Giá xăng dầu đã lên xuống “theo đúng nghị định”

P.V
Chia sẻ

Quan điểm của đại diện Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cùng lãnh đạo Petrolimex về việc điều hành giá xăng dầu thời gian qua

Các vị khách mời tham gia buổi tọa đàm trực tuyến.
Các vị khách mời tham gia buổi tọa đàm trực tuyến.
Ngày 24/3, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức cuộc tọa đàm trực tuyến về cơ chế điều hành giá xăng dầu, với sự tham dự của ông Nguyễn Cẩm Tú - Thứ trưởng Bộ Công Thương, bà Nguyễn Thanh Hương - Phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) và ông Bùi Ngọc Bảo - Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).

VnEconomy xin trích đăng một số nội dung đáng chú ý tại cuộc tọa đàm này.

Doanh nghiệp chỉ được quyết giá trong phạm vi nhất định

Thưa ông Nguyễn Cẩm Tú, tính từ thời điểm Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu được ban hành, thì doanh nghiệp đã được trao quyền tự điều chỉnh giá xăng dầu. Mục đích là để việc kinh doanh xăng dầu sẽ theo cơ chế thị trường. Vậy xin ông giải thích tại sao đã cho quyền doanh nghiệp tự quyết định giá rồi mà Bộ Tài chính vẫn có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp trước mắt chưa tăng giá bán lẻ mặt hàng này?

Ông Nguyễn Cẩm Tú: Chúng ta hiện đang trong quá trình thực hiện lộ trình thị trường hóa một số mặt hàng quan trọng trong đó có xăng dầu, Nghị định 84 là một bước tiếp theo của lộ trình này. Theo nghị định này, doanh nghiệp có một phần quyền quyết định giá xăng dầu. Nói rằng nhà nước trao quyền quyết định giá xăng dầu cho doanh nghiệp là hoàn toàn chưa chính xác.

Tiết a, khoản 1 điều 26 Nghị định 84 quy định giá xăng dầu được quyết định theo giá thị trường có sự quản lý của nhà nước. Sự quản lý của nhà nước được thể hiện ở nhiều điều khoản dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó có quy định nguyên tắc, thời điểm, mức độ, phương pháp thay đổi giá…

Doanh nghiệp chỉ được quyền quyết định giá trong một phạm vi nhất định. Văn bản Bộ Tài chính vận dụng quy tắc này, cụ thể ở tiết c, khoản 3 điều 27 trong Nghị định 84. Khi giá thị trường có thể tác động tới các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, Chính phủ có quyền điều tiết việc tăng giảm giá của doanh nghiệp.

Như vậy là chính sách giá được điều hành theo cơ chế thị trường, nhưng vẫn sẽ có sự quản lý của Nhà nước. Được biết, nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 có đặc biệt lưu ý đến việc rà soát và kiểm soát chặt chẽ lộ trình tăng giá, các phương án giá, và mức giá đăng ký của một số hàng hóa dịch vụ thiết yếu, trong đó có xăng dầu. Tuy nhiên, được yêu cầu chưa tăng giá trong thời gian trước mắt, nhưng nếu doanh nghiệp đang phải chịu thua lỗ, thì phương án xử lý là thế nào?

Ông Nguyễn Cẩm Tú: Phương án xử lý đã được nêu ở tiết c khoản 3 Điều 27 Nghị định 84. Nhà nước sẽ có các biện pháp khác nhau để hỗ trợ doanh nghiệp khi doanh nghiệp tham gia bình ổn lúc giá xăng dầu có biến động.

Và ngay trong điều 2 nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 cũng nói đến các biện pháp xử lý vấn đề này, như doanh nghiệp phải có biện pháp tiết giảm chi phí, nếu vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh thì báo cáo liên bộ để liên bộ có biện pháp xử lý hợp lý.

Mới điều chỉnh 3 lần

Thưa Tổng giám đốc Bùi Ngọc Bảo, kể từ khi Nghị định 84 có hiệu lực, Petrolimex đã có 5 lần điều chỉnh giá, trong đó có 4 đợt tăng. Vậy nguyên nhân chính dẫn đến sự điều chỉnh này là do đâu, thưa ông?

Ông Bùi Ngọc Bảo: Trước hết, tôi xin đính chính lại từ khi nghị định này có hiệu lực vào ngày 15/12/2009 cho tới nay, các doanh nghiệp đầu mối trong đó có Petrolimex chỉ điều chỉnh 3 lần đối với mặt hàng xăng, trong đó 2 lần tăng, 1 lần giảm, chứ không phải 5 lần.

Nếu tính 5 lần là tính theo thời điểm nghị định này được ban hành là 15/10 tới nay. Khi nghị định có hiệu lực, doanh nghiệp chỉ điều chỉnh giá xăng 3 lần.

Về nguyên nhân, giá quốc tế tăng, hoặc yếu tố tác động tới giá cơ sở tăng, 2 lần điều chỉnh tỷ giá (26/11 và 11/12) và bản thân giá quốc tế trong giai đoạn này khá cao cũng như khoản trích lập quỹ bình ổn giá tăng từ 200-300 đồng, tác động tới giá thành buộc giá xăng tăng. Vì vậy việc điều chỉnh vận hành theo đúng Nghị định 84.

Ông Nguyễn Cẩm Tú: Chúng ta hay lẫn hai khái niệm xăng với dầu. Tuy có cùng nguồn gốc nhưng đây là hai thứ khác nhau. Lấy xăng làm ví dụ, khi Nghị đinh 84 có hiệu lực, xăng chỉ điều chỉnh 3 lần. Tôi xin minh chứng thêm lời của ông Bảo bằng số liệu như sau:

Nếu lấy 15/12 làm mốc, giá bình quân 30 ngày trước đó là 79,576 USD/thùng. Ngày 14/1 tăng giá lần đầu. giá bình quân 30 ngày là 82,026 USD/thùng.

Như vậy, trong khi giá thế giới với xăng khi đó tăng 3%, doanh nghiệp tăng từ 15.950-16.400 chỉ tăng 2,8%. Tương tự như vậy đối với thời gian từ 14-24/1, giá thế giới tăng 3,9%, giá xăng dầu trong nước chỉ tăng 3,6%.

Dư luận cho rằng tăng giá cao hơn giá thế giới là không đúng, do hiểu sai về phương pháp tính. Chúng ta tính giá là giá bình quân trong 30 ngày. Do hiểu sai phương pháp, nên lấy giá một thời điểm cụ thể là không chính xác.

Dưới góc độ nào đó là chưa “nhạy cảm”

Thưa Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú, vừa qua, lần tăng giá xăng ở mức là 590 đồng/lít vào ngày 21/2 - tức mùng 8 Tết, được cho là vào một thời điểm khá nhạy cảm và gây ra tâm lý không tốt cho người tiêu dùng. Xin ông cho biết quan điểm của mình về ý kiến này?

Ông Nguyễn Cẩm Tú: Chúng ta phải nhìn nhận vấn đề một cách tổng thể. Trong nền kinh tế thị trường thì thị trường quyết định giá, doanh nghiệp có quyền thay đổi giá theo tín hiệu thị trường. Tất nhiên, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì có sự điều tiết của nhà nước. Đứng ở góc độ này, thì sẽ thấy các lần tăng giá xăng dầu vừa qua là đúng quy trình và đúng mức độ cho phép.

Còn về thời điểm, cá nhân tôi cho rằng, việc chọn ngày đầu tiên đi làm sau một kỳ nghỉ Tết dài để tăng giá, đứng dưới góc độ nào đó quả là chúng ta chưa “nhạy cảm”. Vì phải hiểu là chúng ta xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa lâu, người dân chưa thực sự quen với việc xác định giá theo thị trường, đặc biệt là giá xăng dầu được giữ rất lâu và tự do hóa theo lộ trình chậm hơn các mặt hàng khác.

Nhưng chúng ta sẽ phải làm quen với việc điều chỉnh này. Trong một năm, có rất nhiều thời điểm được đánh giá là nhạy cảm, sau Tết sẽ đến các ngày lễ, chẳng hạn như ngày 8/3, rồi 30/4… Như vậy, chúng ta không thể lấy điều này để ngăn cản các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh một cách hợp pháp và thu lợi nhuận một cách hợp pháp.

Đừng lấy những sự tăng giá nho nhỏ để nói là có tác động lớn

Thưa bà Nguyễn Thanh Hương, khi giá xăng dầu tăng sẽ các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế như vận tải và đến cả đời sống người dân. Ý kiến của bà như thế nào?

Bà Nguyễn Thanh Hương: Chúng ta cần quen dần với cơ chế thị trường có quản lý nhà nước. Trước đây nhà nước giữ giá trong thời gian dài hơn nên mức độ mỗi lần điều chỉnh có thể cao hơn, còn hiện nay, doanh nghiệp điều chỉnh với tần suất ngắn với mức độ thấp hơn.

Đúng là giá xăng dầu có tác động trực tiếp cũng như gián tiếp tới nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, mức độ tăng giá của doanh nghiệp rất thấp, cho nên ảnh hưởng không lớn, như việc tăng giá xăng 590 đồng/lít chỉ tác động làm tăng chỉ số CPI 0,01%. Còn tác động tới người tiêu dùng thì đối với cá nhân đi xe máy, một tháng việc chi tiêu cho xăng dầu cũng không nhiều, khoảng từ 10.000 - 15.000 đồng.

Tôi nghĩ, mỗi lần tăng giá như vậy, người tiêu dùng có khả năng chấp nhận được. Nếu chúng ta kéo giãn thời gian điều chỉnh dài hơn nữa thì tần suất điều chỉnh, mức giá điều chỉnh sẽ lớn hơn nên mức tác động tới CPI và nền kinh tế sẽ lớn hơn.

Ông Nguyễn Cẩm Tú: Tôi xin bổ sung một chút. Nói về xăng dầu thì đúng là mặt hàng nhạy cảm, nhưng trong nền kinh tế của chúng ta không chỉ có xăng dầu là nhạy cảm. Tôi xin lấy ví dụ mặt hàng gạo. Nếu không có gạo ăn thì tác động cũng rất lớn, nhưng chúng ta đã quen dần với giá gạo theo thị trường từ lâu, chúng ta không cảm thấy sốc. Và chúng ta cũng phải quen với giá xăng dầu như giá gạo.

Thứ hai, là chuyện tăng hay giảm có hợp lý không. Anh Bảo đã giải thích rồi, tôi xin nói cụ thể thêm. Nhìn vào biểu đồ giá thì giá xăng dầu thế giới hầu như chỉ tăng, có giảm thì chỉ giảm cục bộ rất ngắn hạn. Cụ thể, ngày 15/12, giá bình quân 30 ngày cho tới ngày đó là 79,576 USD/thùng, tới ngày 14/1 là 82,026 USD/thùng, tới 24/1 là  82,214 USD/thùng. Đó là cơ sở cơ bản của việc tăng giá.

Thứ ba, điều quan trọng là đừng cho những mặt hàng quan trọng tăng giá đột ngột, bởi đó mới tác động lớn đến nền kinh tế. Còn những lần tăng giá thông thường này thì không tác động nhiều như thế.

Để giải quyết vấn đề này, Nghị định 84 đã quy định tăng dưới 7% doanh nghiệp có quyền tăng giá và báo cáo sau, tăng từ 7 đến 12 % thì doanh nghiệp được quyền tăng giá bán lẻ 7%, cộng thêm 60% của mức tăng từ 7% - 12%. Khoản lỗ 40% còn lại, doanh nghiệp sẽ được quyền sử dụng Quỹ bình ổn giá để bù đắp theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Và trường hợp giá thế giới tăng trên 12% thì giá xăng dầu trong nước hoàn toàn do Nhà nước quyết định.

Chúng ta đừng lấy những sự tăng giá nho nhỏ để nói là có tác động lớn, mà quên rằng những lần điều chỉnh lớn đã được nhà nước điều tiết.

Tính toán giá: Tất cả doanh nghiệp sẽ phải công khai

Từ ngày 15/3, nhà cung cấp xăng dầu lớn nhất Việt Nam là Petrolimex đã bắt đầu công bố cách tính giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu trên trang web của mình. Bà Nguyễn Thanh Hương nhìn nhận thế nào về động thái này?

Bà Nguyễn Thanh Hương: Tôi nghĩ đây là nhu cầu thực tiễn của người tiêu dùng cũng như của các cơ quan giám sát vì Petrolimex là đơn vị chiếm thị phần lớn nhất trong 11 doanh nghiệp đầu mối.

Vì vậy, việc Petrolimex đưa cách tính giá xăng dầu lên trang thông tin điện tử chính là cung cấp thông tin đầy đủ cho tất cả các hộ sử dụng cũng như các cơ quan chức năng giám sát.

Ông Nguyễn Cẩm Tú: Hiện nay, không phải chỉ có Petrolimex làm việc này, Bộ Công Thương từ 1/3 đã đưa lên tờ tin thị trường hàng ngày cách tính toán về giá cơ sở… giúp cho các nhà khoa học, quản lý biết rõ giá cơ sở tại từng thời điểm.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã yêu cầu tất cả các doanh nghiệp công khai phần tính toán giá xăng dầu cơ sở của mình lên website của đơn vị. Nên, lần lượt các doanh nghiệp đều phải làm việc này.

Được biết, trong bảng giá của Petrolimex chốt số liệu ngày 19/3, giá CIF cập cảng là 10.824 đồng/lít xăng A92. Tuy nhiên, nếu tính toán với giá nhập khẩu là 87,60 USD/thùng (tương đương 159 lít), và tỷ giá VND/USD là 19.100, ta sẽ thấy giá CIF cập cảng sẽ chỉ ở mức 10.524 đồng/lít. Như vậy là thấp hơn 300 đồng so với giá mà Petrolimex đã công bố. Vậy ông Bùi Ngọc Bảo giải thích thế nào về sự chênh lệch này?

Ông Bùi Ngọc Bảo: Trước hết, phải nói là ở đây có một sự nhầm lẫn giữa giá CIF và giá FOB. Trong bảng tính của chúng tôi có tính giá bình quân 30 ngày theo giá niêm yết ở Singapore, đó là giá FOB. Khi tính giá CIF, phải có thêm chi phí về bảo hiểm và vận tải, tương ứng khoảng 300 đồng.

Như vậy, không có sự sai lệch nào cả. Mức giá 87,60 USD/thùng là giá FOB chứ không phải là giá CIF. Chi phí bảo hiểm và vận chuyển này thay đổi theo từng thời kỳ và được Cục Quản lý giá đưa vào tính toán.

Cũng phải nói thêm là đây là mức giá cơ sở được tính trên quy định của Nghị định 84, và các yếu tố đầu vào đều do các cơ quan nhà nước ban hành. Nếu tuân thủ theo đúng Nghị định 84 thì bất cứ ai cũng tính được mức giá cuối cùng.

Thêm nữa, đây là mức giá cơ sở theo Nghị định 84 chứ không phải giá vốn của doanh nghiệp, giá vốn có thể cao hơn hoặc thấp hơn xoay quanh giá cơ sở đó, phụ thuộc vào việc ký kết thỏa thuận với nhà cung cấp và thời điểm giao hàng.

Giá cơ sở được Nghị định 84 đưa ra để người tiêu dùng, cơ quan quản lý Nhà nước giám sát sự điều chỉnh giá của doanh nghiệp, tạo tiền đề doanh nghiệp vận hành theo Nghị định này. Khác biệt với Quyết định 187 và Nghị định 55, Nghị định 84 đưa ra một phương thức rất rõ ràng như vậy để người tiêu dùng và cơ quan quản lý có cơ chế để giám sát.

1.500 tỷ đồng quỹ bình ổn giá

Thưa bà Nguyễn Thanh Hương, vậy theo bà tổ giám sát sẽ giám sát thế nào đối với những thông số thuộc diện bí mật kinh doanh, không được công bố, nhưng lại là những thông số quan trọng cấu thành nên giá (ví dụ như phí bảo hiểm và cước vận chuyển)?

Bà Nguyễn Thanh Hương: Thực ra, về vấn đề này, chúng tôi căn cứ vào chi phí xã hội, không căn cứ vào một doanh nghiệp nào.  Ví dụ, ở Petrolimex có điều kiện khá hơn, chi phí có thể thấp hơn, các doanh nghiệp khác khó khăn hơn, chi phí cao hơn.

Chúng tôi đưa ra mức xã hội chấp nhận được, không cao quá hoặc thấp quá. Cao quá sẽ không hiệu quả, không khuyến khích đơn vị nhập khẩu ở mức chi phí thấp, nhưng thấp quá cũng không đủ cho các đơn vị khác cùng vào kinh doanh mặt hàng này.

Quy định của Nghị định 84 cũng có nói rằng: chỉ được dùng quỹ bình ổn khi mức tăng giá trên 7%. Nhưng như thế chúng ta sẽ khó có cơ hội sử dùng nguồn quỹ này, vì khi giá cơ sở tăng, doanh nghiệp sẽ tăng giá bán ra. Vậy thực tế khi nào thì nguồn quỹ này mới được sử dụng đến?

Ông Nguyễn Cẩm Tú: Quỹ bình ổn giá là nhằm tránh tình trạng tăng giá đột ngột, gây sốc cho nền kinh tế và xã hội. Quỹ không nhằm cố định một cái giá, mà sử dụng khi có biến động lớn về giá như năm 2008.

Vậy thưa bà Nguyễn Thanh Hương, tổ giám sát có nắm được là hiện này nguồn quỹ này là bao nhiêu?

Bà Nguyễn Thanh Hương: Theo chúng tôi nắm, chưa kiểm tra thực tiễn, con số này vào đầu tháng 3 là 1.500 tỷ đồng.

Đã hơn 3 tháng kể từ khi triển khai Nghị định 84. Theo Nghị định này, cứ cách 10 ngày là doanh nghiệp lại được quyền tăng giá. Đây được cho là mật độ khá dày, và trong phiên họp thứ 29 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội diễn ra sáng 19/3, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho rằng có thể chúng ta sẽ giãn ngày ra đến 20 hoặc thậm chí 30 ngày mới cho doanh nghiệp tăng giá tiếp. Thưa ông Nguyễn Cẩm Tú, ông nghĩ sao về vấn đề này?

Ông Nguyễn Cẩm Tú: Tôi nghĩ rằng ngay Nghị định 84 đã trù liệu được vấn đề này trong tiết d khoản 1 Điều 26. Còn dày hay không thì không thể đánh giá một cách cảm tính mà phải nhìn vào thực tiễn diễn ra. Kể từ ngày 15/12/2009, Nghị định 84 có hiệu lực, cho đến ngày hôm nay, doanh nghiệp mới tăng giá xăng 2 lần, bình quân 1 tháng rưỡi mới tăng giá 1 lần.

Cụ thể hơn nữa, từ lần tăng giá thứ nhất (ngày 14/1) đến lần tăng giá thứ hai (21/2) là 38 ngày. Như vậy, 10 ngày quy định trong Nghị định 84 chưa khi nào bị doanh nghiệp lợi dụng.

Đừng quên là theo tiết a, khoản 1, Điều 26, Nghị định 84, Nhà nước giám sát doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp làm sai sẽ có xử lý, kể cả xử phạt. Nhưng đến giờ này Nhà nước chưa xử lý vì doanh nghiệp chưa vi phạm. Còn nâng lên 20 ngày hoặc 30 này thì cũng là để tăng khả năng quản lý của nhà nước lên, chúng ta có quyền làm vậy nếu doanh nghiệp lợi dụng quy định 10 ngày. Nhưng theo tôi thì điều này chưa cần thiết bởi những lý do ở trên.

Không phải độc quyền, mà chỉ là có ưu thế hơn

Thưa ông Nguyễn Cẩm Tú, gần đây, có thông tin cho rằng với tỷ trọng tới 60% trên thị trường, Petrolimex là doanh nghiệp độc quyền. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Ông Nguyễn Cẩm Tú: Trước hết, tôi xin phép nói về vấn đề độc quyền, một nền kinh tế thị trường bao giờ cũng có sự tích tụ trong bất kỳ lĩnh vực nào không riêng xăng dầu, điều này làm cho các doanh nghiệp ngày lớn dần lên. Điều quan trọng mà các xã hội làm là không cho doanh nghiệp chiếm thị phần lớn lợi dụng địa vị thống trị của mình để ngăn cản sự cạnh tranh công bằng với các doanh nghiệp khác.

Trong trường hợp của chúng ta, việc đó từ trước tới nay chưa xảy ra bởi xăng dầu cũng như bản thân Petrolimex nằm dưới sự quản lý chặt chẽ của nhà nước.  Chưa bao giờ doanh nghiệp này có thể sử dụng quyền, lợi thế của mình để gây ảnh hưởng tới cạnh tranh thị trường.

Ngoài ra chúng ta có Luật Cạnh tranh, mọi hành động cạnh tranh không công bằng đều bị xử phạt. Chúng ta, từ trước tới nay chưa phải sử dụng tới do chưa có doanh nghiệp nào vi phạm.

Nói về tỷ trọng lớn của Petrolimex. Chúng ta đã có sự hiểu lầm lớn, tôi xin cung cấp một số liệu mà chỉ cần làm phép tính cộng trừ là thấy rõ.

Hiện, trên tổng số 10.000 cây xăng trên toàn quốc, số cây xăng của Petrolimex chỉ có 1.995, chiếm khoảng gần 20%. Còn lại, Petrolimex chiếm khoảng 40% số đại lý trên thị trường. Như vậy, Petrolimex chỉ có ưu thế khoảng trên 20% thị trường mà thôi so với hệ thống bán lẻ.

Còn các đại lý có quyền ký với đơn vị khác nếu các đơn vị khác tạo điều kiện thuận lợi cho người ta, ở đây chúng ta cạnh tranh công bằng. Còn nếu có doanh nghiệp không cạnh tranh nổi việc ký với các địa lý thì doanh nghiệp phải tự hỏi tại sao mình không làm được điều đó.

Về số liệu thứ 2, nếu lấy số liệu bán của Petrolimex xem xét, sẽ thấy, trong đó, 30% là Petrolimex bán buôn cho các doanh nghiệp, cái này do đấu thầu. Ai cũng công bằng như ai.

Hệ thống đại lý, tổng đại lý chiếm 45%. 45% này cũng cạnh tranh công bằng. Petrolimex chỉ có lợi thế là có khoảng trên 25% tự bán thông qua hệ thống của mình. Như vậy, chỉ có thể nói Petrolimex có ưu thế hơn các đơn vị khác trong một số lĩnh vực mà thôi.

Vấn đề thứ 3, thông tin báo chí hay nói Petrolimex tăng giá thì tất cả đều tăng, giảm tất cả cùng giảm. Nhưng chúng ta cần suy nghĩ kỹ. Với tỷ trọng 60% bán trên thị trường, nếu Petrolimex tăng mà các đơn vị khác không tăng, ai sẽ thiệt hại?

Đương nhiên các đơn vị không tăng được lợi, lập tức chiếm hết thị phần, đại lý của Petrolimex. Nếu Petrolimex tăng giá, các đơn vị khác hoàn toàn có thể không tăng nếu không muốn. Ngược lại nếu Petrolimex giảm giá, nếu các đơn vị khác không giảm thì lập tức Petrolimex chiếm hết các đại lý, tỷ trọng.

Như vậy, vai trò Petrolimex là vai trò khi nhà nước cần giảm giá nhiều hơn là tăng. Thực tế trong suốt thời gian vừa qua, Nhà nước, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đều sử dụng Petrolimex để điều tiết giá trong những lúc cần giảm.

Về vấn đề này, với vai trò Tổng giám đốc Petrolimex, ông Bùi Ngọc Bảo có ý kiến như thế nào?

Ông Bùi Ngọc Bảo: Những thông tin anh Nguyễn Cẩm Tú vừa đề cập đến chính là báo cáo của chúng tôi lên liên bộ, cũng là kết quả giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước trong những năm qua.

Nhưng phải nói thêm là tỷ trọng thị trường của Petrolimex không phải là đều như nhau ở các vùng. Ở các vùng có cạnh  tranh cao như Hà Nội hoặc Tp.HCM thì thị phần của Petrolimex chỉ trên dưới 40%. Nhưng ở các vùng như Sơn La, Lai Châu, Tây Nguyên thì có nơi thị phần của chúng tôi gần như 100%. Ở đó, chúng tôi chủ yếu thực hiện nhiệm vụ chính trị, chi phí không đủ để cho các doanh nghiệp có lãi.

Đang đi đúng hướng và phải kiên trì

Thưa ông Nguyễn Cẩm Tú, có ý kiến cho rằng chúng ta nên sửa Nghị định 84 theo hướng không giao quyền quyết giá xăng dầu cho doanh nghiệp. Nếu còn tình trạng một doanh nghiệp áp đảo thị phần như vậy thì Nhà nước phải là người quyết giá, định giá, với nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Ông nghĩ sao về ý kiến này ạ?

Ông Nguyễn Cẩm Tú: Theo tôi, trong lộ trình thị trường hóa giá xăng dầu cũng như một số mặt hàng nhà nước quản lý khác, chúng ta đã đi qua một chặng đường khá dài, từ Quyết định 187 đến Nghị định 55.

Nghị định 84 là một bước tiến bộ so với Nghị định 55, Nghị định 84 đã mở ra quyền tự chủ cho các doanh nghiệp trong phạm vi nhất định. Chúng ta còn phải tiếp tục lộ trình này vì định hướng lớn của nhà nước là xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Muốn xây dựng kinh tế thị trường như vậy thì các mặt hàng phải theo cơ chế thị trường. Chúng ta không thể đi giật lùi khỏi định hướng lớn đó của Đảng, Nhà nước.

Trong quá trình phát triển của bất cứ sự vật, hiện tượng gì, theo tôi, đều sẽ gặp khó khăn, bất cập. Nhưng nguyên tắc lớn ở đây là gặp khó khăn thì khắc phục, bất cập thì tìm cách bổ sung, sửa đổi cho phù hợp.

Nếu mỗi lần khó khăn mà đi giật lùi thì không bao giờ có thể đi tới đích. Còn những yếu tố đưa tới đề xuất đó thì tôi đã nói ở trên, Nhà nước chưa bao giờ buông lỏng quản lý và doanh nghiệp thì cũng không có toàn quyền trong vấn đề này.  Tôi nghĩ rằng hiện nay chúng ta đang đi đúng hướng và phải kiên trì mặc dù trước mắt có thể có những bất cập nhất định.

Thưa bà Nguyễn Thanh Hương, trong kinh doanh xăng dầu, có định mức cho phép thất thoát ở một mức độ nào đó. Mức thất thoát này được tính vào giá thành và người tiêu dùng phải chịu. Tuy nhiên, vừa rồi kiểm toán nhà nước phát hiện ra Petrolimex áp dụng định mức thất thoát từ năm 1986. Và như vậy mức thất thoát tính trong 24 năm qua là không thay đổi, trong khi công nghệ và điều kiện kỹ thuật hiện nay đã khác trước rất nhiều. Xin bà đưa ra ý kiến về vấn đề này?

Bà Nguyễn Thanh Hương: Thực ra chức năng giám sát này là của Bộ Công Thương, không phải là của Bộ Tài chính, Bộ Tài chính chỉ tham gia phần nào. Dù chưa nắm rõ lại vấn đề vừa nêu, nhưng trong quá trình làm việc, chúng tôi lấy các định mức tiên tiến chứ không áp dụng những định mức để làm căn cứ giám sát và chi từ nguồn ngân sách.

Thưa Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú, hôm 19/3, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng nhận định rằng trong điều kiện ta đã áp dụng rất nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật trong các ngành kinh tế, kể cả ngành xăng dầu, thì những định mức như tiêu hao xăng dầu chắc chắn có giảm. Bộ trưởng cũng nói sẽ kiểm tra lại, vậy bao giờ Bộ sẽ có câu trả lời về vấn đề định mức thất thoát này?

Ông Nguyễn Cẩm Tú: Chúng ta phải phân biệt rõ vấn đề định mức liên quan đến dự trữ chứ không liên quan đến kinh doanh xăng dầu. Ngay cả Nghị định 84 cũng không đề cập đến định mức trong kinh doanh mà chỉ có chi phí kinh doanh mà nhà nước định ra phù hợp với xã hội hiện nay. Doanh nghiệp nào có chi phí cao hơn thì hưởng lợi ít hơn và ngược lại.

Còn đúng là với tình hình hiện nay, chúng ta cần phải tính toán lại định mức cho phù hợp. Bộ Công Thương đang xem xét vấn đề này.

Ông Bùi Ngọc Bảo: Tôi xin bổ sung, trong thuật ngữ kinh doanh xăng dầu thì thuật ngữ chính xác là "hao hụt" chứ không phải "thất thoát". Tỷ lệ hao hụt luôn luôn hiện hữu trong sản xuất và kinh doanh xăng dầu. Đây là một câu chuyện dài. Hiện Nhà nước có một định mức duy nhất, định mức 758 do Petrolimex xây dựng và Bộ Vật tư (trước đây) ban hành năm 1986.

Tại thời điểm đó, đây là định mức theo từng công đoạn để giúp cho Petrolimex khi đó chủ yếu là độc quyền, kiểm soát hao hụt theo từng công đoạn. Còn tổng định mức hao hụt được Nhà nước giao cho Petrolimex chỉ hỗ trợ cho công tác quản lý chứ không dùng để tổ chức hạch toán.

Sau này, Luật Doanh nghiệp và các văn bản khác quy định rằng chức năng xây dựng các định mức kinh tế kĩ thuật thuộc về các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có hội đồng quản trị. Nhưng ở đây, tôi cho rằng có sự thông tin nhầm lẫn.

Chúng tôi có theo dõi chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Bộ Công Thương liên quan đến tỷ lệ hao hụt. Kiểm toán Nhà nước kiểm toán toàn diện việc cấp bù cho Petrolimex trong 3, 4 năm và phát hiện ra rằng Petrolimex có biên soạn hệ thống quản lý hao hụt và định mức hao hụt hết sức chặt chẽ. Tôi có kết luận của Kiểm toán đánh giá Petrolimex đã thực hiện nghiêm túc chặt chẽ, theo dõi tốt vấn đề hao hụt, có sự tiết giảm rất lớn so với định mức 758 của Nhà nước.

Thực tế, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước với Bộ Công Thương là có nhiều doanh nghiệp xăng dầu có nhiều định mức hao hụt khác nhau. Và trong quá trình kiểm toán, có khả năng là một số doanh nghiệp đầu mối khác vẫn dùng định mức 758 để thanh quyết toán khi bù lỗ và Kiểm toán Nhà nước đề nghị các doanh nghiệp này xây dựng định mức mới.

Nhưng tôi vẫn cho rằng, việc xây dựng định mức không phải là của Bộ Công Thương mà chính doanh nghiệp phải đưa ra định mức. Hoàn toàn không có chuyện Petrolimex vẫn sử dụng định mức 758. Từ năm 2007 - 2009, chúng tôi tiết giảm tới 40% so với định mức 758 của Nhà nước.

Có thông tin cho rằng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có nói Petrolimex có thể sẽ được cổ phần hóa trong năm nay. Vậy nếu điều này xảy ra trong 2010 này thì  người tiêu dùng sẽ được lợi như thế nào?

Ông Bùi Ngọc Bảo: Cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước là chính sách của Đảng và Nhà nước. Việc cổ phần hóa Petrolimex cũng nằm trong lộ trình đó. Điều này sẽ tạo điều kiện để Petrolimex phát triển tốt hơn, Nhà nước sẽ quản lý tốt hơn. Đồng thời, việc kinh doanh xăng dầu đa sở hữu sẽ tăng lợi ích chung cho xã hội.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con