TP.HCM siết chặt việc xuất hóa đơn khi mua bán vàng miếng
Ngân hàng Nhà nước TP.HCM yêu cầu các cơ sở kinh doanh vàng trên địa bàn phải thực hiện nghiêm chế độ hóa đơn, chứng từ theo quy định khi mua bán vàng miếng…
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM đã có văn bản gửi đến các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng miếng trên địa bàn về việc chấp hành quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Theo đó, các đơn vị kinh doanh vàng cần chấp hành các quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng tại Nghị định số 24/2012 (Nghị định 24) của Chính phủ và các thông tư hướng dẫn Nghị định 24, các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 về quản lý kinh doanh thị trường vàng có quy định các cơ sở kinh doanh vàng không được phép thực hiện kinh doanh vàng miếng thông qua các đại lý ủy nhiệm. Các đơn vị cần chấp hành các quy định của pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn chứng từ. Đồng thời, doanh nghiệp phải niêm yết công khai tại địa điểm giao dịch về khối lượng, hàm lượng vàng, giá mua, bán các loại sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm.
Văn bản nêu rõ, các cửa hàng vàng cần chấp hành nghiêm chế độ hóa đơn, chứng từ theo quy định của Bộ Tài chính. Đồng thời, tuân thủ pháp luật về phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố; các đơn vị kinh doanh vàng miếng phải thường xuyên nắm bắt thông tin, theo dõi chặt chẽ diễn biến hoạt động mua, bán vàng miếng để đảm bảo chấp hành đúng quy định về niêm yết công khai tại địa điểm giao dịch về giá mua và giá bán vàng miếng.
Ngoài ra, đơn vị kinh doanh vàng miếng là tổ chức tín dụng và doanh nghiệp có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vàng miếng trên địa bàn phải kịp thời báo cáo về Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM những khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị (nếu có) liên quan đến hoạt động kinh doanh vàng miếng.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cũng đề nghị lãnh đạo các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng trên địa bàn nắm bắt và chỉ đạo tốt nội dung nhiệm vụ này, góp phần thực hiện tốt các giải pháp ổn định thị trường vàng, ngoại hối trên địa bàn.
Trước đó, Tổng cục Thuế cho biết thời gian qua đã có nhiều giải pháp để kiểm soát việc xuất hóa đơn điện tử với các giao dịch mua, bán vàng. Tuy nhiên, để kiểm soát được toàn bộ các hoạt động, ngành thuế cho rằng cần sự vào cuộc của các bộ ngành, địa phương.
Tổng cục Thuế cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước phối hợp trong kiểm soát dòng tiền, nghiên cứu quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt với các giao dịch mua bán vàng. Cùng với đó, các địa phương được đề nghị tăng thanh, kiểm tra giám sát, xử lý vi phạm với các cơ sở không xuất hóa đơn kịp thời cho người mua vàng.
Theo quy định hiện hành về phòng chống rửa tiền, các giao dịch giá trị lớn từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, các đơn vị kinh doanh vàng bạc, đá quý và công ty trung gian thanh toán phải nhận biết khách hàng (gồm thu thập, cập nhật, xác minh thông tin khách hàng) theo quy định về phòng chống rửa tiền. Việc này nhằm nhận diện mức độ rủi ro về rửa tiền và nguồn gốc tài sản của khách hàng.