Dai dẳng cuộc đấu pháp lý hàng chục tỷ USD giữa Apple và Qualcomm
Trong hơn 2 năm qua, Apple và Qualcomm đã ở trong một cuộc đấu pháp lý với trị giá tài sản liên quan lên tới hàng chục tỷ USD
Trong hơn 2 năm qua, Apple và Qualcomm đã ở trong một cuộc đấu pháp lý với trị giá tài sản liên quan lên tới nhiều tỷ USD.
Ngày 15/4, hai tập đoàn công nghệ vốn là đối tác lâu năm lại một lần nữa lại đưa nhau ra tòa. Theo trang CNN Business, trong các đơn kiện của mình, Apple cáo buộc Qualcomm - nhà cung cấp những con chip quan trọng cho sản phẩm điện thoại iPhone của "táo khuyết" - áp mức phí cấp phép bằng sáng chế cao vô lý đối với các công nghệ từ cho phép điện thoại thông minh (smartphone) hiện cuộc gọi cho tới kết nối Internet.
Với những cáo buộc của Apple, Qualcomm có thể phải bồi thường số tiền lên tới 27 tỷ USD cho Apple và các nhà cung cấp của hãng này. Trong khi đó, Qualcomm cũng đang đòi Apple phải trả số tiền phí sử dụng bằng sáng chế chưa thanh toán lên tới hơn 7 tỷ USD, cùng nhiều tỷ USD tiền bồi thường thiệt hại khác.
Mối quan hệ đối tác với Apple vốn là một nguồn doanh thu quan trọng của Qualcomm, bởi mỗi chiếc iPhone được bán đều đóng góp vào doanh thu của nhà sản xuất con chip này. Tuy nhiên, mối quan hệ đã xấu đi trong những năm gần đây sau một loạt vụ kiện qua lại giữa hai bên.
Theo dự kiến, Tổng giám đốc (CEO) Tim Cook của Apple sẽ ra đối chất tại tòa trong cuộc xét xử bắt đầu ngày 15/4 và dự kiến kéo dài trong thời gian 4-6 tuần ở San Diego.
"Ảnh hưởng trong cuộc đấu pháp lý này không chỉ là ảnh hưởng đến Apple và Qualcomm, mà còn là tác động đến thỏa thuận cấp phép của Qualcomm với các công ty khác trên khắp thế giới", giáo sư luật Mark Patterson thuộc Đại học Fordham nhận xét. "Hàng chục tỷ USD trong các vụ kiện giữa Apple và Qualcomm thực ra chỉ là một phần của những gì mà cuộc đấu này có thể ảnh hưởng".
Mâu thuẫn với Apple cũng có thể tác động không nhỏ đến triển vọng kinh doanh của Qualcomm, theo ông Patterson. Chẳng hạn, phán quyết của tòa án về hoạt động cấp phép của Qualcomm có thể yêu cầu việc công ty này phải đưa ra giới hạn về mức phí cấp bằng sáng chế.
Không chỉ kiện nhau ở Mỹ, Apple và Qualcomm còn kiện nhau ở nhiều quốc gia khác trên thế giới, và cả hai đều đã có những lần thắng kiện.
Cuộc đấu pháp lý giữa hai bên bắt đầu vào tháng 1/2017, khi Apple kiện Qualcomm để đòi gần 1 tỷ USD. Trong lần kiện đó, Apple cáo buộc Qualcomm thu phí bản quyền quá cao và cố tình trì hoãn việc thanh toán số tiền chiết khấu gần 1 tỷ USD để trả đũa việc "táo khuyết" hợp tác với nhà chức trách Hàn Quốc trong một cuộc điều tra nhằm vào Qualcomm.
Tháng 1/2018, cơ quan chống độc quyền châu Âu yêu cầu Qualcomm nộp phạt 1,2 tỷ USD. Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng Qualcomm đã chống lại các quy định của Liên minh châu Âu (EU) bằng cách trả hàng tỷ USD cho Apple để Apple không dùng con chip của các nhà cung cấp khác.
Ở một trong số các vụ kiện về bằng sáng chế khác, Qualcomm đề nghị một tòa án liên bang Mỹ ra lệnh cấm bán điện thoại iPhone. Tháng 6 năm ngoái, một thẩm phán thuộc Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) kết luận Apple vi phạm một trong những bằng sáng chế của Qualcomm về công nghệ tiết kiệm pin.
Mùa hè 2018, Qualcomm nói hãng cho rằng Apple sẽ không dùng con chip của Qualcomm trong thế hệ iPhone tiếp theo. Sau tuyên bố này, Qualcomm cắt giảm dự báo lợi nhuận.
Tuy nhiên, trong phiên tòa của Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) xét xử Qualcomm hồi tháng 1 theo đơn kiện của Apple, Giám đốc hoạt động (COO) của Apple là Jeff Williams tố Qualcomm từ chối bán con chip cho Apple vì lý do tranh chấp pháp lý kéo dài giữa hai bên.
Hồi tháng 3, một thẩm phán thương mại Mỹ đề xuất cấm bán một số mẫu iPhone nhập khẩu vào Mỹ, nói rằng Apple đã vi phạm bằng sáng chế của Qualcomm trong một số thiết bị. Vị thẩm phán không nói rõ đề xuất cấm mẫu iPhone nào, nhưng phán quyết này cần phải có sự phê chuẩn của ITC và Tổng thống Donald Trump mới có thể có hiệu lực.
Trước đó, vào tháng 12 năm ngoái, một tòa án Trung Quốc đã ra lệnh cấm nhập khẩu và bán một loạt mẫu iPhone sau khi nhận được đơn kiện Apple từ Qualcomm.