Chứng khoán Mỹ xanh rực nhờ cổ phiếu chip Nvidia, giá dầu tăng do dấu hiệu thiếu cung
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (22/2), với chỉ số S&P 500 và Dow Jones cùng đạt mức cao kỷ lục mới...
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (22/2), với chỉ số S&P 500 và Dow Jones cùng đạt mức cao kỷ lục mới, khi báo cáo kết quả kinh doanh quý vượt xa kỳ vọng của hãng sản xuất con chip Nvidia tạo tâm lý hưng phấn cho nhà đầu tư không chỉ đối với nhóm cổ phiếu công nghệ. Giá dầu cũng tăng khi có những dấu hiệu về sự thắt chặt nguồn cung dầu toàn cầu và căng thẳng địa chính trị tiếp diễn ở Trung Đông.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 2,11%, đạt 5.087,03 điểm, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 1/2023 của thước đo giá cổ phiếu rộng nhất ở Phố Wall.
Chỉ số Nasdaq tăng 2,96%, đạt 16.041,62 điểm. Đây là phiên tăng mạnh nhất của chỉ số với cổ phiếu công nghệ chiếm đa số này kể từ tháng 2/2023. Với phiên tăng này, Nasdaq đã tiến đến rất gần kỷ lục đóng cửa mọi thời đại là mức 16.057,44 điểm.
Chỉ số Dow Jones tăng 456,87 điểm, tương đương tăng 1,18%, đạt 39.069,11 điểm. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chỉ số blue-chip gồm 30 cổ phiếu thành viên đóng cửa trên ngưỡng 39.000 điểm.
Giữ vai trò dẫn dắt phiên tăng này là cổ phiếu Nvidia với mức tăng 16,4%, đạt mức cao chưa từng có trong lịch sử. Lệnh mua ào ạt đổ vào Nvidia sau khi hãng công bố báo cáo tài chính quý đầu tiên của năm tài khoá cho thấy doanh thu tăng trưởng 265% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ bùng nổ doanh thu ở mảng trí tuệ nhân tạo (AI). Không chỉ có vậy, Nvidia - công ty đã lọt vào top vốn hoá thị trường lớn nhất ở Mỹ - còn đưa ra dự báo rực rỡ về doanh thu trong quý hiện tại, vượt cả những con số kỳ vọng lạc quan nhất của các nhà phân tích.
Loạt cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn khác “ăn theo” Nvdiia, như Meta - công ty mẹ của Facebook - và hãng thương mại điện tử Amazon tăng tương ứng 3,9% và 3,5%. Microsofot và Netflix tăng hơn 2% mỗi cổ phiếu.
“Những gì chúng ta đang chứng kiến là một cơn bão tích cực hoàn về lợi thế của người đi tiên phong, kết hợp với thị phần 80% và triển vọng khả quan về tăng trưởng trong tương lai của một lĩnh vực có tiềm năng làm thay đổi bộ mặt không chỉ của ngành công nghệ mà cả cách thức vận hành của nhiều ngành công nghiệp khác”, CEO Gerald B. Goldberg của công ty GYL Financial Synergies nhận định với hãng tin CNBC về Nvidia trong lĩnh vực con chip trí tuệ nhân tạo (AI).
Cơn sốt AI đã trở thành động lực cho tốc độ tăng gây sửng sốt của giá cổ phiếu Nvidia cùng với các cổ phiếu Big Tech khác trong năm qua. Thành công của Nvidia trong quý vừa qua có thể tạo ra một cú huých niềm tin mới trong lĩnh vực công nghệ, đồng thời mang lại lợi ích chung cho toàn thị trường.
Theo chuyên gia Phillip Colmar của công ty MRB Partners, chứng khoán Mỹ đang hưởng lợi từ tăng trưởng lợi nhuận khả quan của các công ty niêm yết và trạng thái vững vàng hơn kỳ vọng của nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, ông Colmar cho rằng thị trường vẫn có thể giảm điểm nếu sự vững vàng của nền kinh tế khiến lợi suất trái phiếu tăng lên.
“Các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn trong nhóm Maginicent 7 đang có dấu hiệu bong bóng. Những cổ phiếu này đều có kỳ vọng lợi nhuận rất cao và mức định giá cổ phiếu rất cao, không có bất kỳ dư địa nào cho sự thất vọng”, ông Colmar nhận định. Ông cũng lưu ý rằng sự tăng điểm của thị trường nhờ vào cổ phiếu Nvidia vẫn có “rủi ro cố hữu”, xét tới bản chất chu kỳ của các cổ phiếu chip.
Giá dầu thô WTI giao tháng 4 ở New York tăng 0,7 USD/thùng, tương đương tăng 0,9%, chốt ở mức 78,61 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 4 ở London tăng 0,64 USD/thùng, tương đương tăng 0,77%, chốt ở mức 83,67 USD/thùng.
Trong những tuần gần đây, giá dầu giao tháng kế tiếp đã cao hơn so với giá dầu giao những tháng sau đó, với chênh lệch ngày càng tăng. Theo chiến lược gia Giovanni Staunovo của ngân hàng UBS, đây thường là một dấu hiệu cho thấy thị trường đang thắt chặt. Trong một báo cáo, ông Staunovo nói rằng nguồn cung có thể thắt lại do những cơn bão mùa đông ở Bắc Mỹ trong tháng 1 khiến sản lượng dầu toàn cầu giảm 1,4 triệu thùng/ngày. Cùng với đó, nhu cầu dầu của Ấn Độ trong tháng 1 lại tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chưa kể, OPEC+ đã tăng cường thực thi việc cắt giảm sản lượng, khiến tổng lượng dầu mà liên minh này xuất khẩu đã giảm khoảng 900.000 thùng/ngày trong tháng 2, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8 - theo ông Staunovo.
“Chúng tôi duy trì triển vọng tương đối lạc quan về giá dầu vì cho rằng thị trường dầu sẽ hơi thiếu cung trong năm nay”, vị chuyên gia nhận định.
Tình hình địa chính trị ở Trung Đông vẫn còn nhiều bấp bênh. Giữa lúc Mỹ nỗ lực đi đến một thoả thuận ngừng bắn cho dải Gaza, xung đột vẫn leo thang ở biên giới giữa Israel và Lebanon, cũng như trên Biển Đỏ.
Một thoả thuận ngừng bắn tạm thời để đổi lại việc phóng thích con tin ở Gaza sẽ giúp giảm bớt căng thẳng ở Trung Đông - một nguồn cung dầu chủ lực của thế giới. Tuy nhiên, Israel vẫn liên tiếp tiến hành các cuộc không kích nhằm vào phiến quân Hezbollah ở Lebanon trong những ngày gần đây, còn phiến quân Houthi ở Yemen vẫn không ngừng tấn công tàu chở hàng ở Biển Đỏ.