Giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng mới ước đạt 46,44% kế hoạch

Ánh Tuyết
Chia sẻ

Ước giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng đạt 46,44% kế hoạch và đạt 51,34% kế hoạch Thủ tướng giao, thấp hơn so với cùng kỳ (55,8%). Hiện còn 19 bộ và 3 địa phương giải ngân ì ạch dưới 30%. Công tác chỉ đạo ở các địa phương thiếu quyết liệt, tâm lý sợ sai ở cấp cơ sở đang là lực cản tiến độ giải ngân...

Trong tháng 10, nguồn vốn chương trình phục hồi bổ sung hơn 38.000 tỷ vào kế hoạch vốn đầu tư công của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, vẫn chưa giải ngân nên kéo tỷ lệ giải ngân xuống thấp so với tổng số kế hoạch vốn được giao.
Trong tháng 10, nguồn vốn chương trình phục hồi bổ sung hơn 38.000 tỷ vào kế hoạch vốn đầu tư công của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, vẫn chưa giải ngân nên kéo tỷ lệ giải ngân xuống thấp so với tổng số kế hoạch vốn được giao.

Bộ Tài chính vừa ban hành Công văn số 10986/BTC-ĐT báo cáo tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước lũy kế 9 tháng, ước thực hiện 10 tháng kế hoạch năm 2022. 

CÓ 19 BỘ VÀ 3 ĐỊA PHƯƠNG GIẢI NGÂN DƯỚI 30%

Báo cáo của Bộ Tài chính nêu rõ, giải ngân vốn kế hoạch năm 2022, ước thanh toán từ đầu năm đến 31/10 là 297.774,16 tỷ đồng, đạt 46,44% kế hoạch và đạt 51,34%  chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2021 đạt 48,79% kế hoạch và đạt 55,80% chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao). 

Trong đó, vốn trong nước giải ngân 290.807,06 tỷ đồng, đạt 47,94% kế hoạch và đạt 53,31% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Còn vốn nước ngoài là 6.967,10 tỷ đồng, ì ạch đạt 20,14% kế hoạch và đạt 15,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Nguồn: Bộ Tài chính.
Nguồn: Bộ Tài chính.

Bộ Tài chính cho biết thêm trong tháng 10, tổng số kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương được bổ sung từ nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 38.155,353 tỷ đồng, bằng khoảng 6,6% tổng kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (bao gồm vốn cho nhiệm vụ, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch trung hạn là 19.570,446 tỷ đồng; vốn cho các nhiệm vụ không phải dự án đầu tư là 18.584,907 tỷ đồng).

"Số vốn này mới được Thủ tướng Chính phủ giao ngày 12/10 nên chưa giải ngân được, do vậy kéo tỷ lệ giải ngân xuống thấp so với tổng số kế hoạch vốn được giao", Bộ Tài chính nhìn nhận.

 

"Tỷ lệ ước giải ngân 10 tháng năm 2022 đạt 46,44% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao thì tỷ lệ giải ngân đạt 51,34%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (55,80%). Trong đó, vốn trong nước đạt 53,31% (cùng kỳ năm 2021 đạt 60,89%), vốn nước ngoài đạt 20,14% (cùng kỳ năm 2021 đạt 15,29%)".

Báo cáo của Bộ Tài chính.

Cũng theo Bộ Tài chính, có 11 bộ và 25 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 55%

Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Thanh tra Chính phủ (100%), Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (100%), Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (99,47%), Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (74,79%), Ngân hàng nhà nước (68,62%), Hội nhà báo Việt Nam (72,45%), Bình Định (79,6%), Tiền Giang (76,4%), Đồng Tháp (75,2%).

Tuy nhiên, vẫn còn 30/52 bộ và 17/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 45%.

Đáng nói, báo cáo của Bộ Tài chính chỉ rõ còn 19 bộ và 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 30% có thể kể đến như: gói hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống ngân hàng thương mại (0%); Uỷ ban dân tộc (2,41%); Viện Khoa học công nghệ Việt Nam (9,49%); Bộ Ngoại giao (13,56%); Bộ Y tế (20,73%), Hà Giang (26,39%), TP. Hồ Chí Minh (26,88%)...

Trong đó, việc triển khai một số Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội như 3 Chương trình mục tiêu quốc gia chưa đạt tiến độ. Riêng chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh… đến nay mới chỉ giải ngân "dậm chân tại chỗ" khoảng 0,03% (đạt 13,5/16.035 tỷ đồng) so với tổng số vốn của chương trình.

19 bộ và 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 30%.
19 bộ và 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 30%.

TÂM LÝ E NGẠI CẢN TIẾN ĐỘ GIẢI NGÂN

Nhiều ý kiến cho rằng đầu tư công được xem là đòn bẩy và là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế hồi sức sau đại dịch.  Tuy vậy, tỷ lệ giải ngân vẫn đạt thấp và vấn đề này đã được đề cập liên tiếp nhiều năm. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo rất quyết liệt nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện. 

Đáng chú ý, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, thời gian thực hiện chương trình là 5 năm, đến nay đã 2 năm trôi qua nhưng việc thực hiện còn chậm. Vốn Chương trình mục tiêu quốc gia mới phân bổ là 94,374 tỷ đồng (vốn trong nước) chiếm vỏn vẹn 0,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Để triển triển khai các chương trình, Chính phủ và các bộ, ngành ban hành 66 văn bản quản lý và phân bổ nguồn lực tổ chức thực hiện. Tính cả văn bản điều hành và văn bản giải đáp các vướng mắc, khó khăn của địa phương là 118 văn bản. Tuy nhiên, việc ban hành một số văn bản chậm, có văn bản hướng dẫn còn quy định nguyên tắc chung chung, chưa bao quát, đánh giá hết tình hình ở địa phương.

Phát biểu tại phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 tại tại Nhà Quốc hội ngày 28/10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, thừa nhận việc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia chậm do nhiều nguyên nhân.

Về nguyên nhân khách quan, do Chương trình mục tiêu là chương trình mới, nhiều đối tượng, nhiều dự án nhỏ lẻ, manh mún; quy trình, thủ tục theo các quy định của pháp luật cũng phức tạp; chương trình có nhiều dự án, nhiều ngành quản lý địa bàn rộng với tượng rộng và đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc ở các điểm, các từ cấp Trung ương cho những địa phương cũng còn hạn chế; hệ thống văn bản, pháp luật cũng có một số nội dung chưa được điều chỉnh, hoàn thiện. 

Về nguyên nhân chủ quan, việc ban hành văn bản ở các bộ, ngành, địa phương mặc dù đã có chỉ đạo phối hợp, tuy nhiên, cũng có những nội dung chưa được kịp thời; công tác chỉ đạo ở các địa phương chưa thực sự quyết liệt; phối hợp để phát hiện và rà soát, sửa đổi, bổ sung nhưng bất cập thì cũng có lúc chưa kịp.

Nhiều đại biểu đều đồng tình cho rằng thủ tục trình tự triển khai ở nhiều văn bản pháp luật có liên quan như Luật đất đai, Luật bảo vệ môi trường, Luật đấu thầu, Luật đầu tư công... mỗi giai đoạn phải tuân thủ nghiêm ngặt trình tự thủ tục nên triển khai chậm. Tuy nhiên, con người, bộ máy vẫn là khâu quyết định khi giải ngân vốn đầu tư công nhưng dù Chính phủ điều hành rất quyết liệt nhưng cấp cơ sở vẫn tồn tại tâm lý "sợ sai", "đùn đẩy", "sợ trách nhiệm"… 

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận thẳng thắn chia sẻ: "Có cán bộ tâm sự rằng, thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử". Ông cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề này, song nguyên nhân thứ nhất là chưa có sự đồng bộ của hệ thống pháp luật.

"Đối với vấn đề này thì áp dụng luật này thì đúng nhưng khi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra thì lại sai. Áp dụng vào thời điểm này thì đúng nhưng sau đó kiểm tra vào thời điểm khác thì lại sai. Một trong những vấn đề dễ sai nhất đó là xác định giá đất. Theo quy định hiện hành thì việc xác định giá đất hầu như bằng các yếu tố giả định nên không chính xác", ông Thông chỉ rõ.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận cho rằng chủ trương bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung chưa được cụ thể hoá.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận cho rằng chủ trương bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung chưa được cụ thể hoá.

Thứ hai, cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung đã được Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14 nhưng chủ trương đúng đắn đó chưa được cụ thể hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật nên cán bộ rất ngại trong quá trình công tác. Họ làm cầm chừng, không dám đột phá.

Phát biểu tranh luận tại hội trường, Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đồng tình với nhận định về tình trạng cán bộ công chức đùn đẩy, né tránh công việc gây chậm triển khai thực hiện nhiệm vụ. Nếu nói nguyên nhân là do vướng mắc của triển khai chính sách pháp luật thì chưa đủ mà qua nghiên cứu, tìm hiểu thì nguyên nhân chính là do con người, công đoạn tổ chức thực hiện và trách nhiệm của người đứng đầu.

Theo đó, đối với cán bộ năng lực hạn chế thì đúng là họ sợ, không dám làm.

Đối với cán bộ có năng lực nhưng ý thức, tinh thần cũng còn hạn chế và còn tình trạng nghe ngóng, né tránh. Ngoài ra, còn đối tượng cán bộ là đã làm ẩu, thiếu trách nhiệm khi thực hiện Luật Đất đai năm 2013 nhưng bây giờ không dám làm nữa hoặc làm cầm chừng, vì sợ sai như khi đã thực hiện.

Cũng theo báo cáo của Bộ Tài chính, ngoài các đơn vị đã điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2022 theo Nghị quyết số 584/NQ-UBTVQH15 ngày 31/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện nay, Bộ Tài chính nhận được văn bản đề nghị giảm kế hoạch vốn năm 2022 của 9 bộ, cơ quan trung ương là 5.352,525 tỷ đồng, bao gồm: Ủy ban Dân tộc; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Tài chính; Bộ Ngoại giao; Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Tòa án nhân dân tối cao; Bộ Công Thương; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con