Được "bơm" thêm hơn 16.000 tỷ đồng, tuyến metro số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo có về đúng hạn?

Ánh Tuyết
Chia sẻ

Khởi động cách đây gần 15 năm, nhưng dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, gần như "bất động". Dù được điều chỉnh và thực hiện đúng tiến độ, dự án dự định đưa vào sử dụng vào năm 2027, là bất khả thi...

Phối cảnh một cửa lên của nhà ga C9 tuyến metro số 2 Hà Nội trên đường Đinh Tiên Hoàng.
Phối cảnh một cửa lên của nhà ga C9 tuyến metro số 2 Hà Nội trên đường Đinh Tiên Hoàng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có báo cáo về kết quả thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP. Hà Nội, tuyến 2 đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo do Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư.

LÙI TIẾN ĐỘ HOÀN THÀNH NĂM 2027

Theo báo cáo của cơ quan thẩm định, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục, UBND TP. Hà Nội phê duyệt dự án, nay điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư, phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư trước khi điều chỉnh dự án.

Việc quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình tự, thủ tục thực hiện theo quy định tại Điều 25 Luật Đầu tư công.

Trong quá trình thẩm định, 6 cơ quan bao gồm các Bộ: Xây dựng, Tài chính, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp thẩm định cho dự án metro số 2 Hà Nội, một trong những dự án đường sắt đô thị có tiến độ bê trễ nhất hiện nay.

 
"Từ năm 2017 đến nay, đã có những thay đổi nhất định về thể chế, giá, biến động tỷ giá… đề nghị UBND TP. Hà Nội căn cứ các quy định hiện hành để rà soát, cập nhật tổng mức đầu tư, nhằm hạn chế phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nhiều lần".
Bộ Giao thông vận tải  

Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và cũng là đơn vị đang làm chủ đầu tư nhiều công trình đường sắt đô thị, Bộ Giao thông vận tải  đưa ra hàng loạt khuyến nghị đối với dự án metro số 2 Hà Nội.

Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải bày tỏ quan ngại về đề xuất của UBND TP. Hà Nội đối với các mốc tiến độ triển khai. Kinh nghiệm triển khai các dự án đường sắt đô thị tại Việt Nam thời gian qua cho thấy, để hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư và triển khai, xây dựng, hoàn thành dự án trong năm 2027 là khó khả thi. Đề nghị UBND TP. Hà Nội rà soát cụ thể mốc tiến độ triển khai, đảm bảo phù hợp.  

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ 2009-2032, dự án được phê duyệt từ 2008, nếu được điều chỉnh và thực hiện đúng tiến độ để đưa vào sử dụng vào năm 2027, thời gian chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án quá dài, gần 20 năm.

Việc triển khai thực hiện dự án trong thời gian quá dài như vậy có ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô nói chung và hiệu quả đầu tư dự án nói riêng. Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND TP. Hà Nội cần rà soát nguyên nhân dẫn đến việc triển khai dự án chậm tiến độ, tránh việc tiếp tục chậm tiến độ, bảo đảm hiệu quả đầu tư dự án.

Ngoài ra, dự kiến, trên địa bàn Hà Nội và TP. HCM có một số tuyến đường sắt đô thị đi vào hoạt động, kinh nghiệm vận hành, khai thác đường sắt đô thị trong nước đã có những cải thiện nhất định. Vì vậy, cần xem xét rút ngắn thời gian đào tạo vận hành, nhằm giảm chi phí đầu tư của dự án.

“Đây là tuyến đường sắt đô thị đi qua nhiều khu vực trung tâm thành phố, có khối lượng giải phóng mặt bằng lớn, phức tạp. Để giảm thiểu khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, UBND TP. Hà Nội cần rà soát quy định hiện hành để sớm triển khai công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư đáp ứng tiến độ dự án”, Bộ Giao thông vận tải nêu quan điểm.

ĐỘI VỐN 16.000 TỶ ĐỒNG

Được biết, dự án metro số 2 Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương vào tháng 1/2008. Ngày 13/11/2008, UBND TP. Hà Nội có Quyết định số 2054/QĐ-UBND phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, với tổng mức đầu tư 19.555 tỷ đồng, tương đương 131.023 triệu JPY.

Sau đó, năm 2012, dự án này đã từng được UBND TP. Hà Nội đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư là 51.750 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên cơ sở ý kiến thẩm tra của tư vấn độc lập, vào tháng 7/2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị UBND TP. Hà Nội điều chỉnh dự án với tổng mức đầu tư không quá 30.069 tỷ đồng.

Sau khi rà soát, tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, gần nhất, ngày 9/3/2018, UBND TP. Hà Nội có tờ trình số 19/TTr-UBND đề nghị điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án từ 19.555 tỷ đồng thành 35.679 tỷ đồng tương đương 195.365 triệu JPY. Trong đó, vốn vay ODA là 164.762 triệu JPY, vốn đối ứng là 5.549 tỷ đồng. Như vậy, dự án được điều chỉnh tăng thêm 16.123 tỷ đồng.

Về cơ chế tài chính trong nước, UBND TP. Hà Nội vay lại 100% đối với phần vốn vay ODA tăng thêm, là 57.315 triệu JPY. Đối với vốn ODA đã được phê duyệt với trị giá 107.447 triệu JPY, ngân sách trung ương cấp phát 87.482 triệu JPY, UBND TP. Hà Nội đề nghị vay lại 19.965 triệu JPY. Còn vốn đối ứng Hà Nội đề xuất tự sắp xếp toàn bộ.

Sử dụng 107.447 triệu JPY vốn ODA theo Quyết định số 2054/QĐ-UBND ngày 13/11/2008.
Sử dụng 107.447 triệu JPY vốn ODA theo Quyết định số 2054/QĐ-UBND ngày 13/11/2008.

Về thời gian thực hiện, tờ trình của UBND TP. Hà Nội đề nghị Thủ tướng cho điều chỉnh dự án từ năm 2009- 2032, trước đó là 2009-2015. Thời gian hoàn thành xây dựng năm 2027, cộng thêm thời gian đào tạo vận hành, bảo dưỡng 5 năm.

Cập nhật tình hình triển khai dự án, công việc trên thực địa duy nhất được tiến hành tại dự án metro số 2 mới chỉ là việc giải phóng mặt bằng.

Trong tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án là 49,06ha, đến nay, công tác giải phóng mặt bằng đạt 79% diện tích toàn tuyến. Trong đó, khu depot Xuân Đỉnh đạt 86,45% diện tích, đoạn trên cao và các ga đạt 70% diện tích, đoạn chuyển tiếp đạt 100%, đang triển khai giải phóng mặt bằng đoạn ngầm và các ga ngầm và đã thực hiện 80% khối lượng rà phá bom mìn, vật nổ toàn tuyến.

Đến nay, tổng số vốn đã giải ngân theo báo cáo là hơn 922 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA đã giải ngân là hơn 620 tỷ đồng, vốn đối ứng đã giải ngân là hơn 302 tỷ đồng.

Về công tác quy hoạch, dự án cũng đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 và phương án thiết kế kiến trúc công trình cho depot, đoạn trên cao và 3 ga trên cao, đoạn ngầm và 6 ga ngầm. Hiện đang thực hiện các thủ tục phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9.

 
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: "Dự án đã được lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2007-2008. Hiệp định vay vốn với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã được ký năm 2009 và được gia hạn giải ngân đến năm 2019. Tuy nhiên, do quá trình xem xét, thẩm định kéo dài nên từ năm 2012 đến nay, chưa triển khai các gói thầu thi công xây lắp và thiết bị dự án, dẫn đến thay đổi quy mô đầu tư, làm tăng tổng mức đầu tư. UBND TP. Hà Nội cần xem xét tăng cường năng lực thực hiện của chủ dự án, tư vấn để đẩy nhanh tiến độ dự án, không kéo dài thêm, tránh gia tăng chi phí".
 

Bộ Tài chính: "Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, đảm bảo vốn vay không sử dụng cho các nội dung chi không được phép sử dụng vốn vay theo quy định của Nghị định số 56/2020/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.

Khi điều chỉnh chủ trương đầu tư, đề nghị UBND TP. Hà Nội loại bỏ chi phí trả lãi vay, phí cam kết trong tổng mức đầu tư của dự án. Đảm bảo không dùng nguồn vốn vay để chi trả các chi phí này. UBND TP. Hà Nội cũng cần rà soát khả năng cân đối trong trung hạn, có tính đến khoản vay lại của dự án tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông, dự kiến khả năng cân đối vốn để bố trí cho các dự án trong năm 2021-2025. Đảm bảo không vay vượt quá mức dư nợ cho phép theo quy định của pháp luật".

 

Dự án đường sắt đô thị TP. Hà Nội, tuyến 2 đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo có tổng chiều dài toàn tuyến là 11,5km, trong đó, có 8,5km đường đi ngầm, 3km đi trên cao. Hệ thống nhà ga gồm 3 ga trên cao, 7 ga ngầm.

Tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án là 49,06ha. Diện tích đất cần thu hồi 26,227ha, sử dụng ODA vay của Nhật Bản. Tổng mức đầu tư dự án được điều chỉnh là 35.679 tỷ đồng tương đương 195.365 triệu JPY. Trong đó, vốn vay ODA là 164.762 triệu JPY, vốn đối ứng là 5.549 tỷ đồng.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con