Đề nghị làm rõ nội dung "những thông tin khác của công dân" khi thu thập cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
Dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) quy định có 24 nhóm thông tin của công dân được thu thập, tích hợp trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đồng thời có quy định còn thu thập, tích hợp cả những thông tin khác được chia sẻ. Đại biểu Quốc hội đề nghị cần cân nhắc thêm về các quy định này, vì có nhiều cơ sở dữ liệu chuyên ngành về y tế, giáo dục, lao động, thuế, chứng khoán...
Chiều 22/6, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.
Quan tâm đến vấn đề thu thập, tích hợp thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn cho biết, dự thảo luật quy định có 24 nhóm thông tin của công dân được thu thập, tích hợp trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tuy nhiên ở khoản cuối cùng của điều này có quy định, ngoài những thông tin nêu trên, còn thu thập, tích hợp cả những thông tin khác của công dân được chia sẻ từ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Đại biểu đề nghị cần cân nhắc thêm về các quy định này, vì có nhiều cơ sở dữ liệu chuyên ngành về y tế, giáo dục, lao động, thuế, chứng khoán... Trong dự thảo luật cũng chưa làm rõ "những thông tin khác của công dân" là những thông tin gì.
Theo đại biểu Thủy, việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bên cạnh mục đích là để phục vụ quản lý nhà nước, còn có một mục đích rất quan trọng là giúp người dân có thể tiến hành giao dịch, thủ tục hành chính ở bất cứ địa điểm nào mà không bị giới hạn bởi địa giới hành chính.
Tuy nhiên, những thông tin này liên quan trực tiếp đến các thông tin của công dân, trong đó có cả những thông tin liên quan đến đời sống riêng tư. Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để quy định cụ thể những thông tin của công dân ngay ở trong luật để đảm bảo rõ ràng, không nên quy định về “các thông tin khác” như trong dự thảo luật.
Về các chủ thể được khai thác thông tin, Điều 11 dự thảo luật quy định "các chủ thể được khai thác thông tin bao gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư".
Đại biểu cho rằng, các thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư rất rộng, trong đó có những thông tin liên quan đến đời sống riêng tư của công dân. Bên cạnh đó, mỗi cơ quan, tổ chức sẽ có chức năng, nhiệm vụ khác nhau, nên mục đích khai thác cũng như phạm vi khai thác sẽ không giống nhau. Tuy nhiên, trong dự thảo luật lại chỉ quy định về các chủ thể được khai thác thông tin mà lại không quy định về phạm vi thông tin từng chủ thể này được khai thác.
Vì vậy, đại biểu tỉnh Bắc Kạn đề nghị cần rà soát và quy định cụ thể ngay trong luật này về phạm vi thông tin mà từng chủ thể được khai thác theo nguyên tắc phải bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng chủ thể. Về việc giao cho Chính phủ quy định, đại biểu đề xuất chỉ nên giao Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục của quá trình thu thập, khai thác thông tin.
Cũng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Trần Văn Tuấn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang đề nghị bổ sung các quy định cụ thể về trách nhiệm, điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân khi kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước và những thông tin trong Hệ thống định danh và xác thực điện tử, được quy định tại các Điều 11, 17 và Điều 33 để tránh việc thông tin cá nhân có thể bị khai thác, sử dụng trái pháp luật.
Đại biểu Tuấn cho biết, theo quy định tại Điều 21 Hiến pháp năm 2013, Điều 38 của Bộ luật Dân sự năm 2015, bí mật đời tư của cá nhân cần được tôn trọng và bảo vệ. Tuy nhiên, qua nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan, như Luật Công nghệ thông tin, Luật An toàn thông tin mạng, còn có một số quy định chưa thực sự cụ thể.
Dự thảo luật lần này có những quy định rằng tổ chức, cá nhân có trách nhiệm kết nối, chia sẻ những thông tin để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, chia sẻ thông tin trong Hệ thống định danh và xác thực điện tử với rất nhiều thông tin cá nhân được cập nhật…
Tuy nhiên, dự thảo lại thiếu các quy định về trách nhiệm, điều kiện cụ thể đối với các tổ chức, cá nhân, kể cả đối với các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội khi kết nối, khai thác thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, Hệ thống định danh và xác thực điện tử.
Do đó, đại biểu cho rằng, đây có thể là kẽ hở dẫn đến việc tùy tiện trong việc kết nối, khai thác, sử dụng làm lộ, lọt thông tin, vi phạm bí mật đời tư của cá nhân. “Thực tế, có khá nhiều thông tin cá nhân có thể dễ dàng tra cứu trên mạng xã hội, vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cần phải tiếp tục nghiên cứu có quy định cụ thể về nội dung này”, đại biểu tỉnh Bắc Giang nêu ý kiến.