Gấp rút khởi công nhà ga T3 sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất gần 11.000 tỷ đồng trong quý 3

Ánh Tuyết
Chia sẻ

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan, đơn vị gấp rút hoàn thiện các thủ tục để khởi công nhà ga T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất trong quý 3, sớm giải quyết tình trạng quá tải...

Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát hiện trường nhằm quyết liệt thúc đẩy tiến độ các dự án nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: VGP.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát hiện trường nhằm quyết liệt thúc đẩy tiến độ các dự án nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: VGP.

Chiều 9/7, Thủ tướng Phạm Mính Chính khảo sát hiện trường và có cuộc làm việc với các bộ ngành, địa phương nhằm quyết liệt thúc đẩy tiến độ các dự án nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất, giải quyết tình trạng quá tải, ùn tắc tại sân bay này.

Trong những năm gần đây, lượng hành khách thông qua Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất tăng mạnh, gần gấp đôi công suất thiết kế.

Đặc biệt, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đang trải qua những ngày đông khách kỷ lục trong cao điểm du lịch hè.

 

Là cửa ngõ hàng không khu vực miền Nam, tháng 6 vừa qua, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đón gần 3,5 triệu lượt khách, gồm gần 3 lượt khách nội địa và gần 495 ngàn hành khách quốc tế, "bùng nổ" so với con số chỉ vỏn vẹn gần 15 ngàn khách quốc tế cùng kỳ năm 2021.

Sự tăng trưởng mạnh về lượng hành khách đi máy bay sau dịch và trong cao điểm hè 2022 là điều đáng mừng vì cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế nói chung và các hoạt động du lịch, hàng không nói riêng.

Tuy nhiên, điều này cũng khiến các sân bay lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất bị rơi vào tình trạng quá tải, vượt công suất thiết kế.

Để giải quyết tình trạng quá tải sân bay Tân Sơn Nhất, năm 2020, Chính phủ có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất.

Theo đó, nhà ga hành khách T3, công suất 20 triệu hành khách/năm và các công trình phụ trợ đồng bộ có tổng vốn đầu tư 10.990 tỷ đồng bằng nguồn vốn của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), không sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Thời gian hoàn thành dự án sau 37 tháng kể từ ngày khởi công.

Mục tiêu xây dựng ga T3 tiêu chuẩn quốc tế, với công suất 20 triệu hành khách một năm và các công trình phụ trợ đồng bộ, phục vụ khai thác nội địa tại sân bay Tân Sơn Nhất để giảm tải cho nhà ga T1. Đồng thời, nhà ga T3 cũng phải phù hợp với quy hoạch và phân chia sản lượng khai thác giữa sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất.

Xây nhà ga T3, công suất sân bay Tân Sơn Nhất tăng lên 50 triệu hành khách/năm.
Xây nhà ga T3, công suất sân bay Tân Sơn Nhất tăng lên 50 triệu hành khách/năm.

Đến nay, công tác chuẩn bị và phê duyệt dự án hoàn thành với các công đoạn khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán và tổ chức thực hiện các thủ tục rà phá bom mìn.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án gặp một số vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án như việc bàn giao đất, giải phóng mặt bằng, các thủ tục liên quan tới quy hoạch sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trong sân bay.

Cùng với đó, dự án cải tạo, nâng cấp đường băng sân bay Tân Sơn Nhất kinh phí hơn 2.000 tỷ đồng hoàn thành hồi tháng 4 nhưng do vướng 12 ụ bê tông thuộc công trình quốc phòng trong sân bay nên ảnh hưởng tới hoạt động khai thác các máy bay cỡ lớn.

Cùng với đó, UBND TP. Hồ Chí Minh xây dựng, đưa vào khai thác một số dự án giao thông kết nối Cảng hàng không Tân Sơn Nhất với bên ngoài và đang xây dựng một số dự án khác nhưng cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc. 

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính, nêu rõ ngành hàng không đang phục hồi mạnh mẽ, nhiều tuyến bay nội địa sôi động hơn cả trước khi bùng phát dịch.

Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý sắp tới, khi Việt Nam mở lại toàn bộ các đường bay quốc tế, tình trạng quá tải có thể nhiều hơn, do đó, cần tính toán, lựa chọn phương án có lợi nhất cho dân, cho nước.

Vì vậy, Thủ tướng đề nghị các địa phương, cơ quan phối hợp chặt chẽ, khẩn trương giải quyết các vướng mắc kể trên và những phát sinh nếu có; góp phần giải quyết tình trạng ách tắc, quá tải tại Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, tránh bức xúc cho nhân dân, nhất là sau đại dịch Covid-19 các hoạt động giao thương phục hồi, phát triển.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan phối hợp chặt chẽ, hoàn thành các thủ tục bàn giao đất trong tháng 7, giải phóng 12 ụ bê tông trong quý 3, đồng thời phấn đấu hoàn thành việc xây dựng mới các ụ bê tông trong quý 3 theo tinh thần lưỡng dụng, vừa sử dụng cho quốc phòng, vừa sử dụng cho mục tiêu dân sự - kinh tế.

Cùng với đó, UBND TP. Hồ Chí Minh khẩn trương triển khai các dự án giao thông kết nối sân bay Tân Sơn Nhất với bên ngoài và cùng các cơ quan bổ sung, sửa đổi các quy hoạch cần thiết theo thẩm quyền trong quý 3/2022.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan, đơn vị bắt tay ngay vào việc, thực hiện các thủ tục để triển khai xây dựng nhà ga T3. Phấn đấu hoàn thành các thủ tục để khởi công nhà ga T3 trong quý 3, chậm nhất tới tháng 9/2024 phải hoàn thành nhà ga này.

Thủ tướng nhấn mạnh, các công việc phải theo tinh thần "làm ngày làm đêm" để triển khai thủ tục nhanh nhất, tiết kiệm nhất, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, không vì thủ tục hành chính mà cản trở sự phát triển.

Đặc biệt, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp chỉ đạo, Văn phòng Chính phủ thông báo, hướng dẫn thủ tục và các nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành, địa phương và theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ nói trên.

Các vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan tới thẩm quyền của Chính phủ sẽ được giải quyết trong phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật sắp tới.

 

Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2022, lượng hành khách thông qua các cảng đạt 40,7 triệu lượt, tăng mạnh mẽ 56,8% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, khách quốc tế đạt 1,8 triệu khách, khách nội địa đạt 38,9 triệu khách, tăng ấn tượng 52,6%. Dự kiến năm 2022, các cảng sẽ đón khoảng 87,8 triệu khách, tăng 190% so với năm 2021.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con