Đề nghị kiện tàu hải giám Trung Quốc ra tòa quốc tế
Nhiều thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị kiện tàu hải giám Trung Quốc về hành vi cắt cáp ngầm trên phạm vi lãnh hải Việt Nam
Nên kiện tàu hải giám Trung Quốc về hành vi cắt cáp ngầm trên phạm vi lãnh hải Việt Nam để đòi bồi thường thiệt hại kinh tế.
Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại buổi tọa đàm chiều 7/6 do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức, nhằm ghi nhận ý kiến, đề xuất của các thành viên Hội đồng Tư vấn về dân chủ - pháp luật và Hội đồng Tư vấn về đối ngoại và kiều bào của Ủy ban về sự vụ này.
Theo Ủy viên Hội đồng Tư vấn đối ngoại và kiều bào, ông Nguyễn Thắng Cảnh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có thể ủy quyền cho Hội Luật gia Việt Nam kiện hành động cắt cáp của Trung Quốc ra tòa án quốc tế.
“Nếu không làm mạnh, Trung Quốc sẽ lấn tới”, ông Cảnh nêu quan điểm.
Luật gia Lê Đức Tiết kiến nghị: “Nhà nước Việt Nam nên đứng ra kiện hành vi xâm phạm chủ quyền của phía Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền của đất nước”. Bởi chúng ta hoàn toàn có đủ cơ sở pháp lý để thắng kiện. Hơn nữa, “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc vô cớ đặt ra không nằm trong cơ sở pháp lý nào cả.
Tuy nhiên, GS. Trần Ngọc Đường cho rằng, không nên kiện ở cấp Nhà nước mà nên kiện dân sự. Tổ chức thăm dò dầu khí của chúng ta bị cắt đường cáp thì Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) cần đứng ra kiện tàu hải giám Trung Quốc ra tòa án quốc tế, đòi bồi thường.
“Nếu làm được như thế cũng là bước đánh động Trung Quốc về việc gây thiệt hại cho chúng ta về kinh tế, đồng thời gián tiếp phê phán hành động xâm phạm chủ quyền”, ông Đường nhấn mạnh.
GS. Lưu Văn Đạt, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ - pháp luật nhận định, bản chất của Trung Quốc là "mềm nắn rắn buông", chúng ta càng lùi, họ càng lấn tới. Trước vấn đề này, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần thành lập nhóm chuyên gia nghiên cứu về biển Đông.
Tại buổi tọa đàm, bên cạnh nội dung nêu trên, nhiều vị chuyên gia cũng đề nghị cần tiếp tục công khai thông tin về vấn đề biển Đông để đồng thuận trong nhân dân.
Phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về đối ngoại và kiều bào, ông Phạm Văn Chương, đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần tăng cường thông tin một cách nhanh chóng, chính xác, cụ thể cho nhân dân để bày tỏ chính kiến về việc cắt cáp ngầm vừa qua và hành động uy hiếp ngư dân Việt Nam của tàu Trung Quốc. Đồng thời để người dân nhận thức đúng đắn về chủ trương, quan điểm của Đảng Nhà nước về giải quyết vấn đề biển Đông bằng con đường hòa bình và ngoại giao, tạo sự đồng thuận trong nhân dân để cùng bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.
Một kiến nghị chung của các thành viên dự tọa đàm là trong tình hình này, Mặt trận nên ra tuyên bố bày tỏ quan điểm của mình trước việc tàu Trung Quốc cắt cáp ngầm ngày 26/5 vừa qua.
Giáo sư Trần Ngọc Đường đề nghị: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nên kiến nghị với Bộ Chính trị để Bộ Chính trị ban hành một nghị quyết về ứng xử của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong mối quan hệ với láng giềng Trung Quốc.
“Trong các tầng lớp nhân dân còn nhiều cách hiểu khác nhau về đường lối đối ngoại của Việt Nam với Trung Quốc, có quan niệm cho chúng ta nhu nhược, mềm dẻo quá trước hành vi xâm phạm chủ quyền của phía Trung Quốc và quan điểm này bị một số phần tử lợi dụng khuếch đại, làm căng thẳng trong một bộ phận quần chúng. Một luồng quan điểm chính thức khác thì cho rằng như thế là mềm dẻo, phù hợp trong tình hình hiện nay, dẫn tới nhân dân chưa có nhận thức đồng nhất về vấn đề này. Vì vậy cần có nghị quyết của Bộ Chính trị. Trên cơ sở đó, các tổ chức chính trị xã hội mới có các hành động phù hợp tuyên truyền, chuyển tải tới các thành viên trong tổ chức mình, tới các tầng lớp nhân dân”, ông Đường phân tích.
Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Văn Pha cho biết, Ban thường trực Mặt trận trân trọng lắng nghe, ghi nhận ý kiến của các thành viên hội đồng tư vấn và sẽ phân loại các ý kiến, kiến nghị để giải quyết trong thẩm quyền.
Những kiến nghị, đề xuất tới lãnh đạo Đảng Nhà nước cũng sẽ được Mặt trận chuyển tải trong thời gian sớm nhất, ông Pha nói.
Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại buổi tọa đàm chiều 7/6 do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức, nhằm ghi nhận ý kiến, đề xuất của các thành viên Hội đồng Tư vấn về dân chủ - pháp luật và Hội đồng Tư vấn về đối ngoại và kiều bào của Ủy ban về sự vụ này.
Theo Ủy viên Hội đồng Tư vấn đối ngoại và kiều bào, ông Nguyễn Thắng Cảnh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có thể ủy quyền cho Hội Luật gia Việt Nam kiện hành động cắt cáp của Trung Quốc ra tòa án quốc tế.
“Nếu không làm mạnh, Trung Quốc sẽ lấn tới”, ông Cảnh nêu quan điểm.
Luật gia Lê Đức Tiết kiến nghị: “Nhà nước Việt Nam nên đứng ra kiện hành vi xâm phạm chủ quyền của phía Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền của đất nước”. Bởi chúng ta hoàn toàn có đủ cơ sở pháp lý để thắng kiện. Hơn nữa, “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc vô cớ đặt ra không nằm trong cơ sở pháp lý nào cả.
Tuy nhiên, GS. Trần Ngọc Đường cho rằng, không nên kiện ở cấp Nhà nước mà nên kiện dân sự. Tổ chức thăm dò dầu khí của chúng ta bị cắt đường cáp thì Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) cần đứng ra kiện tàu hải giám Trung Quốc ra tòa án quốc tế, đòi bồi thường.
“Nếu làm được như thế cũng là bước đánh động Trung Quốc về việc gây thiệt hại cho chúng ta về kinh tế, đồng thời gián tiếp phê phán hành động xâm phạm chủ quyền”, ông Đường nhấn mạnh.
GS. Lưu Văn Đạt, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ - pháp luật nhận định, bản chất của Trung Quốc là "mềm nắn rắn buông", chúng ta càng lùi, họ càng lấn tới. Trước vấn đề này, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần thành lập nhóm chuyên gia nghiên cứu về biển Đông.
Tại buổi tọa đàm, bên cạnh nội dung nêu trên, nhiều vị chuyên gia cũng đề nghị cần tiếp tục công khai thông tin về vấn đề biển Đông để đồng thuận trong nhân dân.
Phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về đối ngoại và kiều bào, ông Phạm Văn Chương, đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần tăng cường thông tin một cách nhanh chóng, chính xác, cụ thể cho nhân dân để bày tỏ chính kiến về việc cắt cáp ngầm vừa qua và hành động uy hiếp ngư dân Việt Nam của tàu Trung Quốc. Đồng thời để người dân nhận thức đúng đắn về chủ trương, quan điểm của Đảng Nhà nước về giải quyết vấn đề biển Đông bằng con đường hòa bình và ngoại giao, tạo sự đồng thuận trong nhân dân để cùng bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.
Một kiến nghị chung của các thành viên dự tọa đàm là trong tình hình này, Mặt trận nên ra tuyên bố bày tỏ quan điểm của mình trước việc tàu Trung Quốc cắt cáp ngầm ngày 26/5 vừa qua.
Giáo sư Trần Ngọc Đường đề nghị: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nên kiến nghị với Bộ Chính trị để Bộ Chính trị ban hành một nghị quyết về ứng xử của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong mối quan hệ với láng giềng Trung Quốc.
“Trong các tầng lớp nhân dân còn nhiều cách hiểu khác nhau về đường lối đối ngoại của Việt Nam với Trung Quốc, có quan niệm cho chúng ta nhu nhược, mềm dẻo quá trước hành vi xâm phạm chủ quyền của phía Trung Quốc và quan điểm này bị một số phần tử lợi dụng khuếch đại, làm căng thẳng trong một bộ phận quần chúng. Một luồng quan điểm chính thức khác thì cho rằng như thế là mềm dẻo, phù hợp trong tình hình hiện nay, dẫn tới nhân dân chưa có nhận thức đồng nhất về vấn đề này. Vì vậy cần có nghị quyết của Bộ Chính trị. Trên cơ sở đó, các tổ chức chính trị xã hội mới có các hành động phù hợp tuyên truyền, chuyển tải tới các thành viên trong tổ chức mình, tới các tầng lớp nhân dân”, ông Đường phân tích.
Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Văn Pha cho biết, Ban thường trực Mặt trận trân trọng lắng nghe, ghi nhận ý kiến của các thành viên hội đồng tư vấn và sẽ phân loại các ý kiến, kiến nghị để giải quyết trong thẩm quyền.
Những kiến nghị, đề xuất tới lãnh đạo Đảng Nhà nước cũng sẽ được Mặt trận chuyển tải trong thời gian sớm nhất, ông Pha nói.