Chứng khoán Mỹ cắm đầu rơi sau cuộc họp báo của Chủ tịch Fed, giá dầu vẫn tăng
Lúc đầu, thị trường tăng điểm sau khi quyết định lãi suất của Fed được đưa ra. Và rồi, những tia hy vọng bị dập tắt sau khi ông Powell có những phát biểu cứng rắn...
Thị trường chứng khoán Mỹ tụt điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (2/11) sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell nói rằng lạm phát vẫn còn quá cao và phát tín hiệu tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới. Tuy nhiên, giá dầu duy trì đà tăng của phiên trước nhờ số liệu cho thấy lượng dầu tồn kho của Mỹ giảm.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 505,44 điểm, tương đương giảm 1,55%, còn 32.147,76 điểm. Chỉ số S&P 500 “bốc hơi” 2,5%, còn 3.759,69 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 3,36%, còn 10.524,8 điểm.
Kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài 2 ngày, Fed nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm - một động thái không nằm ngoài dự báo. Trong cuộc họp báo sau đó, ông Powell nói rằng cuộc chiến chống lạm phát của Fed còn lâu mới đến hồi kết.
“Chúng tôi vẫn còn những chặng đường phải đi và các dữ liệu kinh tế được đưa ra kể từ sau lần họp trước cho thấy mức đỉnh của lãi suất trong chu kỳ thắt chặt này sẽ phải cao hơn nhiều so với dự tính trước đây”, ông Powell phát biểu. Nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới nói thêm rằng “còn quá sớm” để nói về việc dừng tăng lãi suất. “Chúng tôi vẫn phải đi tiếp”, ông nói.
Lúc đầu, thị trường tăng điểm sau khi quyết định lãi suất được đưa ra và tuyên bố của Fed có dấu hiệu cho thấy có thể sắp đến lúc Fed điều chỉnh lập trường chính sách tiền tệ. Tuyên bố có đoạn viết: “Khi quyết định tốc độ của những đợt tăng lãi suất trong tương lai, Uỷ ban sẽ tính đến mức độ thắt chặt đã đạt được trong chính sách tiền tệ, độ trễ của hiệu ứng chính sách tiền tệ đối với hoạt động kinh tế và lạm phát, và các diễn biến kinh tế và tài chính”.
Tuy nhiên, những tia hy vọng đã bị dập tắt sau khi ông Powell có những phát biểu cứng rắn về việc chống lạm phát.
“Giọng điệu trong những phát biểu của Chủ tịch Fed là khá cứng rắn, điều đó đồng nghĩa với việc Fed vẫn còn phải hành động để chống lạm phát, và mức lãi suất sẽ cao hơn nhiều so với dự tính. Chẳng có dấu hiệu nào của sự mềm mỏng để phản ánh rằng Fed sắp đến lúc dừng tăng lãi suất cả”, nhà quản lý danh mục Jack McIntyre của Brandywine Global nhận định với hãng tin CNBC.
Mức giảm mạnh nhất trong phiên này thuộc về các nhóm cổ phiếu tiêu dùng không thiết yếu và công nghệ, với mức giảm hơn 3% mỗi nhóm. Amazon, Netflix và Meta Platforms giảm gần 5% mỗi cổ phiếu. Tesla và Salesforce giảm tương ứng 5,6% và 6,1%.
Quyết định lãi suất của Fed đưa ra sau một báo cáo cho thấy thị trường lao động của Mỹ tiếp tục vững mạnh. Tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp vốn được xem là một cơ sở quan trọng để Fed duy trì sự cứng rắn. Báo cáo hàng tháng từ công ty dịch vụ tuyển dụng ADP cho thấy thị trường lao động Mỹ tăng trưởng tốt hơn dự báo trong tháng 10.
Năm nay, lãi suất tăng, lạm phát cao và tăng trưởng kinh tế giảm tốc là những yếu tố gây bất lợi đối với thị trường chứng khoán toàn cầu, trong đó có giá cổ phiếu ở Phố Wall. Sau phiên ngày thứ Tư, Dow Jones đã giảm hơn 11,5% từ đầu năm; S&P 500 mất 21,1%; và Nasdaq giảm 32,7%.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 1,51 USD/thùng, tương đương tăng 1,6%, chốt ở 96,16 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,63 USD/thùng, tương đương tăng 1,8%, chốt ở 90 USD/thùng.
Giá dầu đã giằng co mạnh trong suốt phiên giao dịch, nhưng cuối cùng đã chốt phiên ở ngưỡng cao của vùng biên độ.
Chịu áp lực giảm từ đợt tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm thứ tư liên tiếp của Fed, nhưng giá “vàng đen” phiên này nhận được sự hỗ trợ từ báo cáo hàng tuần của Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy lượng tồn kho dầu thô giảm 3,1 triệu thùng trong tuần trước. Tồn kho các sản phẩm chưng cất cũng chỉ tăng nhẹ dù Mỹ chuẩn bị bước vào mùa đông, thời điểm nhu cầu tiêu thụ dầu để sưởi ấm thường tăng cao.
Tồn kho các sản phẩm năng lượng hoá thạch của Mỹ đang ở mức thấp, khiến giới phân tích lo ngại rằng việc chính quyền ông Biden thời gian qua xả dự trữ dầu lửa chiến lược nhằm mục đích kéo giá xăng dầu xuống rốt cục sẽ trở thành nguyên nhân khiến nguồn cung dầu càng siết lại hơn.
“Mỗi tuần trôi qua, lượng tồn kho của Mỹ càng giảm thêm, dẫn tới câu hỏi rằng thị trường sẽ biết dựa vào đâu một khi dầu từ dự trữ chiến lược ngừng xả ra thị trường. Đó là lý do vì sao giá dầu được nâng đỡ”, Chủ tịch Andrew Lipow của Lipow Oil Associates nhận định với hãng tin Reuters.
Cũng theo Reuters, sản lượng dầu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) trong tháng 10 vừa qua giảm lần đầu tiên kể từ tháng 6. Chưa kể, mức sản lượng thực tế của khối này còn ít hơn 1,36 triệu thùng/ngày so với mục tiêu.
Ngoài ra, giá dầu còn được hỗ trợ bởi việc phương Tây đang chuẩn bị cho việc áp trần giá dầu Nga và châu Âu chuẩn bị thực thi lệnh cấm vận dầu Nga.
Những nỗ lực chống Covid của Trung Quốc là một nguồn áp lực mất giá đối với dầu, nhưng hôm thứ Ba, giá dầu đã tăng mạnh sau khi có tin đồn trên mạng xã hội nói rằng đến tháng 3 năm sau, Trung Quốc sẽ nới lỏng các hạn chế chống dịch.