Cơ quan thuế phạt 200 tỷ đồng từ vi phạm hóa đơn, đưa 4.800 doanh nghiệp vào danh sách kiểm tra

Ánh Tuyết
Chia sẻ

Bộ Tài chính vừa cho biết, qua 10 tháng "phủ sóng" hóa đơn điện tử, cơ quan thuế truy quét được trên 18.000 hoá đơn vi phạm, tổng số tiền xử lý vi phạm về hóa đơn là 199 tỷ đồng...

Triển khai ứng dụng phân tích rủi ro theo bộ chỉ số tiêu chí, cơ quan thuế đưa 4.800 doanh nghiệp vào danh sách cần kiểm tra.
Triển khai ứng dụng phân tích rủi ro theo bộ chỉ số tiêu chí, cơ quan thuế đưa 4.800 doanh nghiệp vào danh sách cần kiểm tra.

Thông tin về công tác triển khai và kiểm soát, chống gian lận hóa đơn điện tử năm 2023, Bộ Tài chính cho biết, từ khi chính thức triển khai hệ thống hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc kể từ 1/07/2022 đến 31/12/2023, tổng số lượng hóa đơn Tổng cục Thuế dự kiến tiếp nhận và xử lý ước đạt 6,28 tỷ hóa đơn; trong đó 1,78 tỷ đồng hóa đơn có mã; hơn 4,5 tỷ hóa đơn không mã.

CÔNG NGHỆ  PHÁT GIÁC NGƯỜI NỘP THUẾ RỦI RO

Từ ngày 1/07/2022, toàn bộ các tổ chức, doanh nghiệp có sử dụng hóa đơn chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử và toàn bộ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đã đăng ký, chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định. Hiện nay, Tổng cục Thuế tiếp tục duy trì, vận hành và nâng cấp hệ thống đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ phát sinh.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã chính thức công bố việc triển khai hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền trên toàn quốc từ ngày 15/12/2022. Đây là giải pháp cung cấp hóa đơn có kết nối với cơ quan thuế nhằm quản lý doanh thu thực của người bán.

"Từ khi triển khai đến ngày 15/12/2023 có hơn 38,5 nghìn cơ sở kinh doanh đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, đạt 91% so với kế hoạch cơ quan thuế xây dựng, với số lượng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đã tiếp nhận là trên 84,2 triệu hóa đơn", Bộ Tài chính thông tin.

Giới chuyên gia cho rằng việc triển khai hóa đơn điện tử là một bước cải cách lớn trong công tác quản lý thuế, không chỉ thuận tiện mà còn giúp tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong thời gian qua, một số cá nhân, tổ chức cố tình lợi dụng việc phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử để xuất khống, mua bán hóa đơn nhằm trục lợi bất chính.

Để ngăn chặn tình trạng gian lận hóa đơn điện tử, chống thất thu ngân sách nhà nước, ngày 12/4/2023, Bộ Tài chính đã có Công điện số 01/CĐ-BTC chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tăng cường công tác quản lý, giám sát việc phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử.

 

"Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung đẩy mạnh tháng cao điểm phòng, chống mua, bán hóa đơn không hợp pháp, gian lận hoàn thuế. Trong 10 tháng của năm 2023, số lượng hóa đơn vi phạm là 18.178 số; tổng số giá trị trên hóa đơn là 2.477 tỷ đồng với số thuế là 115 tỷ đồng".

Báo cáo của Bộ Tài chính.

Tổng số tiền xử lý vi phạm về hóa đơn là 199 tỷ đồng. Trong đó, thuế giá trị gia tăng là 53 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp là 89 tỷ đồng; thuế khác là 110 triệu đồng; tiền phạt và chậm nộp là 36 tỷ đồng; giảm thuế giá trị gia tăng được khấu trừ là 20 tỷ đồng và giảm hoàn thuế giá trị gia tăng là 962 triệu đồng.

Song song với đó, từ ngày 15/5/2023, Tổng cục Thuế triển khai ứng dụng phân tích rủi ro theo bộ chỉ số tiêu chí đánh giá, xác định người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn.

"Cơ quan thuế đã chuyển hình thức sử dụng hóa đơn từ không mã sang có mã đối với 618 doanh nghiệp, đưa 4.800 doanh nghiệp vào danh sách cần kiểm tra công tác quản lý và sử dụng hóa đơn", Bộ Tài chính thông tin.

Tổng cục Thuế cũng nghiên cứu áp dụng một số công nghệ mới như: công cụ phân tích dữ liệu lớn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích trên dữ liệu hóa đơn điện tử.

"Kết quả, trong quá trình phân tích các chuỗi mua bán thử nghiệm, đối với mặt hàng tinh bột sắn, phát hiện chuỗi doanh nghiệp có rủi ro cao về xuất khống hóa đơn", Bộ Tài chính cho biết.

Ngoài ra, Tổng cục Thuế triển khai ứng dụng đối chiếu dữ liệu hóa đơn điện tử và tờ khai thuế giá trị gia tăng từ ngày 15/5/2023 và triển khai ứng dụng phân tích, đưa ra danh sách xuất khống hóa đơn theo hệ số K phục vụ cho công tác kiểm soát hóa đơn điện tử, ngăn chặn tình trạng xuất hóa đơn khống từ ngày 15/6/2023.

MỞ RỘNG HOÁ ĐƠN ĐIỆN TỬ TRÊN NHIỀU LĨNH VỰC

Cũng theo Bộ Tài chính, để khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn cũng như tạo lập thói quen tiêu dùng văn minh, mua bán hàng hóa, dịch vụ phải có hóa đơn, chứng từ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Tổng cục Thuế cũng triển khai chương trình hóa đơn may mắn. Trong năm 2023, cơ quan thuế tổ chức trao 3.532 giải thưởng với tổng số tiền là hơn 9,6 tỷ đồng.

Về công tác triển khai hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Công điện số 1123/CĐ-TTg ngày 18/11/2023 và Công điện số 1284/CĐ-TTg ngày 01/12/2023, Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-BTC ngày 24/11/2023 yêu cầu Thủ trưởng cơ quan thuế các cấp tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử góp phần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số quốc gia.

Đồng thời, có Công văn số 13348/BTC-TCT ngày 04/12/2023 gửi Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị quan tâm chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Bộ Tài chính trong công tác quản lý thuế nói chung và triển khai hóa đơn điện tử đối với lĩnh vực kinh doanh bán lẻ xăng dầu nói riêng, xử lý kịp thời những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Theo thống kê, cả nước có khoảng 17,5 nghìn cửa hàng kinh doanh, bán lẻ xăng dầu, gồm 6.630 cửa hàng của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu; 10.819 cửa hàng của các thương nhân phân phối xăng dầu, đại lý bán lẻ xăng dầu, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu.

Nhiều cục thuế chủ động tham mưu uỷ ban nhân dân tỉnh/thành phố ban hành kế hoạch triển khai chi tiết gắn với từng địa phương, từng doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Kết quả đến cuối năm 2023 có Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (chiếm khoảng 52% thị phần xăng dầu cả nước) và Công ty TNHH MTV Dầu khí TP. Hồ Chí Minh (chiếm khoảng 7% thị phần) thực hiện phát hành hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng với khoảng trên 2.700 cửa hàng.

Ngoài ra, Tổng công ty Xăng dầu quân đội tích cực đẩy nhanh tiến độ trong tháng 12/2023 để triển khai tại toàn bộ các cửa hàng xăng dầu tại Hà Nội và Thanh Hóa; đồng thời, chỉ đạo các công ty thành viên, cửa hàng ở các địa phương khẩn trương thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con