Công an yêu cầu cơ quan thuế cung cấp 4.416 hồ sơ, phanh phui nhiều vụ án mua bán hoá đơn
Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết năm 2023, cơ quan thuế nhận 4.416 yêu cầu cung cấp hồ sơ từ cơ quan công an phục vụ công tác quản lý, trấn áp tội phạm kinh tế. Nhờ đó, nhiều vụ án vụ án mua bán hóa đơn trái phép bị phanh phui...
Thông tin từ Tổng cục Thuế cho biết: sau gần 2 năm chuyển đổi từ hóa đơn giấy truyền thống sang hóa đơn điện tử trên toàn quốc (từ ngày 1/7/2022), đến nay đã có 100% doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh hạch toán theo phương pháp kê khai đều chuyển đổi sang sử dụng hóa đơn điện tử.
Tuy nhiên, tình trạng mua hóa đơn không hợp pháp nhằm trốn thuế hoặc chiếm đoạt thuế của Nhà nước vẫn diễn biếnphức tạp.
Chia sẻ tại hội thảo về quản lý, phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử vừa được tổ chức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn cho rằng trong thời gian qua, vẫn còn một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, thành lập doanh nghiệp không phải để sản xuất kinh doanh mà nhằm bán hóa đơn khống thu lợi bất chính.
Chỉ rõ các hành vi này, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết thứ nhất, kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, giảm số thuế giá trị gia tăng phải nộp ngân sách nhà nước.
Thứ hai, nhiều đối tượng sử dụng hóa đơn để hợp thức hóa cho hàng hóa trôi nổi, hợp thức hoá hàng buôn lậu, tham ô, lập khống chi phí phát sinh, làm giảm chi phí dẫn đến giảm thu nhập chịu thuế và thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp ngân sách nhà nước.
Thứ ba, sử dụng hóa đơn đầu vào để tăng số thuế được hoàn.
Trước tình hình trên, trong thời gian qua, Tổng cục Thuế chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tăng cường công tác quản lý thuế, công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật thuế của người nộp thuế.
Đồng thời, tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực thuế như: các hành vi trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tiền hoàn thuế; mua, bán và sử dụng trái phép hoá đơn; chống thất thu cho ngân sách nhà nước, đảm bảo công bằng xã hội.
Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn cho biết thêm hiện nay, cơ quan thuế xây dựng bộ tiêu chí đánh giá rủi ro về hóa đơn điện tử; đồng thời, phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý các dữ liệu về hóa đơn điện tử.
Từ đó, hỗ trợ nhận diện người nộp thuế có rủi ro cao về sử dụng hóa đơn điện tử để đưa ra cảnh báo, xử lý nếu có vi phạm hoặc chuyển sang cơ quan công an đối với trường hợp thuộc diện rủi ro cao có dấu hiệu tội phạm để phối hợp điều tra và xử lý nếu phát hiện vi phạm.
Thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy tính riêng năm 2023, cơ quan thuế chuyển hồ sơ sang cơ quan công an kiến nghị điều tra, khởi tố 88 hồ sơ. Đồng thời, cơ quan thuế nhận được 4.416 yêu cầu cung cấp hồ sơ của cơ quan công an đề nghị cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến lĩnh vực thuế của người nộp thuế phục vụ công tác quản lý, trấn áp tội phạm kinh tế của cơ quan công an.
Sau khi tiếp nhận đề nghị, cơ quan thuế đã kịp thời phối hợp cung cấp hồ sơ cho cơ quan công an theo đúng quy định.
Một số vụ án điển hình trong công tác phối hợp giữa hai cơ quan có thể kể đến như: vụ án mua bán hóa đơn giá trị gia tăng không hợp pháp do Nguyễn Minh Tú cầm đầu, vụ án mua bán hóa đơn của đối tượng Trương Xuân Đước; vụ án Hoàng Đặng Ngọc Mỹ Trang và đồng phạm can tội “in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn” và “trốn thuế”…
“Có thể khẳng định công tác phối hợp giữa ngành thuế và các cơ quan chức năng, trong đó có cơ quan công an trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm trong lĩnh vực thuế như các hành vi trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tiền hoàn thuế; mua, bán và sử dụng trái phép hoá đơn đã và đang được triển khai đồng bộ, chặt chẽ và rất trách nhiệm từ phía các cơ quan liên quan”, lãnh đạo Tổng cục Thuế nhấn mạnh.
Cũng theo thống kê của Tổng cục Thuế, đến thời điểm hiên nay, cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý gần 7,2 tỷ hóa đơn, bao gồm hơn 2 tỷ hóa đơn có mã và gần 5,2 tỷ hóa đơn không mã. Hệ thống hóa đơn điện tử vận hành ổn định, thông suốt 24/7 và đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.
Nhờ đó, toàn bộ chi phí tuân thủ và quản lý, vận hành tại doanh nghiệp đều được giảm thiểu. Quan trọng hơn, người dân, doanh nghiệp có thể dễ dàng tra cứu được hóa đơn đầu ra, đầu vào, qua đó giảm thiểu sai sót cũng như rủi ro về hóa đơn.
Về phía cơ quan thuế, việc triển khai hóa đơn điện tử trên toàn quốc cũng góp phần làm thay đổi phương thức quản lý, cách thức phục vụ người dân của cơ quan thuế nói riêng và cơ quan quản lý nhà nước nói chung theo hướng tự động và ngăn chặn kịp thời hóa đơn của các doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích và phòng chống tình trạng gian lận thuế, trốn thuế..., từ đó tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng.
Bên cạnh việc xây dựng phần mềm để kiểm soát hóa đơn điện tử để chống gian lận thuế, ngành thuế cũng đưa ra giải pháp kết nối máy tính tiền ở các nhà hàng, khách sạn, doanh nghiệp đến cơ quan thuế và đưa ra giải pháp quay số hóa đơn theo mã số hóa đơn may mắn để khuyến khích người dân lấy hóa đơn, nếu trúng mã sẽ được thưởng.
Mới đây, Bộ Tài chính triển khai xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với các cửa hàng xăng dầu trong toàn quốc. Chỉ trong một thời gian ngắn, 100% cửa hàng trên toàn quốc thực hiện xuất hóa đơn theo từng lần bán hàng. Các dữ liệu này được kết nối với dữ liệu của cơ quan thuế.
"Với việc đưa vào ứng dụng cơ sở dữ liệu lớn (big data) trong quản lý hóa đơn điện tử và quy trình quản lý nghiệp vụ thuế đã được số hóa toàn diện, vì vậy, mặc dù thủ đoạn của các đối tượng vi pháp luật trong lĩnh vực thuế ngày càng tinh vi nhưng sớm muộn vẫn bị phát hiện và phải chịu trách nhiệm hình sự trước pháp luật", Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế khẳng định.