Đại học Quốc gia Hà Nội lọt top 201-300 thế giới ở tiêu chí Tài nguyên và môi trường nước
Với thế mạnh từ lĩnh vực nghiên cứu liên quan tới tài nguyên và môi trường nói chung và dưới nước, mặt đất nói riêng, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã được xếp hạng trong top 201-300 ở SDG 14 – Tài nguyên và môi trường nước (Life Below Water)...
Ngày 12/6/2024, Tạp chí Times Higher Education (THE) đã công bố bảng xếp hạng THE Impact Rankings 2024. Trong kỳ xếp hạng lần này, Đại học Quốc gia Hà Nội duy trì thứ hạng trong nhóm 401-600 thế giới, cùng với 12 cơ sở giáo dục khác của Việt Nam được xếp hạng.
THE Impact Rankings hướng tới đo lường sự thành công của tổ chức giáo dục đại học trong việc thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals – SDGs) của Liên Hợp Quốc (có hiệu lực kể từ năm 2016), kêu gọi hành động toàn cầu với mục tiêu xây dựng xã hội hoà bình, công bằng và thịnh vượng.
Theo đó, bảng xếp hạng này đánh giá tầm ảnh hưởng (Impact) và đóng góp của các cơ sở giáo dục đối với sự phát triển xã hội, phát triển con người, bảo vệ môi trường sống.
Trong kỳ xếp hạng năm 2024, THE Impact Rankings đã thu hút sự quan tâm lớn từ thế giới với 1963 cơ sở giáo dục đại học tham gia xếp hạng (tăng thêm 372 cơ sở giáo dục đại học mới so với kỳ xếp hạng trước).
Cũng trong kỳ xếp hạng này, nhà trường tham gia xếp hạng tại 9 SDG – trong đó có 2 SDG lần đầu tham gia xếp hạng là SDG 11 được xếp hạng top 401-600 và SDG 14 được xếp hạng top 201-300.
Việc được xếp hạng top 401-600 ở SDG 11 – Thành phố và cộng đồng bền vững (Sustainable cities and communities) thể hiện vai trò gắn kết môi trường giáo dục đại học với cộng đồng xã hội, khẳng định Đại học Quốc gia Hà Nội xây dựng một môi trường học thuật tiên tiến nhưng cũng rất gần gũi, thân thiện.
Triết lý này cũng là một định hướng quan trọng để nhà trường quy hoạch, xây dựng và phát triển Khu đô thị Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc.
Ngoài ra, với thế mạnh từ lĩnh vực nghiên cứu liên quan tới tài nguyên và môi trường nói chung và dưới nước, mặt đất nói riêng, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã được xếp hạng trong top 201-300 ở SDG 14 – Tài nguyên và môi trường nước (Life Below Water).
Kết quả này cũng đã thể hiện vai trò và giải trình sự đóng góp của nhà trường với cộng đồng về việc phát triển tài nguyên và môi trường dưới nước một cách bền vững.
Ngoài 02 SDG lần đầu được xếp hạng với kết quả ấn tượng như trên, nhà trường còn có 7 SDG được xếp hạng, trong đó có những kết quả hạng nổi bật như sau:
- SDG 5: Bình đẳng giới (Gender Equality): thuộc nhóm 401-600 trong tổng số 1361 cơ sở giáo dục tham gia xếp hạng.
- SDG 8: Việc làm và tăng trưởng kinh tế (Decent work and economic growth): thuộc nhóm 201-300 trong tổng số 1149 cơ sở giáo dục tham gia xếp hạng.
- SDG 16: Hòa bình, công bằng và thể chế vững mạnh (Peace, Justice and Strong Institutions): thuộc nhóm 401-600 trong tổng số 1086 cơ sở giáo dục tham gia xếp hạng.
- SDG 17: Hợp tác để hiện thực hoá các mục tiêu (Partnership for the goals): thuộc nhóm 801-1000 trong tổng số 2031 cơ sở giáo dục tham gia xếp hạng.
Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục có bước tiến khi xếp hạng tổng thể thuộc nhóm 401-600 thế giới với mức điểm 71,6 – tăng 1,5 điểm so với kỳ xếp hạng năm 2023. Các SDG của nhà trường được THE Impact Rankings lựa chọn xếp hạng để tính điểm cụ thể trong hình dưới.
Tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan có 77 cơ sở giáo dục đại học nằm trong Bảng xếp hạng này và Trường Đại học Mahidol có thứ hạng cao nhất với vị trí 19 trong bảng xếp hạng.
Malaysia có 28 cơ sở giáo dục đại học trong đó Trường Đại học Sains Malaysia xếp hạng thứ 18.
Indonesia có 45 cơ sở giáo dục đại, Philippines có 56 cơ sở cơ sở giáo dục đại học và Campuchia có 1 cơ sở giáo dục đại học tham gia xếp hạng có mặt trong Bảng xếp hạng này.
Bảng xếp hạng THE Impact Rankings gồm các tiêu chí sau:
Theo đó, điểm đánh giá xếp hạng cuối cùng của một cơ sở giáo dục đại học trong bảng xếp hạng là điểm trung bình của điểm SDG 17 (bắt buộc) (chiếm 22% tổng số điểm) với ba điểm cao nhất trong số 16 SDG còn lại (mỗi SDG có trọng số 26%).
Đối với mỗi SDG, các chỉ số đi kèm được phân tích và sử dụng trong bảng xếp hạng dựa trên 4 yếu tố là nghiên cứu, trách nhiệm quản lý, tiếp cận cộng đồng và giáo dục.