Chính phủ cho phép chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng hạ tầng giao thông đường bộ tối đa 10 năm
Nghị định số 44/2024/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, trong đó có quy định chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ...
Theo Nghị định, chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là việc Nhà nước chuyển giao quyền thu phí sử dụng đường bộ cho tổ chức theo hợp đồng để nhận một khoản tiền tương ứng.
Phạm vi tài sản được chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng là tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ hoặc một phần tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được thu phí sử dụng đường bộ theo quy định của pháp luật (trừ phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí).
Việc chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ không áp dụng đối với: Tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia; Tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 44/2024/NĐ-CP.
Thời hạn chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được xác định cụ thể trong từng hợp đồng chuyển nhượng nhưng tối đa là 10 năm.
Việc này phù hợp với từng tài sản (một phần tài sản) kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 5 Điều 14 Nghị định 44/2024/NĐ-CP phê duyệt tại Quyết định phê duyệt Đề án chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản.
Về thẩm quyền phê duyệt Đề án chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, Nghị định nêu rõ: Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt Đề án chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do cơ quan quản lý tài sản ở trung ương quản lý. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt Đề án chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do cơ quan quản lý tài sản ở địa phương quản lý.
Cũng theo Nghị định, bên nhận chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có quyền tổ chức thực hiện khai thác tài sản theo đúng quy định của pháp luật và hợp đồng đã ký kết. Quyết định phương thức, biện pháp khai thác tài sản bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về giao thông đường bộ và hợp đồng ký kết. Bên nhận quyền chuyển nhượng cũng được thu phí sử dụng đường bộ và các dịch vụ khác liên quan đến tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật và hợp đồng ký kết.
Bên nhận chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có nghĩa vụ sử dụng, khai thác tài sản đúng mục đích, nhiệm vụ của tài sản; không được chuyển đổi công năng sử dụng, chuyển nhượng, bán, tặng cho, góp vốn, thế chấp hoặc thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự khác. Thực hiện bảo trì công trình thuộc tài sản theo hợp đồng đã ký kết và quy định của pháp luật.
Ngoài ra, bên nhận chuyển nhượng cũng có nghĩa vụ thanh toán tiền chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản (bao gồm cả khoản tiền nộp bổ sung) đầy đủ, đúng hạn theo quy định; trường hợp quá thời hạn thanh toán theo quy định mà Bên nhận chuyển nhượng chưa thanh toán hoặc chưa thanh toán đủ thì phải nộp phạt hợp đồng; mức phạt tương đương với mức tiền chậm nộp xác định theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Hàng năm, bên nhận chuyển nhượng phải báo cáo doanh thu từ việc khai thác tài sản nhận chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kèm theo Báo cáo tài chính đã được kiểm toán theo quy định, gửi Bên chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản.