Giá xăng dầu tiếp tục tăng mạnh
Xăng E5RON92 tăng 1.152 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 1.171 đồng/lít. Tương tự, các loại dầu cũng có mức tăng từ 806 đồng - 1.112 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành. Như vậy, đây là lần thứ hai liên tiếp giá xăng dầu được điều chỉnh tăng khá mạnh…
Chiều 1/8, liên Bộ Công Thương – Tài chính công bố quyết định điều chỉnh tăng giá các mặt hàng xăng dầu.
Trong kỳ điều hành này, liên Bộ quyết định không trích lập Quỹ Bình ổn giá (BOG) xăng dầu đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu; tiếp tục không chi Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng và dầu mazut; chi Quỹ BOG đối với mặt hàng dầu điêzen ở mức 400 đồng/lít; đối với mặt hàng dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít.
Sau khi thực hiện việc không trích lập và chi sử dụng Quỹ BOG xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:
Xăng E5RON92: không cao hơn 22.791 đồng/lít (tăng 1.152 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON95-III 1.172 đồng/lít.
Xăng RON95-III: không cao hơn 23.963 đồng/lít (tăng 1.171 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành).
Dầu điêzen 0.05S: không cao hơn 20.612 đồng/lít (tăng 1.112 đồng/lít so với mức bán lẻ hiện hành).
Dầu hỏa: không cao hơn 20.270 đồng/lít (tăng 1.081 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành).
Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 16.531 đồng/kg (tăng 806 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành).
Về nguyên nhân tăng giá xăng dầu, liên Bộ cho biết thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 21/7/2023-01/8/2023) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: Dự trữ dầu đang bắt đầu giảm ở một số khu vực do nhu cầu vượt quá nguồn cung bị hạn chế bởi việc cắt giảm sản lượng sâu của nhà lãnh đạo OPEC Ả rập Xê út, triển vọng nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc và kỳ vọng tăng kích cầu ở Trung Quốc đóng vai trò lớn nhất trong đà tăng giá dầu thời gian gần đây…, các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu từ ngày 21/7 đến 01/8 liên tục có biến động tăng.
Cụ thể, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 21/7/2023 và kỳ điều hành ngày 01/8/2023 là: 99,689 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 6,569 USD/thùng, tương đương tăng 7,05% so với kỳ trước); 105,339 USD/thùng xăng RON95 (tăng 6,419 USD/thùng, tương đương tăng 6,49% so với kỳ trước).
Tương tự, dầu hỏa là 106,026 USD/thùng (tăng 8,414 USD/thùng, tương đương tăng 8,62% so với kỳ trước); dầu điêzen ở mức 108,716 USD/thùng (tăng 9,176 USD/thùng, tương đương tăng 9,22% so với kỳ trước); dầu mazut 180CST 3,5S là 501,251 USD/tấn (tăng 30,010 USD/tấn, tương đương tăng 6,37% so với kỳ trước).
Kỳ điều hành này, trước diễn biến giá xăng dầu thế giới nêu trên và các quy định hiện hành, liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định: Không trích lập Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu; tiếp tục không chi sử dụng Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng E5RON92, xăng RON95-III và dầu mazut 180CST 3,5S; chi Quỹ BOG đối với mặt hàng dầu điêzen 0.05S và mặt hàng dầu hỏa.
Phương án điều hành giá xăng dầu nêu trên nhằm góp phần bảo đảm biến động giá xăng dầu trong nước cơ bản phù hợp với biến động giá xăng dầu thế giới; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học theo chủ trương của Chính phủ; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu duy trì, cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.