Cổ phiếu nhóm nào đáng xuống tiền cho nửa cuối năm 2022?
Thị trường “khó nhằn” trong suốt những tháng đầu năm 2022, giai đoạn hiện tại, nhiều nhà đầu tư đang tìm cách đưa tỷ trọng tiền mặt về mức cao nhất có thể để chờ cơ hội xuống tiền cho cuối năm 2022...
Trong báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán mới công bố, KBSV kỳ vọng kinh tế Việt Nam giữ đà phục hồi từ mức nền thấp của năm 2021 với mức tăng trưởng GDP Việt Nam 2022 khoảng 6,3%.
Mức tăng trưởng trên nhờ ba động lực chính: Việt Nam đã tiêm gần 200 triệu liều vaccine COVID-19, trong đó 81.14% dân số được tiêm bao phủ ít nhất 1 liều vaccine, cụ thể người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 1 đạt 100%, mũi 2: 98,7% và mũi 3: 38,4%, trẻ em trong độ tuổi 12-17 tuổi đã tiêm mũi 1 là 99%, mũi 2 là 93,8%). Nền kinh tế hoạt động bình thường với chiến dịch "sống chung với Covid" và hoàn toàn mở cửa giao thương, du lịch quốc tế từ ngày 15/3; Thực hiện gói kích thích nền kinh tế 350.000 tỷ giúp thúc đẩy quá trình hồi phục.
Với điều kiện kinh tế thuận lợi như trên, KBSV lựa chọn 5 ngành kỳ vọng hưởng lợi lớn nhất từ yếu tố này, qua đó tác động tích cực lên mặt bằng giá cổ phiếu trong phần còn lại của năm 2022.
Nhóm thứ nhất, ngành bán lẻ đặc biệt là hàng tiêu dùng không thiết yếu sẽ được hưởng lợi từ việc bỏ hẳn các quy định giãn cách xã hội và nhu cầu tiêu dùng phục hồi. Dự báo tăng trưởng EPS 2022 đạt 25%. Số liệu từ Tổng cục Thống kê và Google Mobility cho thấy tổng mức bán lẻ hàng hoá và hoạt động đi lại đến các trung tâm thương mại, công viên giải trí ghi nhận sự phục hồi nhanh chóng khi các quy định giãn cách được nới lỏng.
Trong đó, KBSV đánh giá cao MWG với thị phần điện thoại còn tiềm năng mở rộng thị phần nhờ mô hình cửa hàng mới, chuỗi BXH hồi phục doanh thu/cửa hàng; PNJ hồi phục doanh thu mảng trang sức bán lẻ nhờ nhu cầu tăng trở lại và gia tăng số lượng cửa hàng mở mới.
Thứ hai là nhóm du lịch nhờ việc mở cửa toàn bộ hoạt động du lịch đối với cả khách nội địa và khách nước ngoài từ giữa tháng 3, giảm quy định nhập cảnh và đẩy mạnh quảng bá sẽ là bước tiến lớn giúp ngành du lịch và hàng không khôi phục sau 2 năm đóng băng.
Trong 2 tháng đầu năm, ngành du lịch đã có dấu hiệu khởi sắc rõ rệt với tổng số khách du lịch nội địa đạt khoảng 17,6 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch cũng tăng trên 300% so với năm trước. Cổ phiếu được hưởng lợi như HVN, VJC, AST, SCS,… Tuy nhiên, sau nhịp tăng mạnh vừa qua, yếu tố triển vọng đã được phản ánh một phần vào giá cổ phiếu, do đó nhà đầu tư chỉ nên cân nhắc giải ngân khi giá cổ phiếu xuất hiện nhịp điều chỉnh và để ngỏ dư địa tăng đủ hấp dẫn so với giá mục tiêu.
Thứ ba là ngành ngân hàng với kỳ vọng cầu tín dụng tăng trưởng mạnh trong năm nay quanh 14% nhờ định hướng chính sách hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước cùng nhu cầu vốn phục hồi từ phía doanh nghiệp, nợ xấu được hoàn nhập khi sức khoẻ doanh nghiệp phục hồi trong bối cảnh các ngân hàng đã chủ động trích lập ở mức cao trong năm 2021.
Xét trong 2 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng đã đạt 2,52% cao hơn hẳn so với mức cùng kỳ 0,66%. Bên cạnh đó, tăng vốn sẽ là yếu tố tác động tích cực
đến lợi nhuận năm 2022. Cổ phiếu ngân hàng khả quan gồm VCB, BID, CTG, TCB, MBB, STB…
Thứ tư là ngành bất động sản khu công nghiệp với kỳ vọng sự phục hồi của lĩnh vực công nghiệp sẽ tiếp tục tăng tốc trong năm 2022 khi các trung tâm công nghiệp lớn đón dần công nhân từ các tỉnh quay trở lại làm việc, và các chuyên gia từ đối tác đến Việt Nam để nghiên cứu, ký kết hợp đồng sau thời gian thực hiện biện pháp giãn cách xã hội và đóng cửa đường bay quốc tế; kết hợp với xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng vẫn đang diễn ra trong nhiều năm trở lại đây.
Các doanh nghiệp có quỹ đất sẵn sàng cho thuê và quỹ đất mở mới lớn sẽ có nhiều dư địa tăng trưởng như KBC, LHG, IDC…
Cuối cùng là nhóm doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu như dệt may, thủy sản tiếp tục hưởng lợi với kỳ vọng hoạt động sản xuất bình thường trở lại, không bị gián đoạn trong thời gian dài như năm 2021 và cầu từ các đối tác thương mại lớn tiếp tục phục hồi.
Xét riêng trong 2 tháng đầu năm, mở cửa giao thương quốc tế giúp cho giá trị xuất khẩu tăng 10,2% YoY lên khoảng 53,8 tỷ USD.
Các mặt hàng truyền thống ghi nhận mức tăng trưởng tích cực trong 2 tháng đầu năm bao gồm thủy sản (+50,7% YoY), xơ sợi dệt (+30% YoY), dệt may (+25,7% YoY) và gỗ và sản phẩm từ gỗ (+6,4% YoY). Đối với ngành dệt may, KBSV ưu tiên doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh và mở rộng công suất như MSH và STK. Đối với ngành thủy sản, VHC, FMC, ANV, … được dự báo tăng trưởng mạnh trong năm 2022, trong đó mức tăng đến từ cả sản lượng và giá bán.