Esports Đông Nam Á đang “lên ngôi”
Esports Đông Nam Á đang vươn lên mạnh mẽ với sự đầu tư vào hạ tầng, công nghệ và nhân lực…

Đội tuyển thể thao điện tử (esports) Paper Rex có trụ sở tại Singapore vừa giành chiến thắng vang dội tại Chung kết giải Valorant Masters Toronto, điều này cho thấy ngành thể thao điện tử Đông Nam Á đang đạt đến tầm cao mới. Khu vực dần thoát khỏi hình ảnh chỉ là nơi tập trung nhóm người hâm mộ cuồng nhiệt, để vươn mình trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, xây dựng hạ tầng cũng như sở hữu những đội tuyển hàng đầu thế giới, theo Technode Global.
Dù hầu hết trò chơi đình đám toàn cầu như Counter-Strike 2, Dota 2, hay Valorant vẫn thu hút hàng triệu người xem, nhưng sự chuyển mình thực sự lại đang diễn ra phía sau hậu trường, khi nhiều quốc gia trong khu vực đầu tư mạnh vào công nghệ, nhân lực hay mô hình kinh doanh mới.
TỪ NGƯỜI XEM TRỞ THÀNH NGƯỜI TẠO DỰNG: ĐÔNG NAM Á TỰ TIN XÂY NGÀNH ESPORTS
Điểm nổi bật nhất trong sự chuyển đổi của lĩnh vực esports Đông Nam Á là việc cộng đồng địa phương không còn chỉ “ngồi xem” nữa, mà đã bắt đầu chủ động tham gia định hình tương lai ngành. Một số quốc gia như Singapore, Malaysia, Indonesia và Philippines đang chứng kiến làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ xoay quanh thị trường thể thao điện tử. Riêng Singapore đã tạo dựng danh tiếng là trung tâm kỹ thuật số, thu hút hơn 220 công ty hoạt động trong mảng game và esports – bao gồm cả những tên tuổi lớn như Garena lẫn công ty đổi mới như yup.gg và Storms.
Ngoài Singapore, Malaysia cũng ghi dấu ấn nhờ nhiều khoản đầu tư lớn vào lĩnh vực. Từ phát triển game đến tổ chức giải đấu, chính phủ và doanh nghiệp tư nhân đều bắt tay cùng tạo ra môi trường thuận lợi để các dự án mới ra đời. Giới trẻ trong khu vực đang biến niềm đam mê chơi game thành sự nghiệp nghiêm túc – với vai trò lập trình viên, nhà sáng tạo nội dung hoặc người tổ chức giải đấu. Sự thay đổi đang thu hút thêm nhiều nhân tài cũng như thúc đẩy ngành phát triển bền vững.
Tác động của quá trình thể hiện rõ qua sự lớn mạnh của các đội tuyển, giải đấu và tổ chức esports nội địa. Mô hình giờ đã tiệm cận với nhiều môn thể thao truyền thống, với hệ thống chuyên nghiệp hơn, mang lại chất lượng thi đấu cao hơn và kết nối cộng đồng game thủ lại với nhau. Nhờ đó, Đông Nam Á không còn chỉ là “thị trường tiêu thụ” cho game quốc tế, mà đang dần trở thành nơi sản sinh ra nội dung gốc, nhân tài hay ý tưởng sáng tạo mới.
CÁC GIẢI ĐẤU KHÔNG CHỈ LÀ SÂN CHƠI MÀ CÒN LÀ BÀI KIỂM TRA HẠ TẦNG KỸ THUẬT
Giải đấu esports ở Đông Nam Á ngày nay không chỉ đơn thuần là sự kiện giải trí, mà còn trở thành phép thử cho năng lực công nghệ và hậu cần khu vực. Chẳng hạn, vòng loại DreamLeague khu vực Đông Nam Á hay giải Free Fire World Series tổ chức tại Singapore thu hút tới hơn 5,4 triệu lượt xem đỉnh điểm. Những sự kiện đặt ra yêu cầu rất cao về tốc độ internet, chất lượng truyền hình – buộc nhà tổ chức và đơn vị cung cấp công nghệ phải liên tục cải thiện năng lực.
Mỗi giải đấu trở thành một cơ hội để “kiểm tra hệ thống”. Số liệu thu được, từ độ trễ mạng đến mức độ tương tác của khán giả, đều cung cấp thông tin để đơn vị tổ chức có thể nâng cấp dịch vụ. Chính vòng lặp phản hồi – cải tiến – thử nghiệm liên tục đang giúp hệ thống hạ tầng và công tác tổ chức sự kiện ngày càng hoàn thiện hơn.

BỆ PHÓNG CHO STARTUP CÔNG NGHỆ MỚI
Sự phát triển nhanh chóng của esports cũng thúc đẩy làn sóng đổi mới sáng tạo đối với startup công nghệ. Nhiều công ty trẻ xuất hiện để giải quyết những vấn đề rất riêng của ngành esports, ví dụ như nền tảng phân tích dữ liệu chiến thuật giúp huấn luyện viên và tuyển thủ tối ưu chiến lược, hay các lớp phủ (overlay) thông minh giúp livestream hấp dẫn và tương tác hơn.
Giờ đây, doanh nghiệp nhỏ cũng có thể tiếp cận công nghệ tiên tiến mà trước đây chỉ có ở những giải đấu lớn, từ đó tổ chức sự kiện chuyên nghiệp hơn và tiếp cận được lượng khán giả đông đảo hơn. Các nhà sáng tạo nội dung thì có thêm công cụ để gắn kết với fan và kiếm tiền thông qua tài trợ hay hoa hồng.
Đặc biệt, nhiều công ty lớn và cơ quan chính phủ cũng đang cùng nhau hợp tác phát triển bộ giải pháp phù hợp – từ nền tảng quản lý giải đấu, công cụ gắn kết người hâm mộ, đến giải pháp hậu cần. Những sự hợp tác giúp Đông Nam Á giữ vững vị thế tiên phong trong thị trường luôn biến động.
CHÍNH SÁCH, TÀI TRỢ VÀ NÉT RIÊNG CỦA TỪNG QUỐC GIA
Hỗ trợ từ chính phủ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển ngành esports tại Đông Nam Á. Malaysia đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng và phát triển nhân lực, bao gồm kế hoạch xây dựng trung tâm esports quốc gia. Cơ quan Truyền thông và Truyền hình Singapore (IMDA) thì giúp các công ty trong nước mở rộng quy mô và cạnh tranh toàn cầu thông qua khoản tài trợ hoặc tư vấn. Trong khi đó, Thái Lan và Việt Nam chú trọng đào tạo kỹ năng số và xây dựng mối quan hệ với nhiều thương hiệu game quốc tế.
Môi trường pháp lý tại Đông Nam Á tương đối linh hoạt so với nhiều khu vực khác, cho phép các mô hình thử nghiệm và đổi mới phát triển nhanh chóng. Chính phủ các nước cũng nỗ lực khắc phục một số điểm yếu như thiếu kết nối ở vùng sâu vùng xa hay thiếu tiêu chuẩn chung trong ngành. Việc vừa cạnh tranh vừa hợp tác đang tạo ra môi trường lý tưởng để sáng tạo và phát triển.
Điều khiến Đông Nam Á trở nên đặc biệt là mỗi quốc gia có định hướng riêng nhưng đều góp phần vào hệ sinh thái chung: Singapore mạnh về hạ tầng, Malaysia đầu tư cho phát triển từ gốc, còn Thái Lan thì tập trung nuôi dưỡng nhân tài. Chính sự đa dạng đã giúp khu vực thích nghi nhanh với xu hướng mới và duy trì đà phát triển trên sân khấu toàn cầu.

TƯƠNG LAI PHÍA TRƯỚC
Tương lai ngành esports Đông Nam Á có nhiều điểm sáng. Số lượng người hâm mộ dự kiến vượt mốc 500 triệu vào năm 2029, được thúc đẩy bởi dân số trẻ, yêu công nghệ và mạng internet ngày càng phổ biến. Doanh thu từ ngành esports cũng được dự báo sẽ tăng trưởng trung bình 6,91% mỗi năm, đạt quy mô 115,1 triệu USD vào năm 2029.
Dĩ nhiên, vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua – từ khoảng cách hạ tầng giữa thành thị và nông thôn, đến việc thống nhất quy định và nuôi dưỡng thế hệ nhân tài kế tiếp. Tuy nhiên, với tinh thần đổi mới và hợp tác ngày càng mạnh mẽ, Đông Nam Á đang sở hữu nền tảng vững chắc để tiếp tục bứt phá, khẳng định vị thế trên bản đồ esports thế giới.