Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài - một cực tăng trưởng của tỉnh Tây Ninh trong tương lai
Chiều nay, 3/1/2024, trong chuyến thăm, làm việc tại Tây Ninh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đến thăm và gặp gỡ các lực lượng chức năng đứng chân tại cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, gồm 9 lực lượng: Ban Quản lý cửa khẩu; Trạm Công an quản lý xuất nhập cảnh; Đồn Công an cửa khẩu; Trạm Biên phòng; Đồn Biên phòng; Chi cục Hải quan; Trạm Kiểm dịch Động vật; Trạm Kiểm dịch Thực vật và Trạm y tế.
Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội và Đoàn, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh Lê Văn Vỹ cho biết nằm trên địa bàn huyện Bến Cầu (thị xã Trảng Bàng) - một trong 5 huyện biên giới của tỉnh Tây Ninh, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài được thành lập năm 1998, có lợi thế đặc biệt vì nằm trên đường xuyên Á.
Cửa khẩu Mộc Bài là cửa khẩu quốc tế đường bộ lớn nhất phía Nam, trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia, nằm trên trục đường Xuyên Á (quốc lộ 22A), có vị trí chiến lược quan trọng về an ninh quốc phòng của quốc gia, là cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giữ vai trò quan trọng trong xây dựng, phát triển kinh tế mở, trở thành trung tâm thương mại quốc tế, trên trục hành lang Xuyên Á vùng TP. Hồ Chí Minh thuộc tiểu vùng sông Mekong.
Khu có diện tích trên 21.000 ha, cách TP. Hồ Chí Minh 70km về phía Tây, có tiềm năng rất lớn để trở thành điểm kết nối của hệ thống giao thương quan trọng quốc gia với quốc tế.
Qua hơn 20 năm thành lập và phát triển, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đã có những đóng góp nhất định vào sự phát triển chung của tỉnh. Quan hệ giao thương với các nước ASEAN thông qua hoạt động xuất nhập khẩu ngày càng được mở rộng; nhiều người dân được giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống; góp phần bảo đảm an ninh trật tự khu vực cửa khẩu này cũng như biên giới Tây Ninh.
Thời gian qua, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đã thu hút 56 dự án đầu tư, trong đó có 19 dự án FDI (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) và 37 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký lần lượt 401 triệu USD và 8.600 tỉ đồng. Đến nay, 33 dự án đã đi vào hoạt động, gồm 11 dự án FDI và 22 dự án vốn đầu tư trong nước. Tổng diện tích đất các dự án đăng ký sử dụng khoảng 1.900 ha…
Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận và đánh giá cao kết quả đáng mừng của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Tây Ninh nói chung, huyện biên giới Bến Cầu nói riêng;
Chủ tịch cũng đặc biệt biểu dương sự đóng góp tích cực của các lực lượng chức năng trong việc tổ chức quản lý, điều phối, vận hành cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, đã khắc phục mọi khó khăn, vất vả để hoàn thành tốt nhiệm vụ, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng phía bạn Campuchia trong chia sẻ thông tin, thực thi công vụ, kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ tích cực cho người dân và doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục thông quan đúng quy định, nhanh chóng và kịp thời, góp phần thắt chặt tình cảm hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với Campuchia và ba nước Việt Nam, Campuchia, Lào.
Chủ tịch Quốc hội thông tin Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó điều chỉnh quy hoạch Khu Kinh tế Cửa khẩu Mộc Bài với tầm nhìn mới theo mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ, phát triển xanh và bền vững, tạo lợi thế cạnh tranh để thu hút mạnh đầu tư trong và ngoài nước.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, trước mắt chủ trương xây dựng Đề án để hiện thực hóa tầm nhìn này đã được nhất trí; đồng thời bày tỏ sự kỳ vọng tương lai nơi đây sẽ trở thành một cực tăng trưởng của tỉnh Tây Ninh.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh vai trò của Tây Ninh trong kết nối hai cao tốc Mộc Bài - Thành phố Hồ Chí Minh và cao tốc Phnom Penh - Bavet (Campuchia); cùng với các kết nối liên vùng khác để hình thành mạng lưới phát triển, tương lai sẽ góp phần để Khu Kinh tế Cửa khẩu Mộc Bài phát triển bền vững, căn cơ hơn.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, ngoài cơ chế hợp tác giữa người đứng đầu ba Đảng, ba Chính phủ, Hội nghị cấp cao Quốc hội ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV) lần thứ nhất đã thành công tốt đẹp, trở thành dấu mốc quan trọng, mở ra trang mới trong hợp tác giữa ba cơ quan lập pháp, hoàn thiện “3 đỉnh tam giác” của cơ chế hợp tác CLV. Để thúc đẩy quan hệ hợp tác với Campuchia, ngoài việc tăng cường tin cậy chính trị và quan hệ hữu nghị thì phát triển kinh tế, thương mại là rất quan trọng, Chủ tịch Quốc hội mong các lực lượng chức năng khu vực biên giới tập trung tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho giao thương hàng hóa hai nước.
Theo Chủ tịch Quốc hội, ngoài việc nâng cao năng lực trình độ, ứng dụng công nghệ thông tin phát triển cửa khẩu, nền tảng số đang là xu hướng tất yếu.
Ban Chỉ đạo liên ngành của Trung ương đã và đang chỉ đạo tiếp tục đơn giản hóa, soát xét lại các thủ tục để tạo điều kiện thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi cho người dân cũng như phương tiện, hàng hóa trao đổi, thông thương với nhau; “thông thoáng nhưng phải chặt chẽ”, vừa tạo điều kiện thông thương nhưng phải phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Các lực lượng của Việt Nam cùng phía bạn phối hợp trong xây dựng đường biên giới Việt Nam - Campuchia hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Việc phòng, chống tội phạm xuyên biên giới rất quan trọng.
Nhấn mạnh các lực lượng chức năng cần tăng cường cải cách thủ tục hành chính, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu từng lực lượng chức năng khu vực biên giới phải mạnh, cùng với đó tăng cường phối hợp liên ngành giữa Biên phòng, Công an, Hải quan và các lực lượng khác trong việc kiểm tra chuyên ngành về kiểm soát, làm tốt công tác kiểm dịch thực vật, động vật qua biên giới…
Chiều cùng ngày, tại huyện Bến Cầu, Chủ tịch Quốc hội và Đoàn tham dự chương trình Đoàn kết quân - dân chào mừng kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3/3/1959 -3/3/2024);
Tặng quà cho 100 hộ nghèo, hộ khó khăn vùng biên giới; Tham quan, nghe giới thiệu về trưng bày các đặc sản, nông sản của tỉnh Tây Ninh và thăm “Phiên chợ 0 đồng” cùng nhân dân biên giới.