Dòng tiền cải thiện, thị trường vẫn chưa thoát được thế giằng co
VN-Index có tới 3 lần trong sáng nay “đánh võng” xuống dưới hoặc sát mức tham chiếu do ảnh hưởng của các cổ phiếu trụ. Nhịp tăng cuối phiên đã có thêm tín hiệu khởi sắc nhưng độ rộng vẫn chưa thể hiện sự áp đảo rõ ràng ở nhóm cổ phiếu tăng giá. Dù lại thanh khoản bắt đầu có dấu hiệu tăng tốt hơn...
VN-Index có tới 3 lần trong sáng nay “đánh võng” xuống dưới hoặc sát mức tham chiếu do ảnh hưởng của các cổ phiếu trụ. Nhịp tăng cuối phiên đã có thêm tín hiệu khởi sắc nhưng độ rộng vẫn chưa thể hiện sự áp đảo rõ ràng ở nhóm cổ phiếu tăng giá. Dù lại thanh khoản bắt đầu có dấu hiệu tăng tốt hơn.
Các trụ lớn kém đồng thuận là lý do chính khiến chỉ số đại diện thị trường dù tăng nhưng không bứt phá. VN-Index chốt buổi sáng mới có được 3,74 điểm tương đương +0,31%. VN30-Index thậm chí kém hơn rất nhiều, tăng 0,1% và chỉ mới vượt được tham chiếu trong khoảng 10 phút cuối.
Trong 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất có khả năng dẫn dắt chỉ số, cũng có 6 mã tăng, thậm chí 4 mã hàng đầu cũng tăng, nhưng VCB khá yếu +0,57%, BID +0,64%. Hai trụ rất lớn là VHM giảm 1,34%, VIC giảm 1,09% đã triệt tiêu hết. Quá nửa mức tăng của VN-Index sáng nay là nhờ FPT tăng 2,13%, GAS tăng 1,72%. VN30-Index gần như cân bằng với 13 mã tăng/13 mã giảm và sự khác biệt đến từ trọng số của FPT so với mức giảm nhẹ 0,83% của VPB.
Sau phiên tăng mạnh cuối tuần qua, mạch tâm lý hưng phấn có vẻ chững lại. Diễn biến độ rộng sàn HoSE cho thấy cả phiên sáng chưa lúc nào bên tăng giá có thể áp đảo. Sự cân bằng ở độ rộng phản ánh đúng tình trạng giằng co của VN-Index. Dù cuối phiên có sự cải thiện tích cực hơn nhưng cũng không có cổ phiếu dẫn dắt thật sự bứt phá. FPT, GAS là hai mã hàng đầu kéo điểm thì cũng không chốt ở giá cao nhất. PLX, SAB là hai blue-chips tăng có đà nhất và hai mã duy nhất tạm dừng ở mức đỉnh phiên sáng, PLX đang tăng 3,75%, SAB tăng 1,49%. Tuy nhiên sức ảnh hưởng của hai mã này khá hạn chế.
Mở rộng ra cả sàn HoSE, sự phân hóa cũng thể hiện rõ cả ở số lượng lẫn biên độ: Sàn này chốt phiên sáng với 193 mã tăng/185 mã giảm nhưng phía tăng cũng chỉ có 67 mã tăng được hơn 1%, phía giảm có 55 mã giảm hơn 1%. Không có nhóm cổ phiếu nào đủ sức tăng vượt trội, thậm chí ngay trong từng nhóm ngành cũng phân hóa nhiều. Cổ phiếu ngân hàng là ví dụ, chỉ 11/27 mã đang xanh. Chứng khoán cũng quá nửa nhóm là đỏ. Bất động sản có một vài mã như NBB, VCG, HDG khá mạnh thì số nhiều hơn giảm sâu như DIG, LDG, QCG, NTL, PDR, DXG, VHM, VIC…
Điểm tích cực là sức mạnh dòng tiền vẫn đang tập trung nhỉnh hơn ở phía tăng giá. Nhóm tăng trên 1% như đề cập ở trên đang chiếm khoảng 31,2% tổng giá trị khớp lệnh sàn HoSE, trong khi nhóm giảm trên 1% chiếm khoảng 17,1%. Tổng giao dịch của nhóm tăng giá cũng đóng góp khoảng 59,7% giá trị sàn, dù đại đa số là có mức tăng rất nhẹ dưới 1%. Thanh khoản HoSE sáng nay cũng tăng 22% so với sáng phiên trước, đạt trên 5.517 tỷ đồng.
Mức gia tăng thanh khoản này về con số tương đối thì lớn, nhưng ở mức tuyệt đối lại không cao. Trung bình tuần trước các phiên sáng HoSE khớp khoảng 5.741 tỷ đồng/ngày. Điều này cho thấy dòng tiền mới ở mức độ cải thiện từng phiên chứ chưa có sự đột biến nào.
Dòng tiền hạn chế nên các cổ phiếu tăng giá tốt nhất sáng nay chủ đạo là các mã vừa tới nhỏ. Ngoài CSV kịch trần với thanh khoản 119,5 tỷ, số ít mã khác có giao dịch lớn như HHV tăng 4,13% với 39,8 tỷ; VOS tăng 3,87% với 16,3 tỷ; HAX tăng 2,88% với 10,9 tỷ; MSB tăng 2,84% với 43,5 tỷ; SKG tăng 2,72% với 12,6 tỷ; BFC tăng 2,62% với 24,6 tỷ; CMG tăng 2,56% với 22 tỷ; DGC tăng 2,44% với 192,7 tỷ…
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay bán ròng 179,8 tỷ đồng trên HoSE nhưng vẫn chỉ tập trung vào thỏa thuận JVC -241,7 tỷ đồng. 5 cổ phiếu khác bị bán ròng quanh 20-30 tỷ là HPG, DGC, MSN, VPB và HDB. Phía mua ròng cũng có hai mã đáng chú ý là FPT +97,2 tỷ và MWG +91,4 tỷ.