Hơn 60 điểm đến trên thế giới đã áp dụng thuế du lịch
Vào ngày đầu tiên Venice thu phí 5 euro, nhiều cuộc biểu tình của người dân địa phương đã diễn ra. Họ phản đối thu phí vì không muốn thành phố giống như công viên giải trí, phải mua vé để vào...
Theo trang Majorcadaily Bulletin, thủy tổ của thuế du lịch có lẽ chính là Kurtaxe, loại thuế được đặt ra từ đầu thế kỷ 16, áp dụng với những ai muốn tới thị trấn nghỉ dưỡng Baden-Baden nổi tiếng với những suối nước nóng của Đức. Tới nửa sau thế kỷ 19, loại thuế này bắt đầu phổ biến ở Đức và Áo. Năm 1910, Pháp học theo Đức và áp thuế này với du khách tại Paris. Lý do thu thuế du lịch của cả Đức và Pháp đều là nhằm có ngân sách chi cho cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên trong các năm qua, thuế du lịch dường như còn có thêm nhiệm vụ khác nữa cũng quan trọng không kém: là "cái phanh" để kiểm soát tình trạng quá tải du khách khi cần. Thống kê trước dịch Covid-19, vào năm 2019, có ít nhất 40 nước đã áp dụng một dạng thức thu phí du lịch. Đánh giá của Hiệp hội Du lịch châu Âu (ETOA) cùng năm đó cho biết trên toàn châu Âu, phí du lịch đã được áp dụng tại 125 điểm đến ở 26 quốc gia.
Sau dịch, lượng du khách đang phục hồi dần và đông trở lại gần như mức trước dịch tại nhiều nơi, nên một số nước đã bắt đầu thu phí du lịch trở lại từ đầu năm 2023 và thậm chí nhiều nơi đã tăng loại phí này. Từ tháng 4/2023, du khách đến Venice (Ý) sẽ phải "mở hầu bao" thêm 5,4 USD cho mỗi lần tham quan. Mức phí này nhằm bảo vệ thành phố di sản UNESCO khỏi tác động tiêu cực của du lịch đại trà và "làm cho thành phố dễ sống hơn", theo thị trưởng Venice Luigi Brugnaro.
Trước đó, Hy Lạp vào tháng 1/2024 đã ban hành thuế môi trường thay cho thuế khách sạn trước đây. Trong mùa cao điểm, khách du lịch ở khách sạn 5 sao phải trả thêm 10,73 USD một đêm và 4,5 USD vào các thời điểm khác trong năm. Hy Lạp đã áp đặt giới hạn du khách đối với ít nhất 25 địa điểm và di tích khảo cổ nổi tiếng. Hệ thống đặt chỗ giới hạn số lượt ghé thăm tàn tích Acropolis nổi tiếng ở thủ đô Athens, một Di sản Thế giới được UNESCO công nhận, với mức 20.000 lượt mỗi ngày.
Đảo Taketomi ở cực nam của Nhật Bản, đã áp dụng thuế du lịch tự nguyện vào năm 2019, để huy động vốn cho cơ sở hạ tầng, sau khi lượng khách hàng năm lên tới 1 triệu. Nhưng chỉ khoảng 10% du khách trả số tiền 2 USD được yêu cầu. Năm nay, hòn đảo bắt đầu thu thuế du lịch bắt buộc 12 USD. Jeju, hòn đảo nghỉ dưỡng phía Nam Hàn Quốc, cũng đang nỗ lực áp thuế du lịch sinh thái đối với du khách để hạn chế những tác động tiêu cực của du lịch đối với môi trường.
Từ 14/2 năm nay, khách quốc tế mọi lứa tuổi đến Bali phải trả thêm một khoản phí 150.000 rupiah (gần 10 USD) trước khi đến hoặc rời Indonesia. Theo người đứng đầu Sở du lịch Bali, Tjok Bagus Pemayun, khoản phí mới "chỉ thu một lần". Nếu khách rời Bali để thăm các tỉnh khác sẽ không cần phải nộp thuế này một lần nữa. Nhưng nếu khách rời Indonesia và quay lại sẽ phải đóng phí tiếp. Sau Bali, Indonesia đang có kế hoạch thu thuế đối với khách du lịch nước ngoài tại 5 “điểm đến du lịch siêu ưu tiên” khác.
Tương tự, nhằm giảm bớt tình trạng các điểm đến ở Thái Lan rơi vào tình trạng quá tải làm các điểm tham quan bị xuống cấp, nước này đang tính tới phương án thu mỗi khách nước ngoài 300 baht (hơn 200.000 đồng). Theo ông Surawat Akaraworamat, phó chủ tịch Hội đồng Du lịch Thái Lan (TCT), nguồn quỹ này là điều thiết yếu, sẽ mang lại lợi ích cho việc phát triển cơ sở hạ tầng các thành phố tỉnh thành cấp 2. Qua đó những khu vực này có lợi thế hút khách du lịch ra khỏi những điểm đến quen thuộc đang bị quá tải.
Trên thực tế, hơn 60 địa điểm trên thế giới đã áp dụng quy định này. Những khoản thuế, phí được áp dụng khác nhau, có nơi áp dụng toàn quốc nhưng có nước chỉ áp dụng đơn lẻ tại các tỉnh thành. Chẳng hạn tại Áo, nếu tới Vienna hay Salzburg, khách du lịch sẽ phải đóng thuế bằng 3,02% so với tổng hóa đơn/người trong thời gian lưu trú. Tại Bỉ, thuế lưu trú với du khách nhìn chung ở mức 7,50 euro/đêm, tại những nơi như Antwerp và Bruges, thuế này được tính theo giá phòng, trong khi tại Brussels, thuế này tính theo quy mô và hạng sao của khách sạn.
Danh sách các nước thuộc nhóm này còn dài nữa, trong đó có Bulgaria, các nước thuộc quần đảo Caribe, CH Czech, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungary… Thuế du lịch sẽ không chỉ là thuế lưu trú. Theo trang Euronews, kể từ tháng 10-2023, các du khách không phải công dân EU (từ người dưới 18 tuổi hoặc trên 70 tuổi) nếu muốn tới khối này sẽ phải đóng 7 euro khi nộp đơn xin visa du lịch.
Dù vậy, các quy định thu phí du lịch không tránh khỏi gây ra tranh cãi. Các cơ quan chức năng lo ngại về tác động của các khoản phí này đối với ngành du lịch đang cần phục hồi sau đại dịch. Những người thuộc nhóm này cũng cho rằng việc thu phí cũng có thể làm nản lòng nhiều người, khiến họ không muốn tới một nơi nào đó và họ sẽ chọn những nơi khác chào đón mình hơn.
Một số khác cho rằng không phải lúc nào việc thu phí cũng dẫn đến giảm lượng khách du lịch. Thành phố Barcelona (Tây Ban Nha) là một ví dụ điển hình, khi lượng khách du lịch tăng từ 7,1 triệu lượt vào năm 2013 lên 9,5 triệu lượt vào năm 2019, bất chấp các chính sách thu phí. Tuy nhiên, phe ủng hộ cho rằng với nhiều điểm đến, vấn đề chính không chỉ là quá tải mà còn là du khách tàn phá tài nguyên địa phương nhưng đóng góp tài chính thông qua chi tiêu lại rất ít.
Sắp tới, tại Anh, vùng Kent đang cân nhắc áp dụng thuế lưu trú, du khách đến Edinburgh (Scotland) sẽ phải trả phí tham quan từ năm 2026, và Xứ Wales (Vương quốc Anh) cũng dự kiến áp dụng quy định tương tự vào cuối năm nay. Các chính quyền địa phương dự đoán cũng có thể họ sẽ mất nhiều thời gian hơn để đưa kế hoạch thành hiện thực. Tại Anh hầu như không có nơi nào thu thuế du khách. Điều này được nhiều chuyên gia đánh giá "thiển cận" vì không ít điểm đến tại Anh đang cần cải thiện cơ sở hạ tầng như nước sạch, phương tiện giao thông công cộng.
Nhưng tựu chung, có một luận điểm quan trọng mà cả phe phản đối lẫn phe ủng hộ đều nhấn mạnh chính là cần một sự minh bạch trong việc thu chi khoản tiền này. Có những người ngờ vực khoản thuế sẽ chạy vào ngân sách địa phương chứ không phải được tái đầu tư như cam kết của họ. Nói như tác giả Rosie Spinks trên trang tin du lịch Skift, "thách thức lớn nhất với thuế du lịch" chính là "đảm bảo sự minh bạch về việc nó được sử dụng như thế nào".