Giai đoạn 2021-2030: Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng GDP 7%/năm
Vững vàng đi qua năm 2020 với nhiều biến động chưa từng có trong lịch sử, Việt Nam bước sang giai đoạn 2021 – 2030 với nhiều dấu ấn, thế và lực có nhiều chuyển biến.
Dự thảo chiến lược phát triển kinh tế -xã hội giai đoạn 2021-2030 có nhiều nội dung đổi mới, nhằm đáp ứng tốt hơn đòi hỏi của thực tiễn và yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Với quan điểm, Việt Nam tập trung phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; lấy cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước; tập trung xây dựng nền kinh tế tự chủ phải trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 -2030 đã khái quát mức độ phát triển kinh tế - xã hội mà Việt Nam phấn đấu ngang tầm khu vực và thế giới.
BA ĐỘT PHÁ CHIẾN LƯỢC
Trong giai đoạn 10 năm tới, Việt Nam kỳ vọng đạt tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 7%/năm. Đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Trong đó, GDP/người giá thực tế giai đoạn này đạt 4.700 - 5.000 USD, năm 2020, GDP/người đã đạt 3.521 USD. Đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. GDP/người giá thực tế đạt khoảng 7.500 USD. Hướng đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Để hiện thực hoá các mục tiêu chiến lược kể trên, dự thảo cũng chỉ ra ba đột phá chiến lược có tính lâu dài, quan trọng trong 10 năm tới (2021-2030).
Thứ nhất, đột phá về thể chế. Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại và hội nhập. Huy động, sử dụng các nguồn lực thực hiện theo cơ chế thị trường.
Thứ hai, đột phá nguồn nhân lực. Phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam.
Thứ ba, đột phá về hạ tầng. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin, đô thị lớn và hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu. Phát triển mạnh hạ tầng số, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.
Cho đến thời điểm năm 2020, giá trị gia tăng công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân đầu người của Việt Nam ước khoảng 900 USD/người. Dự kiến, chỉ tiêu này sẽ tăng lên đạt mức 2.000 USD/người vào năm 2030, khi Việt Nam trở thành nước công nghiệp (công nghiệp mới nổi).
Theo Tổ chức Phát triển Công nghiệp của Liên hợp quốc (UNIDO), nước công nghiệp (công nghiệp mới nổi) có tiêu chí giá trị gia tăng công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân đầu người từ 1.000 - 2.500 USD hoặc giá trị công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm trên 0,5% tổng giá trị công nghiệp chế biến, chế tạo toàn cầu. Trong khi để trở thành nước công nghiệp phát triển, phải đạt giá trị gia tăng công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân đầu người trên 2.500 USD hoặc GDP bình quân đầu người theo sức mua tương đương trên 20.000 USD.
ĐỔI MỚI SÁNG TẠO LÀ ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG CHÍNH
Để hoàn thành mục tiêu chiến lược đề ra, ba phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội sẽ được tập trung triển khai.
Thứ nhất, tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hoàn tất quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập theo thông lệ quốc tế. Huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực theo nguyên tắc thị trường. Xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý, thử nghiệm cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển các mô hình kinh tế mới, khởi nghiệp sáng tạo… Bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh, thực thi hợp đồng của người dân, doanh nghiệp.
Thứ hai, phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phát triển mạnh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Cho phép thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới, chấp nhận rủi ro cho việc triển khai và ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh mới. Quan tâm đầu tư đúng mức nghiên cứu khoa học cơ bản; tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ lõi, công nghệ số. Bên cạnh đó, lựa chọn và tập trung hỗ trợ triển khai nghiên cứu, ứng dụng phát triển công nghệ cho một số ngành và lĩnh vực then chốt. Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hình thành Hệ thống trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia. Thu hút sự tham gia đóng góp của cộng đồng các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ người Việt Nam ở nước ngoài.
Thứ ba, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Theo đó, đẩy mạnh phát triển một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực, thế giới. Thực hiện chuyển đổi số quốc gia một cách toàn diện để phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số. Ngoài ra, hoàn tất việc sắp xếp lại khối doanh nghiệp nhà nước. Tiền thu được từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tập trung đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm quốc gia. Đặc biệt, phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân của người Việt Nam cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Xoá bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân; hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hoá công nghệ, phát triển nguồn nhân lực. Khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế.
Thêm vào đó, chuyển trọng điểm chính sách thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài từ số lượng sang chất lượng, có giá trị gia tăng cao, lấy hiệu quả và công nghệ sử dụng làm thước đo chủ yếu, quan trọng nhất. Hợp tác đầu tư nước ngoài có trọng điểm, có chọn lọc, ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, quản trị hiện đại, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu, kết nối chặt chẽ, hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước.
(*): Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển, Bộ Kế hoạch & Đầu tư