Đã có 116 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký đầu tư vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc
Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đang bước sang một giai đoạn phát triển mới, cần thu hút những dự án đầu tư mới có quy mô lớn, sử dụng công nghệ mới và tiên tiến hơn, có tác dụng lan tỏa, dẫn dắt và nâng cao giá trị trong chuỗi sản xuất quốc gia và toàn cầu...
Tại Diễn đàn Xúc tiến đầu tư công nghệ cao tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc ngày 30/9/2024, bà Phan Thị My, Quyền Trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thông tin, tính đến nay, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã giải phóng mặt bằng được 90% diện tích với hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ; đã thiết lập được môi trường chính sách đặc biệt thu hút đầu tư và thu hút được một số các nhà đầu tư hàng đầu trong nước và thế giới đầu tư các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến.
KHU CÔNG NGHỆ CAO HÒA LẠC ĐANG BƯỚC SANG MỘT GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN MỚI
Khu đã sản xuất được các sản phẩm công nghệ cao, góp phần đáp ứng thị trường trong nước và khu vực, hàng năm cung cấp ra thị trường hàng nghìn lao động chất lượng cao, bắt đầu hình thành chuỗi liên kết giữa đào tạo- nghiên cứu- sản xuất, thiết lập môi trường sáng tạo công nghệ với các trung tâm đào tạo, nghiên cứu triển khai, đổi mới sáng tạo.
Đồng thời, Khu công nghệ cao Hòa Lạc bước đầu đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước nói chung và của thành phố Hà Nội nói riêng. Đến nay, khu đã thu hút được 108 dự án đầu tư (bao gồm 93 dự án trong nước và 15 dự án đầu tư nước ngoài), với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 116.000 tỷ đồng.
Bà My cho biết sau 25 năm xây dựng và phát triển, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đang bước sang một giai đoạn phát triển mới, với những mục tiêu và động lực mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Trong đó, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cần thu hút những dự án đầu tư mới có quy mô lớn, sử dụng công nghệ mới và tiên tiến hơn, có tác dụng lan tỏa, dẫn dắt và nâng cao giá trị trong chuỗi sản xuất quốc gia và toàn cầu.
Luật Thủ đô sửa đổi tại Điều 24 đã xác định Khu công nghệ cao Hòa Lạc là khu vực nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm, ứng dụng công nghệ cao, đào tạo nhân lực công nghệ cao, sản xuất sản phẩm công nghệ cao và đổi mới sáng tạo trọng điểm của đất nước và Thủ đô;
Đây cũng là điểm thử nghiệm, thí điểm về cơ chế, chính sách cho việc phát triển công nghệ cao và các khu công nghệ cao trong cả nước, hướng tới trở thành một thành phố khoa học hiện đại trong tương lai.
CÚ HÍCH CHO SỰ PHÁT TRIỂN CỦA KHU CÔNG NGHỆ CAO HÒA LẠC
Để thực hiện được mục tiêu phát triển các Khu công nghệ cao của Thành phố, trong đó trọng tâm là Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Luật Thủ đô sửa đổi đã quy định nhiều cơ chế chính sách đặc thù vượt trội trong đó nổi bật là: Phân cấp ủy quyền mạnh mẽ cho Ban Quản lý để thực hiện cơ chế 1 cửa tại chỗ, từ đó giúp cho nhà đầu tư thực hiện các thủ tục hành chính nhanh nhất, đơn giản nhất.
Bên cạnh đó, Luật Thủ đô sửa đổi cũng quy định dự án đầu tư và hoạt động tại khu công nghệ cao được áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cao nhất theo quy định của pháp luật; giao HĐND Thành phố. Hà Nội quy định bổ sung các cơ chế, chính sách, biện pháp ưu đãi, hỗ trợ để thu hút nguồn nhân lực công nghệ cao làm việc tại khu công nghệ cao và thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo; phát triển Nhà ở cho người làm việc trong khu...
Đại diện Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc cam kết sẽ luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư với tinh thần cởi mở và luôn đổi mới. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trực tiếp là cải cách thủ tục đầu tư và tích cực thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư thuận lợi thông thoáng và minh bạch để Khu công nghệ cao Hòa Lạc trở thành bệ phóng cho các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam và các thành tựu công nghệ "Make in Viet Nam" vươn tầm phát triển.
Theo thống kê trong 8 tháng năm 2024, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 20,52 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023, vốn thực hiện của dự án FDI ước đạt khoảng 14,15 tỷ USD, tăng 8%.
Việt Nam nói chung, các khu công nghệ cao nói riêng đang đứng trước nhiều cơ hội để thu hút đầu tư do điều kiện chính trị và xã hội ổn định; sự quan tâm cao của Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của các doanh nghiệp, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam ngày càng trở lên thông thoáng, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư…
Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu hai định hướng chính trong hợp tác đầu tư nước ngoài của Việt Nam đó là: Chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu; ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, chuyển giao công nghệ, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.