Đào tạo nhân lực trong kỷ nguyên GenAI: Tất cả các trường đại học đều phải thay đổi
Các chương trình đào tạo đã tập trung khá nhiều vào lý thuyết. Nhưng GenAI đã trở thành công cụ phổ biến, đặt ra thách thức về việc làm cho sinh viên sau khi ra trường...

Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) đang phát triển như vũ bão trên toàn cầu, Việt Nam đứng trước cả cơ hội và thách thức lớn trong việc đào tạo một thế hệ kỹ sư không chỉ thích ứng mà còn có khả năng dẫn dắt cuộc chơi.
TẤT CẢ CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐỀU PHẢI THAY ĐỔI TRƯỚC SỰ PHÁT TRIỂN CỦA GENAI
Theo GS.TS. Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, AI vẫn đang ở giai đoạn “bình minh của sự phát triển” và chắc chắn sẽ còn tiến xa hơn rất nhiều trong tương lai. Ông ví von ngành công nghiệp điện tử và phần mềm như một con chim với hai cánh – phần cứng và phần mềm – và sự phát triển đồng bộ của cả hai đã tạo nên sức mạnh cho ngành công nghệ.
“Với sự phát triển của ngành công nghiệp điện tử và bán dẫn hiện nay, tôi tin rằng chúng ta sẽ chứng kiến sự ra đời của nhiều dòng chip đặc biệt”, GS.TS. Chử Đức Trình phân tích.
“Những con chip này không chỉ chứa các linh kiện điện tử truyền thống mà còn tích hợp các linh kiện phi điện tử, chẳng hạn như cảm biến hay các thành phần liên quan đến sức khỏe. Khi đó, nhu cầu phát triển các ứng dụng AI gắn liền với những con chip này sẽ ngày càng lớn. AI sẽ không chỉ tồn tại trong lĩnh vực công nghệ thông tin mà còn hiện diện trong mọi thiết bị, từ nhỏ đến lớn”.
Ông khẳng định AI là một trong những cuộc cách mạng lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, chính sự khởi đầu này lại đặt ra một thách thức hiện hữu. “Nhiều doanh nghiệp khi làm việc với chúng tôi thường đặt câu hỏi: ‘Liệu sự phát triển của AI có khiến chúng tôi bị đào thải hay không?".
"Đây cũng là mối quan ngại mà chúng tôi nhận thấy ngay tại Trường Đại học Công nghệ”, GS.TS. Chử Đức Trình cho biết. Theo ông, thách thức lớn nhất đối với các cơ sở đào tạo chính là làm sao để sinh viên không chỉ thích nghi mà còn dẫn đầu trong bối cảnh công nghệ thay đổi chóng mặt.
“Tất cả các trường đại học, không chỉ riêng chúng tôi, đều phải thay đổi”, GS.TS. Chử Đức Trình khẳng định.
Để giải quyết bài toán này, việc thay đổi phương pháp đào tạo là yêu cầu cấp thiết. PGS.TS. Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Bách Khoa Hà Nội, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển hướng đào tạo dựa trên trải nghiệm thực tiễn.

Trước đây, các chương trình đào tạo đã tập trung khá nhiều vào lý thuyết. Tuy nhiên, trong tương lai, lý thuyết sẽ được hỗ trợ mạnh mẽ bởi các công cụ công nghệ.
Đặc biệt, các công nghệ AI tạo sinh đang đặt ra thách thức về việc làm cho sinh viên sau khi ra trường, vì thế chúng tôi nhận thấy cần phải chuyển hướng sang đào tạo dựa trên trải nghiệm thực tiễn.
“Trước đây, các chương trình đào tạo đã tập trung khá nhiều vào lý thuyết. Tuy nhiên, trong tương lai, lý thuyết sẽ được hỗ trợ mạnh mẽ bởi các công cụ công nghệ”, PGS.TS. Tạ Hải Tùng nhận định.
“Đặc biệt khi các công nghệ AI tạo sinh đã trở thành công cụ phổ biến, đặt ra thách thức về việc làm cho sinh viên sau khi ra trường, chúng tôi nhận thấy cần phải chuyển hướng sang đào tạo dựa trên trải nghiệm thực tiễn”.
Những trải nghiệm thực tiễn này, theo ông, sẽ đến từ sự hợp tác nghiên cứu giữa nhà trường và doanh nghiệp, cũng như các học kỳ thực tập. Điều này giúp sinh viên tiếp cận sớm với các công nghệ mới, bắt kịp xu hướng và trang bị đầy đủ kiến thức để đáp ứng nhu cầu dài hạn của thị trường lao động.
GENAI ĐẶT RA THÁCH THỨC VỀ VIỆC LÀM CHO SINH VIÊN SAU KHI RA TRƯỜNG
“Trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và công nghệ, sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo sinh viên là điều không thể thiếu. Thung lũng Silicon thành công rực rỡ một phần nhờ vào hệ thống các trường đại học danh tiếng trong khu vực. Tương tự, tại Việt Nam, sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp là yếu tố bổ trợ lẫn nhau, mang lại lợi ích thiết thực”, PGS.TS. Tạ Hải Tùng cho biết.
Giải thích chi tiết, PGS.TS. Tạ Hải Tùng cho rằng trong các trường đại học, nhờ tự do học thuật, có những chuyên gia đã dành hàng chục năm nghiên cứu chuyên sâu. Trong khi đó, các doanh nghiệp thường tập trung vào việc phát triển các công nghệ mới, theo đuổi các xu hướng để nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường.
Sự kết hợp giữa nghiên cứu cơ bản của các trường đại học và nghiên cứu ứng dụng của doanh nghiệp sẽ tạo ra sự bổ trợ hoàn hảo, giúp sản phẩm của doanh nghiệp có hàm lượng công nghệ cao hơn, đồng thời mang lại cho các trường đại học cơ hội tiếp cận các bài toán thực tiễn.
Mạng lưới giáo dục cần được xây dựng từ cấp tiểu học, trung học cơ sở và phổ thông, trang bị cho học sinh nền tảng vững chắc về Toán, Lý, các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.
Chỉ khi có nền tảng tốt, chúng ta mới có thể khai thác được tiềm năng của AI. Nếu không, chúng ta sẽ dễ dàng bị tụt hậu.
Nhìn xa hơn về chiến lược dài hạn, GS.TS. Chử Đức Trình nhấn mạnh việc phải tập trung vào nhóm đối tượng tài năng. “Khi nói về AI, khoa học máy tính hay bán dẫn, chúng ta cần tập trung vào nhóm đối tượng tài năng, bởi nếu chỉ đào tạo ở mức trung bình, chúng ta sẽ không thể cạnh tranh. Do đó, trong tương lai, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh việc đào tạo các học sinh, sinh viên tài năng, từ đó tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao”.
Đặc biệt, GS.TS. Chử Đức Trình chia sẻ về cơ hội việc làm tốt tại Việt Nam khi các sinh viên giỏi ra trường. Ông cho biết cách đây vài thập kỷ, “khi tôi và nhiều đồng nghiệp ra trường, hầu như không có doanh nghiệp trong nước nào đủ sức tiếp cận nguồn nhân lực tài năng. Phần lớn chúng tôi phải ra nước ngoài làm việc”.
Hiện nay, nhiều sinh viên xuất sắc tốt nghiệp đã có cơ hội làm việc và trọng dụng, đãi ngộ tốt ở các công ty, tập đoàn ngay tại Việt Nam cũng như được tiếp cận với những công nghệ hàng đầu thế giới. “Đây là một bước tiến lớn và là cơ hội để chúng ta phát triển nguồn nhân lực tài năng”, GS.TS. Chử Đức Trình cho biết.
Ông cũng đề xuất xây dựng một hệ sinh thái công nghệ toàn diện, trong đó mạng lưới giáo dục cần được xây dựng từ cấp tiểu học, trung học cơ sở và phổ thông, trang bị cho học sinh nền tảng vững chắc về Toán, Lý, các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. “Chỉ khi có nền tảng tốt, chúng ta mới có thể khai thác được tiềm năng của AI. Nếu không, chúng ta sẽ dễ dàng bị tụt hậu”, GS.TS. Chử Đức Trình cảnh báo.
Đáng chú ý, ông nhấn mạnh vai trò của “yếu tố nhân văn”. Bởi vì, AI không chỉ là công nghệ mà còn cần được gắn kết với các khía cạnh xã hội, đạo đức và kinh tế. Đây là yếu tố then chốt để AI thực sự tạo ra giá trị cho cộng đồng.