Du lịch TP.HCM chờ cú huých từ Nghị quyết 98
Sở Du lịch TP.HCM đã soạn thảo kế hoạch triển khai Nghị quyết 98 và kỳ vọng sẽ tạo ra bước phát triển mới cho ngành du lịch thành phố…
Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nói chung và TP.HCM nói riêng. Ngành du lịch cũng tạo động lực thúc đẩy phát triển của các ngành kinh tế khác, bởi du lịch là một ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp.
Nhằm đẩy lùi khó khăn sau thời gian dài bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, các mô hình hợp tác đầu tư bền vững trong ngành du lịch được đưa ra tại hội nghị “Đối thoại giữa doanh nghiệp ngành du lịch và chính quyền địa phương”, do Sở Du lịch TP.HCM phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức mới đây.
Theo đó, đại diện các doanh nghiệp du lịch đề cập đến vấn đề về phát huy lợi thế, tiềm năng du lịch đường sông kết nối giữa TP.HCM và các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực này nhưng không được thông tin về định hướng và kế hoạch quy hoạch, phát triển du lịch cụ thể từ năm 2023 đến năm 2030, cũng như liên quan đến hạ tầng đường sông, tàu bè bến cảng, các công trình kết nối, các dịch vụ tiện ích đi kèm và vấn đề an ninh trật tự tại các khu vực trên.
Cụ thể, đại diện Công ty TSTtourist, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông và marketing đơn vị này cho biết các doanh nghiệp lữ hành rất quan tâm đến việc thúc đẩy những sản phẩm trọng điểm như: du lịch hội nghị, du lịch đường thủy, du lịch y tế - chăm sóc sức khỏe, du lịch lễ hội, và du lịch cộng đồng. Như vậy, trong các cơ chế và chính sách đặc thù được nêu trong Nghị quyết 98/2023 về phát triển thành phố và ngành du lịch có những hỗ trợ gì?
Trả lời về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Trưởng Phòng Quy hoạch phát triển tài nguyên du lịch, Sở Du lịch TP.HCM, cho rằng Nghị quyết 98 và những cơ chế đặc thù trong đó ưu tiên thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt là các dự án liên quan đến văn hóa, thể thao và các sản phẩm du lịch đặc trưng.
“Đặc biệt, Nghị quyết 98 cho TP.HCM quyền điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất dưới 500 ha. Điều này mở đường cho việc kêu gọi đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch sinh thái nông nghiệp, nơi đang có nhiều khó khăn về đất nông nghiệp khi chuyển đổi thành đất du lịch”, bà Thảo nhấn mạnh.
Hiện tại, Sở Du lịch TP.HCM đã soạn thảo kế hoạch triển khai Nghị quyết 98 và sẽ trình UBND thành phố trong tháng 9/2023, kết hợp với Nghị quyết 82/NQ-CP của Chính phủ. Những nỗ lực này được kỳ vọng sẽ tạo ra bước phát triển mới cho ngành du lịch thành phố.
Các doanh nghiệp cũng đang gặp khó khăn liên quan đến phòng cháy chữa cháy (PCCC), trong đó việc thực hiện nghiệm thu PCCC theo quy định mới đang rất vướng. Cụ thể, ông Thái Doãn Hồng, Công ty cổ phần Du lịch Công đoàn TP.HCM, cho biết một số khách sạn phải đầu tư lớn để cập nhật hệ thống PCCC theo quy định mới, và đây đang là khó khăn lớn đối với các doanh nghiệp trong bối cảnh ngành du lịch vẫn đang gặp khó khăn về lưu lượng khách.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đề cập đến các vấn đề định hướng phát triển điểm đến du lịch tại các làng nghề truyền thống, thủ công, các mô hình nông nghiệp xanh, bền vững; các quy định, cơ chế giúp doanh nghiệp hỗ trợ mở rộng chính sách visa cho khách du lịch đến Việt Nam; có các quy định hay chính sách ưu đãi về thuế quan cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch hay không, nhất là các doanh nghiệp thực hiện các loại hình du lịch sinh thái, du lịch xanh kết hợp đặc sản vùng miền, sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc sắc của các địa phương…
Về các thắc mắc của doanh nghiệp, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch, cam kết phản hồi các vấn đề mà sở có thẩm quyền giải quyết ngay lập tức và tổng hợp kiến nghị liên quan đến các sở, ngành khác để báo cáo và giải quyết kịp thời, nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ngành du lịch.