Đề xuất tháo gỡ 620.000 m3 đất san lấp cho cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết
Thanh tra Chính phủ nhận thấy việc cho phép hạ cốt nền nhằm cải tạo đất nông nghiệp, thu hồi vật liệu san lấp để cung cấp cho dự án của Uỷ ban nhân dan tỉnh Đồng Nai cần được cấp thẩm quyền nghiên cứu, xem xét như một cơ chế đặc thù trong thời gian tới…
Thanh tra Chính phủ vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đồng thời kiến nghị Phó thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cho phép tiếp tục thu hồi vật liệu san lấp tại các khu vực cải tạo đất nông nghiệp đã phê duyệt, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cung cấp vật liệu san lấp cho dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết.
Tuần trước, Bộ Giao thông vận tải đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc gia hạn sử dụng vật liệu đất dôi dư thu hồi trong quá trình thực hiện hạ cốt nền, cải tạo đất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả cây trồng phục vụ thi công dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết.
Theo đó, Bộ Giao thông vận tải cho biết, nhu cầu đất đắp để hoàn thành dự án cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết cần khoảng 620.000 m3 so với trữ lượng còn lại khoảng 960.000 m3. Vì hiện nay chưa được (chính quyền tỉnh Đồng Nai) gia hạn khai thác nên hiện không có vật liệu đất để thi công; việc hoàn thành dự án vào ngày 30/4/2023 sắp tới, vì vậy sẽ không thực hiện được...
Lý do tỉnh Đồng Nai chưa chấp thuận cấp phép gia hạn là vì đang có cuộc thanh kiểm tra của Thanh tra Chính phủ tại địa phương về việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cho dự án giao thông quan trong quốc gia. Bộ Giao thông vận tải cho rằng, nếu tỉnh Đồng Nai đợi kết luận chính thức của Thanh tra Chính phủ mới xem xét việc gia hạn thì sẽ không kịp tiến độ dự án hoàn thành vào dịp 30/4 sắp tới.
Trên cơ sở kiến nghị của Bộ Giao thông vận tải, Thanh tra Chính phủ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đồng thời kiến nghị Thủ tướng, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà có ý kiến chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai như nội dung nếu trên.
Thanh tra Chính phủ cũng cho rằng: Trên cơ sở các cơ chế đặc thù, cần có các quy định cụ thể hơn nhằm bảo đảm hài hòa quyền lợi của người có đất (đối với tài sản trên đất, thời gian ngừng sản xuất) và cộng đồng dân cư khu vực có vật liệu san lấp cần thu hồi (đường giao thông, an ninh trật tự, môi trường,…), của đơn vị thi công, tránh thất thu ngân sách nhà nước (quy định về giá vật liệu san lấp, tỷ lệ thu tiền cấp quyền,…). Đồng thời nhằm bảo đảm được các quy định về bảo vệ môi trường.
Dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc Nam phía đông, dài 99 km đi qua địa phận hai tỉnh Bình Thuận (48 km) và Đồng Nai (51 km), được khởi công cuối tháng 9/2020. Dự án được thông xe kỹ thuật vào ngày 31/12/2022 và theo kế hoạch thì sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác vào trước 30/4/2023.
Theo tính toán của Bộ Giao thông vận tải, tổng trữ lượng đất vật liệu san lấp, đắp nền được cấp phép khai thác tại các vị trí thuộc dự án cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết vào khoảng 2,1 triệu m3. Việc cấp phép khai thác được thực hiện dưới hình thức lập hồ sơ cải tạo hạ cốt nền, cải tạo đất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả cây trồng, và vật liệu đất dôi dư trong quá trình thực hiện được thu hồi để sử dụng cho dự án. Thời hạn việc cấp phép này đến ngày 31/12/2022.
Đến nay, tại các vị trí được cấp phép nhưng đã hết hạn nói trên, còn khoảng 960.000 m3 đất. Để tiếp tục thi công và hoàn thành theo đúng tiến độ, dự án cần khoảng 620.000 m3 trong tổng số 960.000 m3 trữ lượng còn lại.
Chính phủ đã có Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 và Nghị quyết số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 nhằm giải quyết các khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp cho dự án, bên cạnh thực hiện các thủ tục cấp phép các mỏ đất cho dự án theo cơ chế đặc thù. Trên cơ sở các nghị quyết này, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã cấp phép cho chủ đầu tư 5 vị trí khai thác theo hình thức lập hồ sơ cải tạo hạ cốt nền, cải tạo đất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả cây trồng.