Dự kiến phân bổ hạn ngạch phát thải sớm cho hơn 100 cơ sở thuộc 3 lĩnh vực phát thải lớn
Giai đoạn đầu trong lộ trình phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính, Bộ Tài nguyên Môi trường dự kiến sẽ phân bổ hạn ngạch cho hơn 100 cơ sở có mức phát thải lớn thuộc 03 lĩnh vực: nhiệt điện, sắt thép, xi măng...
Đây là 3 lĩnh vực đang chiếm khoảng 45% tổng phát thải của các cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính...
Nội dung này này được Cục Trưởng Cục Biến đổi Khí hậu - Bộ Tài nguyên Môi trường ông Tăng Thế Cường, thông tin tại buổi họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập mở rộng lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022-CP và Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT diễn ra vào chiều qua (12/6) do Bộ Tài nguyên Môi trường chủ trì tổ chức.
Thông tin về các nội dung chính sẽ bổ sung, chỉnh sửa tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 06 (gọi tắt là Dự thảo Nghị định 06 sửa đổi) để đưa ra lấy ý kiến đóng góp lần này, đại diện Ban soạn thảo (BST) - ông Tăng Thế Cường cho hay, Dự thảo Nghị định 06 sửa đổi lần này sẽ bổ sung quy định về lộ trình phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính.
“Trong Quyết định 01/QĐ- TTg Ban hành Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê KNK thì danh mục các cơ sở phải kiểm kê KNK rất rộng”.
Cụ thể, trong Quyết định 01 chỉ riêng lĩnh vực, cơ sở xây dựng phải thực hiện kiểm kê phát thải KNK đã có 104 cơ sở sẽ được phân bổ hạn ngạch phát thải KNK cho giai đoạn 2026-2030. Tuy nhiên, hiện nay một số cơ sở vẫn chưa cung cấp số liệu chi tiết để có căn cứ phân bổ hạn ngạch phát thải KNK.
Nghị định 06 cũng đang giao cho cơ quan chuyên môn có liên quan cấp tỉnh thuộc Ủy ban Nhân dân (Sở Công thương, Tài nguyên Môi trường, Nông Nghiệp và phát triển Nông thôn…) thẩm định kết quả kiểm kê KNK cho toàn bộ cơ sở trên địa bàn.
Trong khi đó theo kinh nghiệm của các quốc gia đã vận hành thị trường carbon, trong giai đoạn đầu Chính phủ chỉ phân bổ hạn ngạch cho những lĩnh vực phát thải lớn. Ngoài ra, từ 1/10/2023 Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) để kiểm soát phát thải KNK và áp dụng mức thuế carbon đối với các mặt hàng nhập khẩu vào EU gồm: sắt thép, nhôm, xi măng, điện, hydro, phân bón. Hoa Kỳ cũng có kế hoạch áp dụng cơ chế CBAM đối với 08 mặt hàng có liên quan đến xuất khẩu của Việt Nam.
“Quan điểm của BST cho rằng, giai đoạn ban đầu chúng ta chỉ nên phân bổ hạn ngạch cho số ít thôi”, ông Cường khẳng định.
“Do đó, Dự thảo sửa đổi Nghị định 06 dự kiến trong giai đoạn đầu sẽ phân bổ hạn ngạch cho các cơ sở có mức phát thải lớn thuộc 03 lĩnh vực: nhiệt điện, sản xuất sắt thép, sản xuất xi măng. Dự kiến sẽ chọn ra từ 100 – 150 cơ sở được phân bổ hạn ngạch trong giai đoạn đầu, chiếm khoảng 45% tổng phát thải KNK của các cơ sở phải thực hiện kiểm kê KNK.”
Tán đồng với quan điểm việc thực hiện phân bổ hạn ngạch phát thải KNK cần có lộ trình, song đại diện Tổng Công ty Điện lực Dầu khí vẫn băn khoăn về tiêu chí lựa chọn danh mục các cơ sở trong giai đoạn đầu cấp hạn ngạch. “Ngoài 3 lĩnh vực phát thải lớn đã nêu trên thì tiêu chí lựa chọn danh sách hơn 100 đơn vị trong giai đoạn đầu được đầu cấp hạn ngạch là gì? Vì theo thực tế tìm hiểu của chúng tôi thì số lượng cơ sở thuộc 3 lĩnh vực đó lớn hơn con số hơn 100 kia rất nhiều lần, vậy còn tiêu chí cụ thể nào để chọn ra con số hơn 100 cơ sở thực hiện giai đoạn đầu nữa không?”, vị đại diện này nói.
“Và chúng tôi cũng muốn biết là sau đó thì sẽ mở rộng danh sách này như thế nào để doanh nghiệp biết trước đơn vị sản xuất nào của mình sẽ thuộc danh sách cơ sở cần thực hiện để chủ động chuẩn bị.”
Giải đáp băn khoăn, đề xuất trên của doanh nghiệp, Cục trưởng Tăng Thế Cường cho hay: “Về các nội dung tiêu chí lựa chọn cơ sở để đưa vào danh sách phân bổ hạn ngạch sớm, trước hết đây là các cơ sở thuộc các lĩnh vực sẽ chịu tác động nhiều nhất của CBAM, thứ 2 là những doanh nghiệp nào lớn nhất, phát thải nhiều nhất và thứ 3 là những doanh nghiệp sẵn sàng thắt lưng và giày đi ra quốc tế”.
“Đây là những doanh nghiệp là cần ưu tiên phân bổ hạn ngạch trước. Trên cơ sở đó cơ quan chức năng mới rà soát tổng lượng phát thải, “khám sức khỏe” rồi vấn đề này vấn đề khác, ở đây còn là vấn đề năng lực thuộc từng doanh nghiệp. Mỗi cơ sở được lựa chọn đều có lý do để đưa vào trong lộ trình thực hiện giảm phát thải”, ông Cường khẳng định.
Cũng cho ý kiến về danh sách hơn 100 cơ sở được phân bố hạn ngạch giảm phát thải KNK sớm, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN đề nghị BST cần có lộ trình áp dụng thí điểm về quy định phân bổ hạn ngạch này trước khi thực hiện kiểm kê với các lĩnh vực được lựa chọn. Đồng thời đề nghị BST cũng làm rõ thông tin tiêu chí danh mục lựa chọn được phân bổ hạn ngạch trước và sớm công bố danh sách này để EVN và các cơ sở được chọn có sự chuẩn bị tốt nhất.