Du lịch Hà Nội muốn thu hút du khách nhờ số hóa

Tường Bách
Chia sẻ

Từ thành công bước đầu, Sở Du lịch Hà Nội có kế hoạch triển khai số hóa các điểm đến du lịch trong hệ thống giới thiệu du lịch chung bằng giao diện ảnh 360, 3D, flycam, công nghệ thực tế ảo...

Ảnh: iMuseum VFA
Ảnh: iMuseum VFA

Sở Du lịch Hà Nội vừa có Kế hoạch số 29/KH-SDL triển khai các hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố năm 2023. Theo đó, Hà Nội sẽ liên kết phát huy tài nguyên và nguồn lực của địa phương để phát triển sản phẩm liên kết vùng, phát triển thị trường du lịch MICE, sản phẩm du lịch đô thị, biển đảo, chăm sóc sức khỏe, du lịch giáo dục…

NGOÀI TOUR TUYẾN MỚI CÒN CẦN CHUYỂN ĐỔI SỐ

Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng thông tin, thời gian qua, Hội và Câu lạc bộ du lịch bền vững Vgreen phối hợp với các tỉnh, thành xây dựng nhiều sản phẩm mới. Đáng chú ý là chùm sản phẩm dành cho Hà Nội với điểm nhấn tour Caravan đến làng cổ Đường Lâm, tour khám phá kiến trúc Đông Dương tại khu vực phố cổ Hà Nội. Bên cạnh đó, Hội cũng triển khai nhiều tour liên kết đạt hiệu quả, như sản phẩm du lịch Caravan đi 6 tỉnh Tây Bắc.

Ngành du lịch Hà Nội cũng đã phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố hình thành các tuyến du lịch, như Hà Nội - Lai Châu - Hà Giang; Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La… Các sản phẩm trọng tâm của liên kết vùng sẽ là du lịch đường thủy, nông nghiệp, di sản văn hóa. Hà Nội cũng chú trọng việc phát triển trục du lịch tâm linh Chùa Hương (Hà Nội) - Tam Chúc (Hà Nam) - Bái Đính (Ninh Bình); từ đó tạo được sản phẩm thế mạnh trong mùa lễ hội năm 2023.

Theo các chuyên gia du lịch, để thu hút du khách bên cạnh việc xây dựng tour, tuyến mới còn đòi hỏi ngành du lịch thủ đô đẩy mạnh số hóa, qua đó nâng cao hiệu quả quảng bá sản phẩm. Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Lê Thanh Thảo nhấn mạnh, việc đầu tư ứng dụng công nghệ để nâng cấp chất lượng dịch vụ cần phải thực hiện bài bản, thường xuyên, chứ không chỉ là những sản phẩm mang tính nhất thời. Do đó, ngành Du lịch Thủ đô xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển du lịch chuyên nghiệp và chất lượng hơn.

Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết, chuyển đổi số là đòn bẩy khách quan tới tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. “Văn Miếu đã thực hiện số hoá một số nội dung, giá trị 40 hạng mục của di tích, để mã hoá thành các QR code cho khách tham quan tìm hiểu. Ngoài ra Văn Miếu đã triển khai thiết bị thuyết minh tự động (Audio Guide) bằng 12 ngôn ngữ”, ông Lê Xuân Kiêu nêu ví dụ.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã sử dụng vé vào cửa thông minh dành cho du khách.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã sử dụng vé vào cửa thông minh dành cho du khách.

Tương tự, thời gian qua, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã và đang tích cực ứng dụng công nghệ số trong giới thiệu các tác phẩm mỹ thuật. Ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA là một trong những nỗ lực bước đầu của bảo tàng, trong việc giới thiệu các tác phẩm mỹ thuật phục vụ khách tham quan và phát huy hiện vật bảo tàng trên môi trường số.

Thông tin về việc chuyển đổi số phục vụ du khách, Trưởng ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò Nguyễn Thị Bích Thủy thông tin, đơn vị đã phối hợp với Công ty Lữ hành Hanoitourist để quảng bá sản phẩm tour đêm trên website của các doanh nghiệp, mạng xã hội Facebook, Zalo. "Việc chuyển đổi số là một trong những giải pháp quan trọng để đơn vị liên kết với doanh nghiệp du lịch xây dựng tour thu hút du khách đến với Hà Nội", bà Thủy nhấn mạnh.

Tại Hoàng thành Thăng Long, ban quản lý cho áp dụng mã QR để du khách tra cứu thông tin về khu di tích, bên cạnh phần mềm kiểm soát vé và quản lý khách tự động để nâng cao công tác quản lý. Làng gốm Bát Tràng ở huyện Gia Lâm thì sử dụng công nghệ thực tế ảo (VR) để giúp du khách hòa mình vào lễ hội thủ công mỹ nghệ của làng...

“MẢNH ĐẤT MÀU MỠ” ĐỂ TĂNG DOANH THU

Nói về việc du lịch Hà Nội đẩy mạnh chuyển đổi số các điểm du lịch, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, hiện Hà Nội đã liên kết, thống nhất hệ thống dữ liệu cho hơn 300 điểm du lịch trên địa bàn. Các di tích, điểm đến cũng được số hóa để du khách dễ dàng tìm hiểu về điểm tham quan trước mỗi chuyến đi, đồng thời chuẩn hóa các nội dung thuyết minh tự động bằng 6 ngôn ngữ: Việt, Anh, Pháp, Trung, Nhật, Hàn.

Di tích Nhà tù Hỏa Lò sử dụng hệ thống thuyết minh tự động đa dạng ngôn ngữ để phục vụ du khách.
Di tích Nhà tù Hỏa Lò sử dụng hệ thống thuyết minh tự động đa dạng ngôn ngữ để phục vụ du khách.

“Nhờ áp dụng công nghệ số hóa, các doanh nghiệp du lịch có thể tiếp cận đối tượng khách hàng tiềm năng, thử sức với những dịch vụ mới liên quan và giải đáp bài toán về nhân lực, chi phí vận hành, tiết kiệm thời gian”, ông Trần Trung Hiếu nêu rõ.

Từ góc độ doanh nghiệp kết nối sản phẩm du lịch, ông Lê Hồng Thái, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist, cho biết: "Chúng ta cần xây dựng và làm mới cho bằng được các sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn và có lợi thế so sánh để phục vụ du khách dựa trên các thị trường trọng điểm. Phải tiếp tục thúc đẩy triển khai số hóa các điểm đến bằng giao diện ảnh 360, 3D, công nghệ thực tế ảo; triển khai vé điện tử... đồng thời tổ chức nhiều hoạt động du lịch, dịch vụ về đêm để thu hút, kéo dài thời gian lưu trú của khách".

Bà Huỳnh Thị Mai Thy, Giám đốc Traveloka Việt Nam cho rằng, với dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch Việt Nam trong những tháng gần đây, chuyển đổi số là bước tiến tất yếu của du lịch nước nhà, cụ thể là thông qua hình thức du lịch không chạm và du lịch thông minh. “Đây chính là mảnh đất màu mỡ mà những doanh nghiệp còn trụ vững qua mùa dịch, công ty lữ hành, cơ sở lưu trú... có thể “khai phá” để tìm cơ hội tăng doanh thu”, bà Mai Thy bày tỏ.

Tại Hoàng thành Thăng Long, ban quản lý cho áp dụng mã QR để du khách tra cứu thông tin về khu di tích.
Tại Hoàng thành Thăng Long, ban quản lý cho áp dụng mã QR để du khách tra cứu thông tin về khu di tích.

Tuy nhiên thực tế cho thấy, để thực hiện số hóa hoàn toàn các dữ liệu du lịch không đơn giản, bởi sản phẩm du lịch được hợp thành bởi một chuỗi cung ứng dịch vụ từ khách sạn, nhà hàng, điểm tham quan… Theo các doanh nghiệp, việc số hóa sẽ dẫn tới tái cấu trúc doanh nghiệp, quy trình kinh doanh. Và sự thay đổi này không phải đơn vị nào cũng sẵn sàng tâm thế, đủ năng lực thực hiện. Do đó, các cơ quan quản lý cần có những chính sách kiến tạo môi trường để doanh nghiệp có đủ thời gian tích luỹ nguồn lực, đổi mới công nghệ.

Đó là chưa kể, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có nội dung văn hóa sâu sắc và có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều ngành khác như: an ninh, vận tải, y tế, thương mại… Do đó, việc chuyển đổi số hóa các dữ liệu du lịch đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ và lâu dài của nhiều thành phần dựa trên nền tảng công nghệ mạnh và thống nhất. 

Bên cạnh đó, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 vừa được tổ chức, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nêu rõ, du khách trước hành trình du lịch thường bắt đầu bằng việc tìm kiếm thông tin điểm đến, vì vậy việc xây dựng, vận hành website mang tầm quốc gia cung cấp thông tin cho du khách, đồng thời làm kênh hỗ trợ du khách về tất cả các vấn đề liên quan một cách chuyên nghiệp là cần thiết.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con