Đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia

Chu Khôi
Chia sẻ

Hội đồng lúa gạo quốc gia được thành lập sẽ tạo nên một thiết chế xử lý các vấn đề liên ngành, bao trùm để tư vấn, xử lý những vấn đề lớn của ngành hàng lúa gạo, đưa ra định hướng vì mục tiêu phát triển bền vững chung của cả ngành...

Cuộc họp giữa Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên về đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia.
Cuộc họp giữa Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên về đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia.

Chiều 6/8/2024, tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên về đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia. Cuộc họp có sự tham dự của đại diện các Bộ, ngành liên quan, các Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lúa gạo, các địa phương.

KHUNG PHÁP LÝ NGÀNH HÀNG LÚA GẠO: "CHIẾC ÁO ĐÃ CHẬT"

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định ngành hàng lúa gạo đóng vai quan trọng trong nền nông nghiệp Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong sản xuất và xuất khẩu lúa gạo, đặc biệt năm 2023 xuất khẩu tới 8,1 triệu tấn gạo, là mức cao nhất trong 16 năm qua. Trong 7 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo tăng 5,8% về lượng so với cùng kỳ năm trước (đạt 5,18 triệu tấn) và giá trị tăng đến 25,1% về kim ngạch (đạt 3,27 tỷ USD), giá xuất khẩu bình quân đạt 632,2 USD/tấn.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ rõ, các khung pháp lý hiện nay đối với ngành hàng lúa gạo như “chiếc áo đã chật”, đang bộc lộ nhiều vấn đề cần xem xét, sửa đổi, bổ sung khi chưa tạo ra được những động lực đủ mạnh và một môi trường thuận lợi cho người sản xuất và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo.

Bên cạnh đó, ngành lúa gạo cũng còn một số hạn chế, như sản xuất chưa theo quy hoạch dẫn đến dư thừa cục bộ ảnh hưởng đến người sản xuất; thu nhập người nông dân trồng lúa còn thấp, đời sống của một số bộ phận còn khó khăn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: "Rất cần một cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các Bộ, ngành, địa phương trong việc điều phối các hoạt động chung ngành lúa gạo".
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: "Rất cần một cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các Bộ, ngành, địa phương trong việc điều phối các hoạt động chung ngành lúa gạo".

Trong bối cảnh mới, ngành lúa gạo đứng trước nhiều thách thức như: biến đổi khí hậu, thị trường trong nước và thế giới diễn biến nhanh, xu thế tiêu dùng thay đổi, nhiều nguồn tài nguyên suy giảm, nhất là tài nguyên nước. Vì vậy, để hướng đến mục tiêu đa giá trị cho ngành hàng lúa gạo, rất cần một cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các Bộ, ngành, địa phương trong việc điều phối các hoạt động chung ngành lúa gạo bên cạnh sự quản lý chuyên ngành của các Bộ.

Đồng tình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động xuất khẩu gạo vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: sản xuất lúa gạo còn manh mún, công nghệ chưa tiên tiến. Xuất khẩu gạo còn phụ thuộc vào các thị trường truyền thống, chưa đa dạng hoá thị trường, gây ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả xuất khẩu. Doanh nghiệp chưa chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, còn khó khăn trong quá trình giao dịch.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: "Ngành lúa gạo vẫn thiếu một chiến lược".
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: "Ngành lúa gạo vẫn thiếu một chiến lược".

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ rõ, mặc dù đã có thương hiệu nhưng doanh nghiệp chưa sử dụng trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu, chưa tạo được thương hiệu sản phẩm gạo Việt Nam đối với người tiêu dùng nước ngoài.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, nguyên nhân chủ yếu nhất là ngành lúa gạo vẫn thiếu một chiến lược, hay nói cách khác là thiếu một chính sách phát triển ổn định, vững chắc, vẫn mang tính tự phát. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thiếu chuyên nghiệp, cạnh tranh không lành mạnh, hoặc không nắm giữ phát triển thị trường, củng cố thương hiệu; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và công tác kiểm tra giám sát, xử lý chưa tốt…

NÂNG CẤP ĐIỀU HÀNH LÊN TẦM CHÍNH PHỦ VÀ THIẾT CHẾ LIÊN BỘ

Thông tin tại buổi làm việc, ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo Tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách và hồ sơ liên quan về thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia. Ngày 1/8/2024, Bộ Công Thương đã có công văn số 5017/BCT-XNK gửi đến các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội để xin ý kiến trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách.

Theo ông Sơn, trong dự thảo, đề xuất thành viên Hội đồng bao gồm 1 Chủ tịch Hội đồng do Phó Thủ tướng Chính phủ đảm nhiệm; 2 Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Uỷ viên Hội đồng là đại diện lãnh đạo các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao; đại diện lãnh đạo UBND một số địa phương

Hội đồng có nhiệm vụ nghiên cứu đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý minh bạch, hiệu quả, đảm bảo ổn định và phát triển thị trường, thúc đẩy phát triển ngành hàng lúa gạo toàn diện, hiệu quả góp phần đảm bảo anh sinh xã hội và an ninh lương thực quốc gia, phát triển sản xuất, xuất khẩu hướng tới mục tiêu bền vững.

 

"Đề nghị Hội đồng lúa gạo quốc gia cần xem xét bổ sung về quản lý trong nhập khẩu gạo. Bởi, khối lượng nhập khẩu gạo tương đối lớn". 

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam.

Hội đồng sẽ nghiên cứu, tư vấn, khuyến nghị, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách thúc đẩy sự phát triển ngành lúa gạo.

Hội đồng lúa gạo cũng sẽ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và cơ quan, tổ chức liên quan trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành trong quá trình phát triển ngành lúa gạo. Đồng thời giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều phối, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án có tính liên ngành về lúa gạo.

Tại hội nghị, đại diện các cơ quan quản lý, Hiệp hội, doanh nghiệp đã đóng góp nhiều ý kiến, kiến nghị các giải pháp nhằm giúp đơn vị soạn thảo định hướng, xây dựng được nội dung bám sát diễn biến thị trường, nhu cầu thực tiễn của cộng đồng doanh nghiệp và người sản xuất.

Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho rằng trong bối cảnh mới, ngành hàng lúa gạo cần chiến lược tổng thể, cần tư vấn tầm chiến lược xử lý các vấn đề như: biến động thị trường chính sách các quốc gia, biến đổi khí hậu, biến đổi người tiêu dùng; tranh chấp thương mại, bảo hộ bản quyền; xu hướng mới trong phát triển…

“Cần thiết có một thiết chế xử lý các vấn đề liên ngành, bao trùm để tư vấn, xử lý những vấn đề lớn của ngành hàng lúa gạo, đưa ra định hướng vì mục tiêu phát triển bền vững chung của cả ngành. Trong thiết chế này, nhà nước không can thiệp sâu vào thị trường nhưng đảm bảo vai trò định hướng, điều tiết hoạt động, các hiệp hội ngành hàng, huy động hợp tác công tư để tạo thêm nguồn lực từ hợp tác quốc tế và nguồn lực xã hội hoá”, ông Thắng khuyến nghị.

Ở góc độ kinh nghiệm quốc tế, ông Trần Công Thắng cho biết tại các nước có các ngành hàng xuất khẩu chiến lược quy mô quốc gia và quốc tế như ngành cọ dầu ở Malaysia, ngành cà phê ở Brazil, ngành lúa gạo ở Thái Lan… bên cạnh các tổ chức của người sản xuất kinh doanh như các hiệp hội, nghiệp đoàn, liên hiệp hợp tác xã… còn có mô hình "Hội đồng ngành hàng" hay "Ban điều phối ngành hàng" ở cấp quốc gia.

“Đây là thể chế có sự gắn kết giữa các cơ quan bộ ngành của nhà nước với các tổ chức đại diện cho các tác nhân trong chuỗi giá trị (nông dân, đến người chế biến, người kinh doanh) và giữa các địa phương tham gia sản xuất. Cùng với đó là hỗ trợ giải quyết các vấn đề lớn, tổng thể của ngành, tư vấn cho lãnh đạo Chính phủ chương trình chính sách lớn”, ông Thắng nhấn mạnh.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con