Các doanh nghiệp bán dẫn có thể chỉ cần 15 ngày để được cấp phép hoạt động tại khu công nghệ cao
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng dự thảo cho phép các doanh nghiệp công nghệ cao, thuộc lĩnh vực bán dẫn hay trí tuệ nhân tạo muốn hoạt động tại các khu công công nghệ cao, khu chế xuất đặc biệt,.. chỉ cần đăng ký đầu tư và nếu được chấp thuận, trong 15 ngày sẽ nhận kết quả cấp chứng nhận đăng ký để đi vào triển khai hoạt động…
Trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024, chiều 1/10, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo “Doanh nghiệp và thế hệ trẻ trước làn sóng công nghệ trí tuệ nhân tạo và công nghệ bán dẫn”.
Đứng trước làn sóng phát triển của công nghệ trí tuệ nhân đạo và công nghệ bán dẫn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định đây là thời điểm vô cùng quan trọng đối với Việt Nam để tiến tới trở thành đất nước đang phát triển có thu nhập cao và nền công nghiệp phát triển như mục tiêu đã được đề ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII.
Bộ trưởng khẳng định thách thức vô cùng lớn và thực tiễn không hề dễ dàng, để trỗi dậy vươn lên, chỉ có thể dựa vào đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, dựa vào sức mạnh văn hóa. Việt Nam sẽ nắm bắt những cơ hội nhỏ nhất để xây dựng kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
VIỆT NAM TẠO MỌI ĐIỀU KIỆN HỖ TRỢ CÁC NHÀ ĐẦU TƯ VÀ DOANH NGHIỆP BÁN DẪN
Dựa trên đánh giá thực tế khách quan, Việt Nam nhìn nhận ngành công nghiệp bán dẫn sẽ là động lực quan trọng để quốc gia chuyển mình. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định Việt Nam đang hội tụ đầy đủ những yếu tố để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn:
Thứ nhất, Việt Nam hệ thống chính trị ổn định và quyết tâm chính trị cao.
Thứ hai, dân số vàng – lực lượng trẻ đông, nhiệt huyết, đặc biệt có thế mạnh trong lĩnh vực STEM.
Thứ ba, nhiều chính sách ưu đãi tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư tham gia phát triển bán dẫn tại Việt Nam như Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 và Đề án "Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin giai đoạn 2021 - 2025".
Thứ tư, Việt nam đã hình thành hệ sinh thái bán dẫn với nhiều tập đoàn công nghệ Google, Meta, NVIDIA, AMD, Qualcomm, Intel, Amkor, Hana Micron, LAM Research, Marvell, Cadence, Synopsys, Qorvo, Ampere. Và Việt Nam đang chuẩn bị chiến lược, chính sách chào đón các tập đoàn công nghệ mới tiến vào thị trường.
Thứ năm, Việt Nam đang từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách đầu tư để tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ sớm ban hành thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp cao trong đó có bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; đồng thời xây dựng đề án cải cách đặc biệt cho phép các doanh nghiệp bán dẫn muốn hoạt động tại các khu công công nghệ cao, khu chế xuất đặc biệt,.. chỉ cần đăng ký đầu tư và nếu được chấp thuận, trong 15 ngày sẽ nhận kết quả cấp chứng nhận đăng ký đầu tư, đơn giản hoá hoàn toàn các thủ tục hành chính.
Thứ sáu, Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp làm Trưởng ban; đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cùng với 3 khu công nghệ cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng với nhiều chính sách thuận lợi và cơ chế ưu đãi cao.
CHƯA MỞ KHOÁ HẾT TIỀM NĂNG CƠ HỘI
Tại hội thảo, ông Trần Anh Minh, Đồng sáng lập quỹ ViSemi (hỗ trợ các tài năng Việt trong ngành bán dẫn), cho rằng Việt Nam đang có mạng lưới chuyên gia trong ngành trải khắp trên thế giới từ châu Á đến châu Âu và tất cả đều mong muốn góp sức phát triển ngành bán dẫn quốc gia. Cơ hội địa chính trị tạo ra sự dịch chuyển mạnh về công nghệ, nhu cầu về chip đang tăng nhanh và nhiều nhất trong lịch sử loài người, đây là cơ hội vàng đối với Việt Nam.
Tuy nhiên, thực tế các nước xung quốc cũng có những lợi thế tương tự Việt Nam, vì vậy nếu muốn đón sóng cơ hội, Việt Nam phải tăng tốc. “Như Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng có phát biểu, Việt Nam có rất nhiều điều kiện thuận lợi nhưng thực tế chúng ta vẫn chưa mở khoá hết tiềm năng cơ hội”.
Theo ông Trần Đăng Hòa, Chủ tịch FPT IS, mặc dù Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào, tuy nhiên, số lượng kỹ sư có chuyên môn cao trong lĩnh vực bán dẫn còn nhiều hạn chế, chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục chưa theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ hiện đại. Song Chủ tịch FPT IS tin rằng Việt Nam hoàn toàn có thể khắc phục bất lợi này để định vị mình trong chuỗi công nghệ bán dẫn toàn cầu.
Bên cạnh các chuyên gia trong nước, hội thảo còn có sự góp mặt của nhiều lãnh đạo các tập đoàn quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực bán dẫn như bà Becky Fraser, Phó Chủ tịch phụ trách Quan hệ chính phủ, Tập đoàn Qualcomm; Obng Raymond Teh, Phó Chủ tịch, Tập đoàn NVIDIA;... Thông qua tham luận, các chuyên gia quốc tế đều đánh giá cao tiềm năng của Việt Nam và những nỗ lực của Việt Nam trong việc tạo ra môi trường thuận lợi để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Bà Becky Fraser, Phó Chủ tịch phụ trách Quan hệ Chính phủ, Tập đoàn Qualcomm cho biết Qualcomm tự hào vì có mối quan hệ đối tác chặt chẽ với đơn vị viễn thông, bộ ban ngành Việt Nam và cam kết trong thời gian tới sẽ tiếp tục hỗ trợ các startups và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phát triển năng lực trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo AI.