Doanh thu du lịch 6 tháng đầu năm đến từ những thị trường khách quốc tế nào?
Trong tháng 6/2023, Việt Nam đón 975.000 lượt khách quốc tế, tăng 6,4% so với tháng 5. Tính chung 6 tháng đầu năm, ngành du lịch phục vụ 5,57 triệu lượt khách quốc tế, đạt khoảng 69% kế hoạch năm 2023 và bằng khoảng 66% cùng kì năm 2019...
Phát biểu về tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2023, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu dự báo thị trường khách du lịch quốc tế nói chung còn nhiều dư địa để tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, nhất là vào mùa cao điểm cuối năm. Ông Hà Văn Siêu đánh giá, động lực lớn để hút khách quốc tế là các chính sách tạo thuận lợi về thị thực và xuất nhập cảnh chính thức có hiệu lực từ ngày 15/8. Do đó, khả năng cao ngành du lịch sẽ đạt và có thể vượt mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế năm nay.
NHIỀU ĐỊA PHƯƠNG CÓ DOANH THU DU LỊCH TRÊN 10.000 TỶ ĐỒNG
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm, du lịch Việt Nam ước đạt 5,57 triệu lượt khách quốc tế, 64 triệu lượt khách nội địa và tổng thu từ khách du lịch 6 tháng đầu năm ước đạt 343,1 nghìn tỷ đồng.
Nếu tính theo địa phương, TP.HCM dẫn đầu về doanh thu du lịch, đạt 80.833 tỷ đồng. Là trung tâm du lịch lớn, trong 6 tháng đầu năm 2023, TP.HCM đã đón hơn 16,415 triệu lượt khách nội địa, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2022. Lượng khách quốc tế ước đạt hơn 1,941 triệu lượt, tăng 306% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu tăng 62,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Sau TP.HCM là Hà Nội với doanh thu đạt 44.880 tỷ đồng. Sở Du lịch Hà Nội thông tin, trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 12,33 triệu lượt, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách du lịch quốc tế đạt 2,03 triệu lượt, tăng 7 lần so với cùng kỳ năm 2022. Khách du lịch nội địa đạt 10,3 triệu lượt, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2022. Lượng khách du lịch tăng mạnh kéo theo tổng thu từ khách du lịch ước đạt 44.900 tỷ đồng, tăng 74,4% với cùng kỳ năm trước.
Trong 6 tháng đầu năm, Quảng Ninh đón 8,86 triệu lượt du khách, tăng 61% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 16.660 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm trước. Để có được sự bứt phá về du lịch sau đại dịch, thời gian qua Quảng Ninh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ đầu tư cơ sở, hạ tầng, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch đến quảng bá, xúc tiến du lịch, đảm bảo hoàn thành mục tiêu đón 15 triệu lượt du khách trong năm 2023.
Tiếp đến là Thanh Hóa, với 6 tháng đầu năm 2023 ước đón khoảng hơn 8,3 triệu lượt khách du lịch, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2022, với tổng thu từ du lịch ước đạt hơn 15.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng thành phố biển Sầm Sơn đón hơn 5,3 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt hơn 9.100 tỷ đồng. Du lịch Khánh Hòa cũng đang trên đà phục hồi rất tốt. Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã đón 2,78 triệu lượt khách lưu trú, trong đó, có hơn 780.000 lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu du lịch ước đạt gần 12.567 tỷ đồng, tăng 126,2 % so với cùng kỳ.
Một số địa phương trong top có doanh thu cao tiếp theo là Nghệ An 11.491 tỷ đồng; Bình Thuận 11.348 tỷ đồng Lào Cai với 10.813 tỷ đồng; Đà Nẵng đạt 10.618 tỷ đồng… Một số các địa phương khác đạt mức doanh thu khá, bao gồm: An Giang (3.900 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ); Ninh Bình (3.846 tỷ đồng, tăng 2,94 lần so với cùng kỳ); Thừa Thiên - Huế (3.500 tỷ đồng); Quảng Bình (2.506 tỷ đồng, tăng 3,6 lần so với cùng kỳ)…
5 THỊ TRƯỜNG KHÁCH QUỐC TẾ ĐÃ PHỤC HỒI SO VỚI NĂM 2019
Về mức độ phục hồi so trước dịch, 5 thị trường đã vượt mức 6 tháng đầu năm 2019 là Campuchia (338%), Ấn Độ (236%), Lào (117%), Thái Lan (108%) và Singapore (hơn 107%), theo dữ liệu từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam. Ngoài ra, còn có , 2 thị trường phục hồi gần về mức 2019 là Mỹ (95%) và Australia (92%). Một số thị trường khác cũng phục hồi ở mức cao là Hàn Quốc (77%), Anh (gần 79%), Đức (84%)…
Trong 10 thị trường khách quốc tế đến Việt Nam nhiều nhất trong nửa đầu năm nay, Hàn Quốc tiếp tục đứng đầu với hơn 1,6 triệu lượt, chiếm 28% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Trung Quốc xếp thứ hai (557.000 lượt), Mỹ thứ ba (374.000). Riêng trong tháng 6, Mỹ có mức tăng trưởng tốt nhất trong các thị trường, tăng 52% so với tháng 5.
Trong top 10 thị trường hàng đầu, các thị trường ở Đông Bắc Á chiếm nhiều nhất với bốn thị trường: Hàn, Trung, Đài Loan (322.000), Nhật Bản (241.000). Đông Nam Á có ba đại diện vào top là Thái Lan (266.000), Malaysia (232.000), Campuchia (198.000). Australia xếp thứ 9 với 185.000 lượt và thứ 10 là Ấn Độ. Tại thị trường châu Âu, những nước có lượng khách đến Việt Nam nhiều nhất dù không nằm top 10 là Anh (gần 130.000 lượt), Pháp (gần 106.000) và Đức (99.200). Thị trường khách Nga đạt 62.000 lượt trong sáu tháng đầu năm, bằng 17% trước dịch.
Trong tháng 6, du lịch Việt cũng đón nhận nhiều tin vui khi 103 nhà hàng, quán ăn của Việt Nam được Michelin Guide vinh danh trên bản đồ ẩm thực thế giới, trong đó có 4 quán ăn dành 1 sao Michelin. Ngoài ra, chuyên trang du lịch The Travel của Canada cũng đã lựa chọn Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia lý tưởng hàng đầu có giá cả phải chăng để làm việc từ xa trên toàn thế giới.
Nhằm thu hút du khách quốc tế, ngày 24/6, Quốc hội đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó thời hạn visa đã được kéo dài từ 30 lên 90 ngày, thời hạn tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực cũng được nâng từ 15 lên 45 ngày.
Việc Quốc hội kéo dài thời gian visa đã tạo cơ hội cho ngành du lịch thu hút khách quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn, lưu trú dài ngày hơn và chi tiêu nhiều hơn hoàn thành vượt mức mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế năm 2023.
Theo dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng du lịch Destination Insights của Google, từ đầu năm tới nay, lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam liên tục tăng trưởng trong Top đầu thế giới. Từ vị trí thứ 11 lên thứ 6, Việt Nam là điểm đến duy nhất trong Đông Nam Á nằm ở nhóm này.