Cổ phiếu nhỏ tiếp tục hút tiền mạnh
Tổng thanh khoản khớp lệnh hai sàn niêm yết hôm nay giảm khoảng 9% so với hôm qua, HoSE giảm hơn 8%. Riêng nhóm Smallcap sàn này vẫn duy trì thanh khoản tương đương phiên trước, thậm chí nhỉnh hơn gần 1%. 20 cổ phiếu kịch trần, chủ yếu là trong nhóm này...
Tổng thanh khoản khớp lệnh hai sàn niêm yết hôm nay giảm khoảng 9% so với hôm qua, HoSE giảm hơn 8%. Riêng nhóm Smallcap sàn này vẫn duy trì thanh khoản tương đương phiên trước, thậm chí nhỉnh hơn gần 1%. 20 cổ phiếu kịch trần, chủ yếu là trong nhóm này.
Nhóm VN30 cũng có cải thiện giá, so với giá chốt buổi sáng, có tới 23 mã tăng giá cao hơn, chỉ 3 mã tụt giá. Chỉ số đại diện nhóm cũng tăng 0,17% so với tham chiếu với 15 mã tăng/11 mã giảm.
Tuy nhiên thanh khoản rổ blue-chips đã giảm hơn 18% so với hôm qua, đạt 3.695 tỷ đồng. Lý do một phần là biến động giá khá hẹp trong chiều giảm và cũng chỉ cải thiện nhẹ ở chiều tăng. Trong 10 cổ phiếu nâng đỡ chỉ số VN-Index chỉ có 4 mã thuộc rổ VN30.
Ảnh hưởng của số giảm vẫn khá mạnh vì tập hợp nhiều mã vốn hóa lớn nhất như VHM, GAS, VRE, BID, VCB, MSN… Tuy nhiên giảm sâu nhất là VHM cũng chỉ mất 0,93%.
Sự ổn định của chỉ số tiếp tục tạo điều kiện cho nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ giao dịch sôi động và hầu hết là tăng giá. Thời điểm VN-Index giảm chạm đáy trong 5 phút đầu tiên của phiên chiều, độ rộng ghi nhận 153 mã tăng/215 mã giảm. Khi chỉ số được các blue-chips phục hồi kéo dần lên, độ rộng cũng cải thiện. Đóng cửa HoSE có 216 mã tăng/156 mã giảm. Diễn biến này cho thấy hôm nay tâm lý thị trường có tương quan chặt hơn với diễn biến của chỉ số. Buổi sáng chỉ số lao dốc thì độ rộng cũng hẹp dần và phiên chiều thì ngược lại.
Nhóm cổ phiếu nóng chiều nhiều có nhiều mã đột biến. Đơn cử GEX đột ngột tăng vọt với thanh khoản cực cao, gần cuối phiên còn tới kịch trần. Cổ phiếu này hút thanh khoản khoảng 322,1 tỷ đồng, nâng tổng giá trị khớp cả ngày lên 599,6 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ tháng 4/2022. TTF cũng vọt lên kịch trần, xác lập mức thanh khoản 91,7 tỷ đồng, lớn nhất kể từ thời điểm giá đạt đỉnh cuối tháng 3/2022. VGC buổi sáng vất vả giữ giá tham chiếu, chiều nay hút thêm trên trăm tỷ đồng thanh khoản, giá tăng vọt 4,53% và giao dịch lớn nhất kể từ cuối tháng 12/2021…
Thống kê ở HoSE, trong 216 cổ phiếu tăng giá, có 147 mã tăng hơn 1% và 18 mã trong số này đạt thanh khoản vượt 100 tỷ đồng. VND, DIG, NVL, TPB, EIB, PDR, VIX là các mã tăng rất khỏe, từ 2% tới trên 4% phiên này. Rổ VN30 cũng đóng góp 9 mã tăng hơn 1%, với TPB, GVR xuất sắc nhất, tăng tương ứng 4,6% và 3,3%. Dù vậy về thanh khoản, nhóm blue-chips không có nhiều đại diện nổi bật: Sàn HoSE có 16 mã khớp lệnh trên 200 tỷ đồng cả phiên thì chỉ có 6 mã thuộc nhóm VN30.
Dòng tiền đầu cơ vận động mạnh mẽ đang đem lại cơ hội kiếm lời rất tốt đối với nhiều cổ phiếu. Thậm chí trong khi VN-Index còn đang “lệt xệt” quanh đỉnh ngắn hạn tháng 4/2023 thì cả loạt cổ phiếu nhỏ đã tăng vượt đỉnh tháng 9/2022. Biên độ lợi nhuận rất nhiều mã tới trên 20% chỉ trong vòng 2 tháng trở lại đây. Dòng tiền chảy vào nhóm vốn hóa nhỏ rất rõ, nếu chỉ tính riêng rổ Smallcap sàn HoSE thì từ chỗ khớp lệnh bình tình 1.200-1.500 tỷ đồng/ngày giờ đã vượt quá 2.100 tỷ đồng/ngày. Thậm chí ngay như sàn UpCOM, 3 tuần đầu tháng 5 vừa rồi giao dịch loanh quanh 500-600 tỷ đồng, hai phiên vừa rồi cũng vọt lên trên 1.000 tỷ đồng.
Đối với các nhà đầu cơ ngắn hạn, cổ phiếu tăng giá là cổ phiếu tốt, bất kể là lớn hay nhỏ. Trong điều kiện thị trường yếu ở blue-chips, xu hướng chỉ số không rõ ràng, việc các mã vốn hóa nhỏ tăng nóng là “quà tặng” bất ngờ.