Dấu ấn kinh tế thế giới tuần 30/12/2024-5/1/2025

An Huy
Chia sẻ

Trong lúc chờ tới ngày nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump, giới đầu tư toàn cầu lo lắng về những thay đổi lớn trong chính sách kinh tế và thương mại của Mỹ khi ông Trump chính thức trở lại Nhà Trắng. Trong khi đó, triển vọng kinh tế Trung Quốc và nhiều nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu khác tiếp tục ảm đạm vì mối lo thuế quan...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Dưới đây là một số thông tin kinh tế thế giới quan trọng trong tuần giao giữa những ngày cuối cùng của năm cũ 2024 và những ngày đầu tiên của năm mới 2025 do VnEconomy điểm lại:

Vụ sáp nhập giữa Nippon Steel và US Steel sụp đổ sau phán quyết của Tổng thống Joe Biden

Hôm thứ Sáu, Tổng thống Mỹ Joe Biden chính thức tuyên bố không phê chuẩn vụ sáp nhập giữa hai hãng thép US Steel của Mỹ và Nippon Steel của Nhật Bản. Động thái này đồng nghĩa ông Biden thực hiện lời hứa giữ US Steel - một biểu tương đã hơn 1 trăm năm tuổi của nền sản xuất công nghiệp Mỹ - trong sự sở hữu của nước Mỹ. Lý do mà ông Biden đưa ra là đề xuất của Nippon Steel mua lại US Steel với giá 14,9 tỷ USD sẽ đưa US Steel - một trong những nhà sản xuất thép lớn nhất ở Mỹ - về dưới sự kiểm soát của nước ngoài, đặt ra rủi ro đối với các chuỗi cung ứng quan trọng của Mỹ.

“Quyết định của tôi ngày hôm nay cho thấy cam kết không thể lay chuyển của tôi về việc sử dụng tất cả những thẩm quyền trên cương vị Tổng thống để bảo vệ an ninh quốc gia của nước Mỹ”, ông Biden tuyên bố.

Trung Quốc tiếp tục triển khai các biện pháp kích thích để vực dậy tăng trưởng kinh tế

Bước sang năm 2025, nền kinh tế Trung Quốc vẫn còn yếu dù Bắc Kinh đã tung ra một loạt biện pháp hỗ trợ tăng trưởng vào cuối năm ngoái. Tuần vừa rồi, Chính phủ nước này bất ngờ tăng lương cho công chức - một động thái được cho là nhằm kích thích tiêu dùng trong nước trong bối cảnh cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài gây suy giảm niềm tin của người tiêu dùng. Theo mức tăng lương được tiết lộ với hãng tin Reuters và nếu toàn bộ 48 triệu công chức của Trung Quốc đều được tăng lương như vậy, đợt nâng lương này sẽ tương đương một lần bơm 12-20 tỷ USD vào nền kinh tế.

Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) nhắc lại cam kết hạ lãi suất và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc “vào thời điểm phù hợp” để thúc đẩy tăng trưởng.

Mối lo lãi suất cao hơn lâu hơn ở Mỹ hỗ trợ đẩy tỷ giá đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao.

Tuần này, giới đầu tư trên thị trường tài chính Mỹ và thế giới tiếp tục lo lắng về khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ giảm lãi suất chậm hơn, hoặc thậm chí có thể tạm dừng hoàn toàn việc giảm lãi suất trong năm 2025. Mối lo này xuất phát từ hai yếu tố: một là nhịp tăng trưởng vững vàng của nền kinh tế Mỹ được duy trì; và hai là các chính sách của Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể khiến lạm phát ở Mỹ tăng trở lại.

Kỳ vọng lãi suất này tiếp tục đẩy tỷ giá đồng USD lên cao. Chỉ số Dollar Index đã đạt mức cao nhất 25 tháng vào phiên ngày thứ Sáu, tăng gần 0,9% trong tuần này và tăng hơn 6,2% trong vòng 3 tháng trở lại đây. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng kết thúc tuần trên mức chủ chốt 4,6%.

Microsoft có thể đầu tư 80 tỷ USD vào các trung tâm dữ liệu AI trong năm 2025.

Cơn sốt công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Hôm thứ Sáu, “gã khổng lồ” phần mềm Microsoft tuyên bố có kế hoạch chi 80 tỷ USD trong tài khóa 2025 cho việc xây dựng các trung tâm dữ liệu AI. Trong một bài blog đăng trên website công ty, Microsoft tiết lộ rằng hơn một nửa số vốn đầu tư hạ tầng AI này sẽ được rót vào Mỹ. Đến nay, Microsoft đã đầu tư hơn 13 tỷ USD vào OpenAI - công ty đứng sau Chat GPT, chatbot đã trở thành một hiện tượng toàn cầu trong trào lưu AI.

Trần nợ công của Mỹ được thiết lập trở lại, rủi ro vỡ nợ của Chính phủ Mỹ lại xuất hiện.

Sau gần năm bị đình chỉ, trần nợ công của Mỹ đã được thiết lập trở lại vào hôm thứ Năm (2/1), trở thành một thách thức đón chờ ông Trump và các nghị sỹ Cộng hòa khi họ tiếp quản quyền kiểm soát Nhà Trắng và lưỡng viện Quốc hội khóa tới. Trần nợ mới là mức nợ công của Mỹ vào thời điểm kết thúc ngày 1/1, ở mức hơn 36,1 nghìn tỷ USD, từ mức 31,4 nghìn tỷ USD vào thời điểm tháng 6/2023 - khi trần nợ bị đình chỉ theo Đạo luật Trách nhiệm tài khóa (FRA) được cả hai đảng nhất trí.

Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật, nợ công của Mỹ chưa kịch trần vì mức nợ đã giảm 54 tỷ USD vào ngày thứ Năm do Bộ Tài chính tiến hành thanh toán một loạt trái phiếu đáo hạn vào ngày hôm đó. Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen ước tính phải đến khoảng ngày 14-23/1, nợ công mới chạm trần. Khi đó, Bộ Tài chính Mỹ sẽ phải thực thi một số biện pháp bất thường để ngăn một vụ vỡ nợ cấp quốc gia.

Triển vọng kinh tế Hàn Quốc, Nhật Bản ảm đạm vì kế hoạch thuế quan của ông Trump

Đều là những nền kinh tế hướng ra xuất khẩu, Hàn Quốc và Nhật Bản đang lo lắng kế hoạch áp thuế quan của ông Trump có thể đặt ra trở ngại lớn đối với tăng trưởng kinh tế trong năm 2025.

Theo một ước tính của công ty Mizuho Securities Co., mức thuế quan bổ sung 10% mà ông Trump cảnh báo sẽ áp lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu sẽ khiến tăng trưởng GDP thực tế của Nhật Bản giảm 0,13 điểm phần trăm. Ngoài ra, chính sách thương mại của ông Trump gần như chắc chắn sẽ khiến căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng, và bất kỳ động thái trả đũa nào của Bắc Kinh đều có thể làm xấu đi mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, từ đó ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu. Diễn biến như vậy có thể làm giảm tăng trưởng GDP thực tế của Nhật Bản thêm 0,12 điểm nữa.

Bà Soohyung Lee,  một quan chức của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK), nói với hãng tin CNBC rằng bất ổn chính trị trong nước không đáng lo ngại bằng các yếu tố bên ngoài khi nói về triển vọng kinh tế Hàn Quốc năm tới. Theo bà Lee, thuế quan mà ông Trump đề xuất áp đặt với hàng nhập khẩu sẽ gây ra rất nhiều áp lực với các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu như Hàn Quốc. Bên cạnh đó, thuế quan tăng lên cũng sẽ khiến áp lực lạm phát ở Mỹ tăng trở lại, khiến nước này phải duy trì lãi suất ở mức cao lâu hơn và đồng USD mạnh lên. Tất cả những điều này khiến đồng won của Hàn Quốc chịu áp lực lớn.

Số người vỡ nợ thẻ tín dụng ở Mỹ tăng mạnh

Dù tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ duy trì ở mức thấp và nền kinh tế tăng trưởng vững, tầng lớp người tiêu dùng có thu nhập thấp ở nước này đã bắt đầu có dấu hiệu của sự mệt mỏi sau mấy năm lạm phát cao và lãi suất cao. Số liệu từ trang BankRegData cho thấy trong 9 tháng đầu năm nay, các tổ chức cho vay qua thẻ tín dụng đã phải xóa tổng số nợ khó đòi trị giá 46 tỷ USD là những khoản vay quá hạn nghiêm trọng, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước và là mức cao nhất 14 năm. Giới phân tích cho rằng đây có thể là một dấu hiệu chỉ báo sớm về khả năng suy yếu của kinh tế Mỹ trong thời gian tới.

Vốn hóa của Nvidia tăng hơn 2 nghìn tỷ USD chỉ trong 1 năm

Năm 2024 là một năm rực rỡ của các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn, khi các công ty này hưởng lợi mạnh mẽ từ trào lưu AI. Hãng sản xuất chip Mỹ Nvidia đã trở thành công ty có mức tăng vốn hóa tuyệt đối lớn nhất trong năm 2024, với mức tăng hơn 2 nghìn tỷ USD, đạt mức 3,28 nghìn tỷ USD. Với mức vốn hóa này, Nvidia là công ty niêm yết đắt giá thứ hai thế giới.

Apple tiếp tục là công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới, đạt gần 4 nghìn tỷ USD, tăng 790 tỷ USD trong năm qua. Cũng ở thời điểm cuối năm 2024, hãng phần mềm Microsoft là công ty đắt giá thứ ba thế giới, đạt 3,1 nghìn tỷ USD. Tiếp đó là Alphabet và Amazon với các mức vốn hóa xấp xỉ 2,3 nghìn tỷ USD.

Ukraine chính thức dừng trung chuyển khí đốt Nga

Sau hơn 40 năm không ngừng chảy, từ ngày 1/1/2025, dòng khí đốt Nga sang châu Âu đi qua Ukraine chính thức dừng lại khi tập đoàn Naftogaz của Ukraine không gia hạn thỏa thuận trung chuyển với tập đoàn năng lượng quốc gia Gazprom của Nga. Theo Bộ Năng lượng Ukraine, nước này chấm dứt thỏa thuận trên “vì lợi ích an ninh quốc gia”, trong bối cảnh chưa có một giải pháp nào cho cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Giá khí đốt tại thị trường châu Âu tăng hơn 4% lên mức 51 euro/megawatt giờ sau khi dòng khí đốt Nga ngừng chảy. Giới phân tích cho rằng khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng năng lượng hay thiếu hụt khí đốt ở châu Âu trước mắt là rất thấp, nhưng Liên minh châu Âu (EU) sẽ dễ tổn thương hơn trước các biến động trên thị trường khí đốt, nhất là khi giá khí đốt hiện đang cao hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá năng lượng tăng có thể làm suy yếu năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp châu Âu và gây sức ép lên ngân sách của các hộ gia đình.

Chứng khoán thế giới giảm, giá vàng tăng trong tuần này

Mối lo lãi suất giảm chậm và tâm trạng bấp bênh của nhà đầu tư trước khi ông Trump nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ thứ hai đã khiến chứng khoán Mỹ giảm điểm trong tuần này. Chỉ số S&P 500 giảm 0,48% cả tuần, trong khi Dow Jones giảm 0,6% và Nasdaq mất 0,51%. Chứng khoán thế giới cũng có một tuần giảm điểm, với chỉ số MSCI All Country World Index mất gần 0,5% điểm số.

Trong khi đó, giá vàng thế giới tăng 1% trong tuần này. Giới phân tích cho rằng việc vàng tăng giá trong khi chứng khoán giảm và bất chấp xu hướng tăng của đồng USD là một dấu hiệu cho thấy nhu cầu phòng ngừa rủi ro của nhà đầu tư tăng lên trước ngày nhậm chức của ông Trump.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con