viên về tầm quan trọng của việc tiết kiệm nước và cách truyền đạt điều này đến khách hàng, cũng như đưa ra ưu đãi hoặc phần thưởng cho những người tích cực tham gia vào các sáng kiến tiết kiệm nước," Tiến sĩ đề xuất.

Bằng cách thực hiện các chiến lược này, ngành du lịch có thể đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn nước và đảm bảo tính bền vững. 

Tiến sĩ Nayak cũng tin rằng các chính sách và ưu đãi của chính phủ đối với các hoạt động du lịch bền vững đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy áp dụng công nghệ và biện pháp tiết kiệm nước.

Khi Việt Nam tiếp tục thu hút nhiều du khách hơn, việc cân bằng giữa lợi ích kinh tế của du lịch và quản lý bền vững nguồn nước sẽ là điều cần thiết để đảm bảo sự phát triển của ngành không gây tổn hại đến an ninh nguồn nước.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con