Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu sẽ góp phần xây dựng "thế chân kiềng" kinh tế của thành phố Đà Nẵng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: Việc đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu mang tầm nhìn dài hạn sẽ góp phần xây dựng "thế chân kiềng" cho kinh tế của thành phố Đà Nẵng gồm logistics, công nghiệp và dịch vụ.
Sáng 11/11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng đoàn công tác Trung ương đã đến dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu dân cư số 10, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng và thăm các đơn vị thi công xây dựng cảng Liên Chiểu.
Tại ngày hội của khu dân cư số 10- nơi địa bàn đang triển khai xây dựng cảng Liên Chiểu-công trình trọng điểm, động lực của thành phố và khu vực duyên hải miền Trung, bà con trong khu dân cư bày tỏ niềm phấn khởi trước sự quan tâm của Chủ tịch Quốc hội đối với địa phương đang triển khai xây dựng nhiều dự án góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội cho người dân của vùng đất giàu truyền thống cách mạng.
Thăm các đơn vị thi công xây dựng cảng Liên Chiểu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định việc đầu tư cảng Liên Chiểu mang tầm nhìn dài hạn cho cả khu vực nhằm tăng cường kết nối vùng và liên vùng. Trước mắt xác định đây là cảng nước sâu loại 1, tiến tới là cảng đặc biệt.
Theo Chủ tịch Quốc hội, với vị trí rất quan trọng, cảng Liên Chiểu sẽ là cửa ngõ quốc tế tại khu vực duyên hải miền Trung ra thế giới, điểm kết nối của Hành lang kinh tế Đông Tây đi qua 4 quốc gia. Việc đầu tư dự án sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng và khu vực, giảm tải cho khu bến Tiên Sa cũng như áp lực giao thông đường bộ đi qua nội đô thành phố Đà Nẵng.
"Việc hình thành cảng Liên Chiểu sẽ góp phần xây dựng "thế chân kiềng" kinh tế của thành phố Đà Nẵng gồm logistics, công nghiệp và dịch vụ", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá cao việc nhân dân địa phương quận Liên Chiểu, đặc biệt là bà con khu dân cư số 10, phường Hòa Hiệp Bắc đã đồng thuận, đồng hành cùng với nhà nước và thành phố Đà Nẵng trong việc giải phóng mặt bằng triển khai dự án xây dựng cảng Liên Chiểu.
Chủ tịch Quốc hội mong muốn thành phố Đà Nẵng tiếp tục quan tâm hơn nữa đến tâm tư, nguyện vọng của bà con nhân dân, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ thích đáng cho các hộ gia đình khó khăn, nhất là những hộ phải di dời nhường đất phục vụ xây dựng cảng Liên Chiểu. Đặc biệt là quan tâm đến việc hỗ trợ bà con chuyển đổi sinh kế, giữ ổn định và cải thiện đời sống của nhân dân.
Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu-phần cơ sở hạ tầng dùng chung được thực hiện theo Quyết định số 359/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, phân khu cảng biển Liên Chiểu được quy hoạch có diện tích 1.285 ha gồm khu bến cảng Liên Chiểu diện tích 450 ha gồm các phân khu chức năng chính: Hạ tầng dùng chung gồm: Đê chắn sóng có tổng chiều dài 2.090m; Luồng tàu vào cảng dài 7,3km, bề rộng 160m, cao trình đáy -14,0m (hệ Hải đồ). Phần còn lại được quy hoạch trở thành các khu công nghiệp, trung tâm Logistics... gắn liền với hoạt động khai thác khu bến cảng Liên Chiểu.
Giai đoạn đầu (đầu tư 02 bến khởi động) đáp ứng thông qua lượng hàng hóa đến 5 triệu tấn/năm và phát triển các bến trong giai đoạn tiếp theo theo quy hoạch nhằm giảm tải cho khu bến cảng Tiên Sa, giảm áp lực giao thông đường bộ đi qua nội đô thành phố Đà Nẵng, tăng cường kết nối vùng và liên vùng, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của thành phố và các địa phương trong khu vực.
Các khu bến chính: Khu bến container diện tích 114 ha, gồm 08 bến, với tổng chiều dài 2.750m, Khu bến tổng hợp diện tích 58ha, với tổng chiều dài 1.550m tiếp nhận tàu container, tổng hợp có trọng tải 100.000 DWT (sức chở từ 6.000 - 8.000Teus) lên đến 200.000DWT (sức chở 18.000 Teus); Khu bến thủy nội địa diện tích 38ha với tổng chiều dài tuyến bến 1.200m tiếp nhận tàu trọng tải đến 5.000DWT để tiếp chuyển hàng hóa bằng đường thủy nội địa và ven biển giảm ách tắc hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ và Khu bến dầu: Gồm 06 bến bố trí phía trong đê chắn sóng, tiếp nhận tàu trọng tải 30.000DWT.
Đường giao thông kết nối đến cổng cảng gồm 02 đoạn: Đoạn 1 từ cổng cảng đến chân cầu vượt đường sắt dài 1,2 km, quy mô 06 làn xe, bề rộng 30 m; Đoạn 2 bao gồm các nhánh thuộc phạm vi nút giao, nối tiếp với đoạn 1 và đường Nguyễn Văn Cừ (QL1), mỗi nhánh gồm 02 làn xe, bề rộng 8 m...
Đây là công trình giao thông, dự án nhóm A, có tổng mức đầu tư: 3.426,3 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn Trung ương giai đoạn 2021-2025 là 2.994,59 tỷ đồng, phần còn lại sử dụng ngân sách thành phố Đà Nẵng). Tiến độ thực hiện đáp ứng yêu cầu về cơ sở hạ tầng cho 02 bến khởi động ban đầu, với thời gian thực hiện Hợp đồng là 1.380 ngày.
Với vị trí thuận lợi về độ sâu, kho bãi rộng, gần tuyến hàng hải quốc tế, thị trường hàng hóa dồi dào từ hành lang kinh tế Đông - Tây, cảng Liên Chiểu được đánh giá có tiềm năng trở thành một trong những cảng biển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Bến cảng Liên Chiểu- phần cơ sở hạ tầng dùng chung là một hợp phần rất quan trọng của cảng Đà Nẵng, đây là bước đi cụ thể thiết thực từng bước hiện thực hóa mục tiêu Chiến lược tại Nghị quyết 43 ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.