Cập nhật tiến độ các dự án trọng điểm tại Thanh Hóa
Năm 2024, tỉnh Thanh Hóa xác định 71 dự án đầu tư lớn, trọng điểm. Trong số các dự án trên, đến nay có 6 dự án cơ bản hoàn thành, 33 dự án đang triển khai thực hiện và 32 dự án đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục chuẩn bị đầu tư...
Năm 2024, UBND tỉnh Thanh Hóa xác định danh mục 71 dự án đầu tư lớn, trọng điểm cần tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện.
Đến nay, tỉnh này đã có 6 dự án cơ bản hoàn thành, gồm: Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội thành phố Sầm Sơn; Nhà máy sản xuất lốp ô tô Radia; Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa; Đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị cho 5 Trung tâm y tế tuyến huyện, tỉnh Thanh Hóa; Đầu tư xây dựng mới và mua sắm trang thiết bị cho 70 Trạm y tế tuyến xã, tỉnh Thanh Hóa; Đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa.
Đối với các dự án còn lại, Thanh Hóa có 33 dự án đang triển khai thực hiện, 32 dự án đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục chuẩn bị đầu tư.
Cùng theo các cơ quan chức năng tỉnh này trong 71 dự án trọng điểm trên, hiện có 33 dự án phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Cụ thể, đối với các dự án đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục chuẩn bị đầu tư như: Khu đô thị nghỉ dưỡng và công viên vui chơi giải trí Nam Sông Mã; Khu đô thị mới dọc Đại lộ Nam Sông Mã; Quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp với các dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp Bến En...
Các dự án trên gặp vướng mắc khi một số quy hoạch ngành, quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa thống nhất; việc lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu chức năng liên quan đến một số dự án còn chậm.
Tiếp đến, đối với các dự án lĩnh vực văn hóa như: Tôn tạo Khu di tích Phủ Trịnh; Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Lăng miếu Triệu Tường; Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Bà Triệu… hiện nay phải xin ý kiến của các bộ, ngành Trung ương; một số trường hợp phải tổ chức thi sáng tác hình tượng để lựa chọn mẫu thực hiện, làm kéo dài thời gian chuẩn bị đầu tư.
Các dự án khác như: Tuyến đường bộ ven biển đoạn Hoằng Hóa - Sầm Sơn và Quảng Xương - Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn), theo hình thức PPP (Hợp đồng BOT); Tôn tạo Khu di tích Phủ Trịnh đang vướng mắc do công tác chuẩn bị thủ tục đầu tư của một số dự án chưa được các chủ đầu tư quan tâm đúng mức và thiếu chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện.
Một số dự án trọng điểm khác đang triển khai thực hiện như: Dây chuyền 4 - Nhà máy xi măng Long Sơn; Nhà máy luyện cán thép DST Nghi Sơn; Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp số 17 Khu kinh tế Nghi Sơn; Nhà máy Luyện cán thép Nghi Sơn số 2; Cảng Container Long Sơn, các dự án cũng đang gặp những khó khăn trong việc xác định nguồn gốc đất, đơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng các khu tái định cư chậm.
Một số dự án sử dụng nguồn vốn ODA có quy trình thực hiện nhiều bước, mất nhiều thời gian, phụ thuộc vào nhà tài trợ và phải thực hiện hồ sơ, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án đầu tư do tăng chi phí giải phóng mặt bằng, như: Dự án phát triển tổng hợp các đô thị động lực - Tiểu dự án đô thị Tĩnh Gia; Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8); Dự án Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc.