Đại biểu Quốc hội chất vấn giải pháp nào để tránh đi vào "vết xe đổ" Thủ Thiêm?

Quang Trung
Chia sẻ

Vụ đấu giá – bỏ cọc tại lô đất “vàng” tại khu đất đô thị Thủ Thiêm (TP.HCM) vừa qua "nóng" nghị trường chiều 16/3...

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội - Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội - Ảnh: Quochoi.vn

Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc chiều nay, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm tới một loạt bất cập trong hoạt động đấu giá đất thời gian qua với những hành vi như đầu cơ, găm hàng, trực lợi, bỏ cọc... Một số đại biểu đã nêu trường hợp vụ đấu giá – bỏ cọc tại lô đất “vàng” tại khu đất đô thị Thủ Thiêm (TP.HCM) vừa qua.

“Cử tri có phản ánh ở nhiều nơi, nhà đầu tư đấu giá trên trời rồi âm thầm bỏ cọc, kết quả phiên đấu giá cao bất thường, gấp nhiều lần giá khởi điểm, điển hình như tại khu đô thị Thủ Thiêm, TP HCM. Việc này làm nhiễu loạn thị trường, sốt đất ảo, tạo mặt bằng giá đất mới, gây khó khăn cho xây dựng, phát triển. Bộ có giải pháp nào cho tình trạng này?”, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

Còn Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) yêu cầu Bộ trưởng làm rõ hơn quá trình điều tra, giám sát liên quan vụ đấu giá khu đất Thủ Thiêm. Ông cho rằng có hiện tượng thổi giá nhằm nâng giá cổ phiếu và đặt câu hỏi liệu các vi phạm có bị xử lý hình sự hay không.

Đây cũng là mối quan tâm của đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đăk Lắk). Bà cho rằng đang có dấu hiệu bong bóng bất động sản, trốn thuế và đặt câu hỏi rằng có nên hình sự hóa hành vi gây lũng đoạn thị trường hay không. Về việc bỏ cọc của Công ty Tân Hoàng Minh với lô đất tại Thủ Thiêm, bà Xuân nhấn mạnh số tiền nhà đầu tư bỏ cọc không đáng gì với việc tăng đẩy giá đất khu vực xung quanh.

Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại điểm cầu phòng Diên Hồng, Nhà Quốc hội - Ảnh: Quochoi.vn
Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại điểm cầu phòng Diên Hồng, Nhà Quốc hội - Ảnh: Quochoi.vn

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) nhận định việc xác định đấu giá đất còn bất cập, có lúc quá cao, có lúc quá thấp, và đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp để khắc phục. Đại biểu cũng gửi câu hỏi tới Bộ Tư pháp, đề nghị làm rõ thêm bởi ông cho rằng quy định đấu giá tiền đặt cọc 20% hiện tại là thấp và chưa có chế tài xử lý doanh nghiệp bỏ cọc, cùng với đó thời gian nộp tiền đấu giá khá dài, tạo lỗ hổng cho doanh nghiệp bỏ cọc. 

Trả lời chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu rõ thời gian qua, công tác đấu giá đất không chỉ nổi lên tình trạng “thổi giá” mà còn có việc “dìm giá”, "quân xanh - quân đỏ" gây nhiều bức xúc.

"Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, người dân và doanh nghiệp đã gửi tài sản của mình vào đất, và khi đất lên giá phi mã ai cũng nghĩ là thành công. Nhưng ở góc độ vĩ mô, khi người dân đầu tư vào đất đai thì xu hướng đó không mang lại hiệu quả và đấy là điều rất không tốt với nền kinh tế", Bộ trưởng nêu quan điểm.

Theo Bộ trưởng, trong vấn đề này, nhà nước phải điều tiết để ngăn chặn vấn đề thổi giá. Không để xảy ra tình trạng đất chưa sử dụng mà đã tham gia đấu giá để giữ đất, găm đất. Không để tình trạng đất không sử dụng, không đầu tư, nhưng để càng lâu vẫn lên giá.

“Việc thổi giá tạo mặt bằng giá mới làm ảnh hưởng tới toàn bộ hệ thống kinh tế”, Bộ trưởng chỉ rõ. “Đằng sau việc thổi giá đất còn có nhiều hệ lụy là giá đất đấu giá cao có thể là ảo, nhưng lại dùng để thế chấp vay tiền ngân hàng, ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ quốc gia và nhiều vấn đề khác”.

Phân tích nguyên nhân, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết việc đấu giá đất đang được điều chỉnh bởi Luật Đấu giá, Luật Đất đai và các quy định về thuế, tài chính, và do được điều chỉnh bởi nhiều luật nên còn tồn tại những bất cập về quy trình, trình tự cũng như phương thức đấu giá.

“Luật đã có quy định về điều kiện doanh nghiệp tham gia đấu giá đất, nhưng chưa quy định cụ thể về điều kiện năng lực, trách nhiệm, kinh nghiệm thực tiễn”, ông chỉ ra.

Về vụ đấu giá đất khu đô thị Thủ Thiêm, Bộ trưởng cho biết Chính phủ đang giao cho cơ quan có trách nhiệm điều tra. Còn về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ đề xuất sau khi đấu giá xong phải nộp tiền ngay trong 10 ngày, thay vì 90 ngày như trước đây, để các cá nhân và tổ chức đấu giá thắng không đủ thời gian trục lợi.

Bộ cũng sẽ xem xét tăng tiền đặt trước, đặt cọc lên, từ mức chỉ 5-10% hiện nay, đồng thời, đơn vị đấu giá phải chứng minh tài chính thông qua thẩm định của cơ quan có trách nhiệm.

“Cần ngồi lại nghiên cứu, làm sao để quy định điều kiện, có thêm chế tài, tiền đặt cọc đúng, bổ sung thời gian thẩm tra, kiểm tra xem doanh nghiệp tiền có thật hay không... Vấn đề liên quan đến đấu giá, dìm giá, tạo thế lực ngầm trong đấu giá đất cần có nhiều lực lượng tham gia, trong đó có cơ quan công an”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nhấn mạnh cần tăng cường năng lực của các tổ chức đấu giá, song song với đó là hoàn thiện phương pháp định giá, đấu giá.

"Đất đai là tài nguyên đặc biệt, nhưng hiện lại được quy định bởi 4-5 luật. Vậy sẽ theo luật nào? Vấn đề quan trọng như đất đai phải có quy định đồng bộ trong một bộ luật, bởi đất đai là kinh tế, chính trị, xã hội, lịch sử", ông Hà nói. “Sắp tới cần làm sao để không xảy ra tình trạng đấu giá đúng thủ tục nhưng kết quả lại sai, làm ảnh hưởng nhiều bên. Vấn đề này phải xử lý bằng công nghệ, quy trình, đấu giá trực tiếp hay gián tiếp, bổ sung chế tài xử phạt".

Ông đề xuất đánh mạnh vào kinh tế và tài chính để hạn chế tình trạng bất thường trong đấu giá.

Về chất vấn của đại biểu Xuân, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh lại quan điểm rằng cần xử lý nghiêm hành vi liên quan tới gây lũng loạn thị trường đất đai, nhưng thực tế hiện nay công cụ hành chính và hình sự trong vận hành thị trường vẫn chưa hợp lý. Về vụ Thủ Thiêm, Bộ trưởng nêu rõ cần điều tra thêm và nếu có hành vi vi phạm thì mới có thể hình sự hóa.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con