EVFTA sẽ thúc đẩy thương mại Việt Nam - EU tăng 15%
Phỏng vấn ông Pavel A.Poskakukhin, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hà Lan tại Việt Nam, Trưởng phòng cao cấp nhóm Dịch vụ khách hàng châu Âu Deloitte Việt Nam
Ngày 30/6/2019, hai hiệp định: Thương mại tự do (EVFTA) và Bảo hộ đầu tư (EVIPA) đã được ký kết giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam. Hà Lan là thành viên trong khối EU, từ tháng 1/2014, quan hệ Việt Nam - Hà Lan đã chuyển từ hợp tác phát triển sang "đối tác thương mại", đặt trọng tâm thúc đẩy thương mại và đầu tư.
Trong những năm gần đây, Hà Lan là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại EU. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hà Lan đạt 7,076 tỷ USD; trong đó, Việt Nam luôn đạt thặng dư thương mại lớn...
Ông vui lòng giới thiệu đôi nét về Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Lan (DBAV)?
DBAV đã có mặt ở Việt Nam 20 năm qua. Thời gian đầu chỉ là một câu lạc bộ nhỏ, nhưng nay đã phát triển thành hiệp hội hoàn chỉnh. Hiện DBAV có khoảng 70 thành viên hoạt động trong nhiều lĩnh vực, như nông nghiệp, các mặt hàng tiêu dùng, hoạch định và phát triển nguồn nước...
Một trong những sứ mệnh khác của DBAV là trở thành nơi hỗ trợ cho các doanh nghiệp Hà Lan tại Việt Nam, kết nối họ với các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp tại Hà Lan. Chúng tôi cũng đang hợp tác tốt với Eurocham, để có thể đưa tiếng nói của doanh nghiệp Hà Lan đến với Chính phủ Việt Nam và giúp họ hoạt động tốt hơn tại thị trường Việt Nam.
Ngoài việc giúp các doanh nghiệp Hà Lan tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam, DBAV còn hỗ trợ và giới thiệu các doanh nghiệp Việt Nam sang Hà Lan tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh. Mối quan hệ hợp tác này được hiệp hội duy trì và phát triển tốt đẹp.
Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA được ký kết và đi vào thực thi sẽ tác động như thế nào đến các doanh nghiệp Hà Lan đang hoạt động tại Việt Nam? Và DBAV đã có những bước chuẩn bị gì?
Những lợi ích và những cơ hội mà 2 hiệp định này sẽ mang tới cho các doanh nghiệp Hà Lan là rất rõ. Sau khi 2 hiệp định này ký kết cả Việt Nam và Hà Lan sẽ gia tăng nhu cầu về lao động, tiến tới hợp tác và tạo ra cơ hội việc làm cho người lao động, đó cũng là động lực thúc đẩy GDP của hai nước tăng lên.
Đối với các công ty, do khoảng cách địa lý của hai nước khá xa nếu muốn hiểu rõ thị trường của nhau cần có kế hoạch rõ ràng và vững chắc, vì điều này cũng sẽ là một thử thách cho cả hai bên.
DBAV sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Hà Lan đang hoạt động tại Việt Nam cũng như các doanh nghiệp tại Hà Lan đang có ý định tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam có ý định đến Hà Lan đầu tư trong tương lai. Để làm tốt công việc này, DBAV sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ với Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán.
Gần đây, DBAV cũng đã thiết lập nhiều mối quan hệ với các Tổ chức ở Hà Lan, ví dụ như: NL in Business, Netherland-Vietnam Chamber of Commerce... và họ đang hỗ trợ cho các công ty Việt Nam tại Hà Lan cũng như hỗ trợ các công ty Hà Lan muốn đầu tư vào Việt Nam hoặc muốn phát triển ở nước ngoài.
Một số hoạt động mà chúng tôi có thể chuẩn bị tốt nhất là trở thành trung tâm cung cấp thông tin về Việt Nam cho các doanh nghiệp ở Hà Lan khi muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Chúng tôi đang xây dựng để DBAV có thể trở thành nơi mà các doanh nghiệp ở Hà Lan sẽ tìm đến khi nghĩ về Việt Nam và chúng tôi sẽ là nơi cung cấp cho họ những giải pháp mà họ cần. Dự kiến trong 5 năm tới sẽ có ít nhất là 100 doanh nghiệp Hà Lan đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội hợp tác, kinh doanh và phát triển.
Là những nước nông nghiệp, vậy khi các hiệp định được thực thi liệu có phát sinh mâu thuẫn gì về lợi ích giữa hai nước?
Các hiệp định này đã được các bên bàn thảo và chuẩn bị kỹ trong 9 năm rồi, nên tôi tin hai bên đã trao đổi và đã tính toán rất kỹ đến những khả năng có thể gây bất lợi cho nhau để đưa ra đàm phán.
Lấy ví dụ ngành nông nghiệp, và nếu nhìn các doanh nghiệp Hà Lan đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ thấy họ làm việc rất hài hòa với các doanh nghiệp nông nghiệp tại Việt Nam. Họ hỗ trợ hoặc giúp cho mùa màng được tốt hơn, thu hoạch được cao hơn, các sản phẩm nông nghiệp đưa ra thị trường thế giới có tính cạnh tranh cao hơn. Như vậy, 2 nền nông nghiệp Hà Lan và Việt Nam sẽ hỗ trợ nhau nhiều hơn là phát sinh mâu thuẫn.
Sau khi 2 hiệp định ký và chính thức thực hiện, tốc độ đầu tư từ Hà Lan vào Việt Nam sẽ như thế nào? Dự báo sẽ tăng trưởng bao nhiêu % so với giai đoạn trước khi có hiệp định?
Khi EVFTA có hiệu lực gần như 99% các thuế quan sẽ được cắt giảm. Trong những năm gần đây, mức tăng trưởng GDP của Việt Nam khoảng 6% - 7%. Tôi nghĩ, sau khi các hiệp định này có hiệu lực, mức độ tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ được giữ ở mức này thậm chí còn tăng cao hơn nữa. Về thương mại giữa Việt Nam với EU có thể tăng ít nhất khoảng 15% khi mà các hiệp định này có hiệu lực.