Cố đô Huế có thêm hai di tích mở cửa đón khách dịp Tết Nguyên đán 2024
Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết sau nhiều năm đóng cửa để trùng tu, du khách chỉ có thể tham quan thông qua hình thức du lịch thực tế ảo, điện Thái Hòa và điện Kiến Trung sẽ mở cửa đón khách tham quan trực tiếp vào dịp Tết Nguyên đán 2024...
Thông tin trên được ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cung cấp tại Hội nghị Triển khai công tác năm 2024 của Sở Du lịch Thừa Thiên Huế tổ chức mới đây.
Theo đó, kinh thành Huế được vua Gia Long - người sáng lập vương triều nhà Nguyễn cho khởi dựng năm 1805, kéo dài tới năm 1832 - dưới thời vua Minh Mạng mới cơ bản hoàn thành. Các hạng mục công trình kiến trúc ở kinh thành cũng như khu vực Hoàng thành được xây dựng qua nhiều đời vua sau đó. Riêng điện Thái Hòa có vai trò, chức năng và ý nghĩa quan trọng nên được xây dựng rất sớm, cùng thời gian khởi dựng kinh thành Huế.
Điện Thái Hòa nằm trên trục thần đạo của kinh thành và Hoàng thành Huế, ngay phía sau Ngọ Môn. Từ Ngọ Môn - cổng chính của Hoàng thành ở phía nam, qua cầu Trung Đạo bắc ngang hồ Thái Dịch và 3 cấp sân Đại Triều Nghi là tới điện Thái Hòa. Trong suốt hơn 200 năm tồn tại, công trình nhiều lần được trùng tu qua các triều vua nhưng vẫn bảo lưu được kiến trúc và hình thái, đặc biệt là kết cấu và nghệ thuật trang trí.
Điện Thái Hòa có kiến trúc kiểu “trùng thiềm điệp ốc” - một kiểu kiến trúc phổ biến thời Nguyễn, gồm tiền điện và chính điện nối liền với nhau, rộng 1.440m2, mặt tiền 7 gian 2 chái, hệ khung kết cấu được làm bằng gỗ và gạch. Mái lợp ngói hoàng lưu ly, chia làm 3 tầng, trong đó, phần mái giữa và tầng trên có một “cổ diêm” được chia thành nhiều ô hộc trang trí hình vẽ và thơ văn. Cứ một ô hình vẽ lại có một ô đề thơ theo lối trang trí “nhất thi nhất họa” độc đáo.
Ngoài quy mô rộng lớn, kiến trúc tráng lệ, trang trí tinh xảo, điểm nổi bật của điện Thái Hòa là hình tượng rồng - biểu tượng của đấng quân vương và là chủ đề chính trong điện. Hình rồng xuất hiện ở nhiều nơi, với nhiều hình thức thể hiện như rồng chầu trên mái, bậc thềm, cột hay chạm khắc ở các cấu kiện gỗ và ngai vàng... Có thể nói, điện Thái Hòa là nơi rồng bay lượn, là đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc cung đình Huế. Trải qua hơn 200 năm tồn tại, trước các tác động của thời gian và khí hậu khắc nghiệt, điện Thái Hòa bị xuống cấp nghiêm trọng nên đã được tiến hành trùng tu tổng thể từ tháng 11/2021, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025.
Đến nay dù chưa hoàn thành trùng tu nhưng thể theo nguyện vọng của người dân, trung tâm cũng sẽ mở cửa ngôi điện để đón khách vào dịp Tết tới. Hết Tết, ngôi điện sẽ lại được đóng cửa để tiếp tục công tác trùng tu. "Với điện Thái Hòa, chúng tôi sẽ đưa ngai vàng phục chế hiện đang trưng bày tại Lầu Ngũ phụng trên Ngọ Môn về ngôi điện để đặt tại đây cho bà con tham quan dịp Tết. Còn ngai vàng thật vẫn phải để tại Bảo tàng cổ vật cung đình, chờ ngôi điện hoàn thành trùng tu thì mới có thể đưa về chốn cũ để đặt", ông Trung nói.
Cùng với việc mở cửa tại điện Thái Hòa thì điện Kiến Trung cũng sẽ mở cửa đón khách tham quan vào Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sau thời gian dài tu bổ, phục hồi. Điện Kiến Trung được xây dựng năm 1921, hoàn thành năm 1923. Đây là nơi làm việc, sinh hoạt của hai vị vua triều Nguyễn là Khải Định và Bảo Đại. Năm 1947, do ảnh hưởng của chiến tranh, bom đạn, điện Kiến Trung bị phá hủy gần như hoàn toàn, trở thành phế tích. Năm 2019, dự án tu bổ, tôn tạo và phục hồi điện Kiến Trung được khởi công.
Điện Kiến Trung được đầu tư xây dựng, gồm các hạng mục như: tu bổ tổng thể tường bao nền, hệ thống lan can, sân khuôn viên gồm Tiền Viên và Hậu Viên, các bậc cấp; tu bổ phục hồi lầu Kiến Trung (Kiến Trung Lâu) 2 tầng, chiều cao khoảng 14 m, diện tích xây dựng khoảng 975 m2; các công trình nhỏ xung quanh như: đôn gạch, đài phun nước, súng thần công, nhà canh; hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cây xanh; bảo tồn nền móng Đông Cung Lâu, Ngự Thư Phòng, Võ Hộ Giá Phòng và Ngự Phê Phòng…
Ngôi điện này hội đủ những đặc điểm của một công trình mang phong cách Đông Dương với sự kết hợp giữa Á và Âu. Trong đó, điểm nhấn của điện Kiến Trung chính là các họa tiết hoa văn độc đáo bên ngoài được khảm sành sứ với nhiều màu sắc, chủ đề trang trí sinh động khác nhau, tạo lên phần hồn cho công trình. Các họa tiết trang trí trên tường, trần nhà trong từng căn phòng của điện Kiến Trung đang được các họa sĩ tỉ mỉ vẽ lại theo những tài liệu xưa. Công trình hoàn thành sẽ tạo thêm một điểm tham quan hấp dẫn mới cho du khách trong nước và quốc tế khi đến Hoàng cung Huế.
"Dịp Tết Nguyên đán năm nay, điện Kiến Trung sẽ lần đầu tiên được mở cửa để đón khách vào tham quan. Tại đây, chúng tôi sẽ trưng bày hiện vật, thuyết minh những câu chuyện liên quan. Ngoài ra, trung tâm sẽ trưng bày một số sản phẩm lưu niệm đặc trưng để phục vụ người dân và du khách", ông Hoàng Việt Trung thông tin thêm.
Tại Hội nghị Triển khai công tác năm 2024, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết, năm 2023, ngành du lịch tỉnh đã đón được 3.175.912 lượt du khách, tăng 54,4% so với năm 2022; trong đó có 1.170.236 lượt khách quốc tế, tăng gần 345%, có 2.005.676 lượt khách nội địa, tăng 12,2% so với năm 2022. Doanh thu từ du lịch ước đạt 6.605,6 tỷ đồng, tăng 45,7% so với năm 2022; các chỉ tiêu về du lịch đạt mục tiêu năm 2023 đề ra.
Đáng chú ý là lượng du khách tàu biển quay trở Thừa Thiên Huế tăng đáng kể; đã có 25 chuyến tàu đưa 33.097 khách du lịch đến Cảng Chân Mây. Nhà ga T2 của Cảng HKQT Phú Bài từ khi đi vào vận hành đã khai thác được 70 chuyến bay quốc tế đến và đi từ các thành phố: Incheon (Hàn Quốc), Côn Minh (Trung Quốc) và Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc) với 7.322 hành khách.
Trong năm 2024, ngành du lịch Thừa Thiên Huế dự kiến đón khoảng 3,5 - 4 triệu lượt khách, trong đó khách nội địa chiếm khoảng 60 - 70%; tổng thu từ du lịch khoảng 7.500 - 8.000 tỷ đồng.