“Đấu lệnh” đợt ATC, thanh khoản cải thiện, VN-Index vẫn đóng cửa tại đáy
Diễn biến đợt ATC hôm nay lặp lại kiểu giao dịch “đấu lệnh” của các lần tái cơ cấu khác, hàng triệu đơn vị được chất mua bán vào mỗi bên. Tuy nhiên khả năng “cân lệnh” không được tốt, hoặc nhà đầu tư chỉ mua giá thấp nên khá nhiều mã vẫn bị đánh sập cuối ngày và đóng cửa ở mức thấp nhất. VN-Index giảm 0,71%, xác lập phiên lao dốc thứ 3 liên tiếp...
Diễn biến đợt ATC hôm nay lặp lại kiểu giao dịch “đấu lệnh” của các lần tái cơ cấu khác, hàng triệu đơn vị được chất mua bán vào mỗi bên. Tuy nhiên khả năng “cân lệnh” không được tốt, hoặc nhà đầu tư chỉ mua giá thấp nên khá nhiều mã vẫn bị đánh sập cuối ngày và đóng cửa ở mức thấp nhất. VN-Index giảm 0,71%, xác lập phiên lao dốc thứ 3 liên tiếp.
Giao dịch trong đợt ATC khá lớn, riêng VN30 khớp 1.224 tỷ đồng. Tổng giá trị bán của khối ngoại sau đợt khớp lệnh liên tục là 2.068 tỷ đồng và mua 1.116 tỷ đồng. nhìn chung quy mô này cũng là bình thường trong các lần tái cơ cấu.
Khả năng đỡ giá của bên mua đối ứng với lệnh bán ATC hôm nay không được tốt, rất nhiều mã không đảo chiều được mà lại tụt sâu thêm so với giá chốt của đợt khớp lệnh liên tục. Nhiều trụ bị ảnh hưởng khá nặng như VCB sụt giảm tới 2,1% trong đợt ATC, giảm tổng cộng 2,61% so với tham chiếu. MSN tụt 1,1% đợt ATC thành giảm 3,08% so với tham chiếu. Ngược lại như VIC, VHM, VNM, VPB, CTG… tuy giao dịch hàng triệu cổ đợt này thì giá giảm rất ít hoặc không giảm thêm.
VN-Index giảm riêng trong đợt ATC khoảng 3,2 điểm cũng không quá nhiều. Chỉ số đóng cửa giảm tổng cộng 7,83 điểm, thanh khoản khớp lệnh tăng 17% so với hôm qua, đạt gần 14.167 tỷ đồng.
Tính riêng chiều nay, giao dịch hai sàn đã tăng gấp đôi phiên sáng, đạt 10.454 tỷ đồng. Dĩ nhiên phần rất lớn mức tăng này tập trung vào đợt ATC, là thời điểm các giao dịch tái cơ cấu xuất hiện. Điều đó cho thấy sự sẵn sàng đón nhận của nhà đầu tư và thanh khoản tăng cao là một sự chấp nhận mua. Nếu nhà đầu tư không dám mua thì khối lượng bán dồn cục lại này sẽ đẩy giá cổ phiếu giảm rất mạnh, thậm chí là sàn la liệt.
Độ rộng của VN-Index lúc đóng cửa không tốt, với 162 mã tăng/338 mã giảm. Khoảng 100 cổ phiếu đóng cửa ở giá thấp nhất ngày, trong đó 70 mã đỏ. Kết quả như vậy cũng không quá tệ. Mặc dù VN-Index chốt phiên ở mức thấp nhất phiên nhưng rất nhiều cổ phiếu lại “thoát đáy”. Rõ ràng phải có lực cầu đỡ đủ để đẩy giá lên và chỉ số đang bị tác động xấu từ trụ.
Mặt khác, trong 338 mã cổ phiếu đỏ, chỉ có 85 mã giảm trên 1%. So với phiên sáng tình hình cũng không xấu hơn (81 mã giảm trên 1%). Nhóm giảm sâu nhất trên 1% này chiếm 22% thanh khoản khớp lệnh cả sàn HoSE. Các mã giao dịch lớn nhất, thể hiện sức ép rõ rệt từ bên bán là HAG giảm 2,98% thanh khoản 444,4 tỷ; MWG giảm 2,04% thanh khoản 382,7 tỷ; MSN giảm 3,08% thanh khoản 268,3 tỷ; EIB giảm 1,35% với 253,8 tỷ; VCG giảm 1,25% với 250,4 tỷ; DGC giảm 1,79% với 249,3 tỷ; VPB giảm 1,58% với 227,8 tỷ; VCB giảm 2,61% với 209,4 tỷ. Trừ HAG phục hồi khoảng 1,95% so với giá đáy, các mã còn lại đều hồi không đáng kể.
Trong số tăng ngược dòng, nhóm vốn hóa nhỏ có vẻ lợi nhất. Chỉ số Smallcap đóng cửa vẫn xanh 0,03% với 65 mã tăng/87 mã giảm. Midcap cũng ổn hơn, chỉ số đại diện giảm nhẹ 0,28% với 25 mã tăng/37 mã giảm. Những cổ phiếu xuất sắc nhất ở nhóm tăng, vừa có biên độ giá mạnh, vừa có thanh khoản cao là HQC tăng 6,99% với 129 tỷ đồng; NVL tăng 3,68% với 641,8 tỷ; HCM tăng 2,44% với 185,4 tỷ; DXG tăng 2,19% với 212 tỷ; NKG tăng 1,97% với 167,4 tỷ; VND tăng 1,63% với 827,1 tỷ; DBC tăng 1,6% với 176 tỷ; ACB tăng 1,11% với 140,7 tỷ.
Tổng hợp khối ngoại bán ròng trên HoSE hôm nay lên tới 1.470 tỷ đồng. Tuy nhiên con số này là bình thường nếu tính đến các đợt tái cơ cấu quỹ. Dĩ nhiên trong số này có thể bao gồm cả các giao dịch mua bán thông thường, nhưng các phiên cuối cùng của đợt tái cơ cấu hầu như đều có quy mô ngàn tỷ. Những mã bị bán ròng nhiều nhất là HPG -287,7 tỷ, SSI -178 tỷ, DGC -137,7 tỷ, VCB -134,7 tỷ… Phía mua có NVL +115,4 tỷ và VND +111,3 tỷ đồng.