Gói hỗ trợ lãi suất 2% và nghịch lý “có tiền nhưng khó tiêu”
Trong trường hợp được tháo gỡ về mặt chính sách nhưng với tâm lý e ngại của doanh nghiệp, dự báo thị trường không thể hấp thụ hết gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 2%...
Gói hỗ trợ lãi suất 2% đang là vấn đề nóng trên thị trường trong thời gian gần đây, bởi ít ai chấp nhận một thực tế "có tiền nhưng không thể tiêu".
Lý giải một phần câu chuyện này, tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2023 tổ chức sáng 27/12, bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước cho biết, sau khi các văn bản quy phạm pháp luật và giải đáp về chính sách được ban hành, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại chủ động rà soát để nắm bắt nhu cầu, thông báo, hướng dẫn khách hàng về hồ sơ, thủ tục; tích cực truyền thông, thông tin về chính sách bằng nhiều hình thức; thành lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh.
Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đã rà soát, đề xuất nội dung sửa đổi Nghị định 31 và đang lấy ý kiến các bộ, ngành trước khi báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định. Đây được cho là động thái góp sức đẩy nhanh tốc độ giải ngân gói hỗ trợ 40 nghìn tỷ.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 4 hội nghị toàn quốc, trong đó có 1 hội nghị trực tuyến với các bộ ngành, địa phương và ngân hàng thương mại do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì. Cùng đó, tổ chức các đoàn khảo sát liên ngành nhằm nắm bắt thực tế triển khai, kịp thời đôn đốc, trực tiếp xử lý, tháo gỡ khó khăn. Nhiều địa phương đã tổ chức triển khai chính sách rất bài bản, quyết liệt thông qua việc phối hợp với các Hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, Ban Tuyên giáo tỉnh...
"Theo đó, chưa có một chính sách nào mà ngành ngân hàng triển khai đồng bộ với tinh thần quyết liệt và khẩn trương như chính sách hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống các ngân hàng thương mại", bà Giang nói.
Tuy nhiên, kết quả giải ngân gói hỗ trợ lãi suất vẫn còn thấp, chưa như kỳ vọng. Tính đến cuối tháng 11/2022, doanh số cho vay của gói hỗ trợ lãi suất trên mới chỉ đạt gần 30.000 tỷ đồng, dư nợ gần 23.000 tỷ đồng với số tiền hỗ trợ lãi suất gần 78 tỷ đồng.
Bà Giang cho biết thêm qua khảo sát và báo cáo của các ngân hàng thương mại, vướng mắc lớn nhất khiến kết quả giải ngân gói hỗ trợ lãi suất còn thấp là các doanh nghiệp e ngại khi tham gia chương trình hỗ trợ giảm lãi suất, phải tuân thủ các thủ tục liên quan đến hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán về sau. Họ cân nhắc giữa lợi ích của việc được hỗ trợ 2% so với chi phí bỏ ra khi phải theo dõi hồ sơ, sổ sách và các quy định liên quan để phục vụ cho công tác kiểm tra, hậu kiểm sau này. Trong trường hợp bị thu hồi khoản hỗ trợ, doanh nghiệp sẽ rất khó xử lý, bởi việc hạch toán và chia cổ tức một khi đã thực hiện thì sẽ khó thu lại.
Bên cạnh đó, theo quy định, để được hưởng hỗ trợ, các doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện có khả năng trả nợ và có khả năng phục hồi. Các doanh nghiệp và ngân hàng cho rằng, dù đánh giá doanh nghiệp có khả năng trả nợ, tuy nhiên trong bối cảnh nền kinh tế có sự biến động lớn hiện nay, việc đánh giá doanh nghiệp có khả năng phục hồi hay không là rất khó khăn. Nếu tại thời điểm thanh kiểm toán, doanh nghiệp được đánh giá không có khả năng phục hồi thì có thể bị thu hồi lại phần tiền đã được hỗ trợ hoặc bị quy trục lợi chính sách.
“Tâm lý e ngại của khách hàng và tiêu chí đánh giá khả năng phục hồi là 2 vướng mắc chính khiến gói hỗ trợ giải ngân còn chậm. Trong trường hợp có tháo gỡ về mặt cơ chế chính sách, tức là có hướng dẫn cụ thể hơn về tiêu chí đánh giá khả năng phục hồi của doanh nghiệp thì khả năng hấp thụ chính sách có thể tăng lên. Tuy nhiên, thị trường cũng không thể hấp thụ hết gói 40.000 tỷ đồng, vì tâm lý e ngại của doanh nghiệp lên tới 67% rồi”, bà Giang cho hay.
Trước đó, báo cáo của các ngân hàng thương mại cho biết, hầu hết doanh nghiệp hiện nay kinh doanh đa ngành nghề, có ngành nghề được hỗ trợ, có ngành thì không, việc bóc tách ra để hỗ trợ là rất khó khăn. Mặt khác, điều kiện thị trường hiện tại khác nhiều so với thời điểm xây dựng chính sách. Các doanh nghiệp mong muốn các chính sách hỗ trợ mang tính trực tiếp hơn, như chính sách miễn, giảm thuế….
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Chính phủ đã nỗ lực có các giải pháp nhằm hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, trong đó có gói hỗ trợ lãi suất 2%. Tuy nhiên, gói hỗ trợ này đang đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến pháp lý.
Cụ thể, nguồn vốn hỗ trợ là tiền của ngân sách, nguy cơ rủi ro cao nên các ngân hàng thương mại rất ngại, thậm chí ngay cả người vay cũng rất thận trọng vì sau này còn thanh tra, kiểm tra. Bên cạnh đó, bản thân gói hỗ trợ lãi suất 2% không tạo nên động lực thực thi, bởi nguy cơ cao nhưng lợi ích rất nhỏ. Do đó, các ngân hàng thương mại không mặn mà.
Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đã rà soát, đề xuất nội dung sửa đổi Nghị định 31 và đang lấy ý kiến các bộ, ngành trước khi báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.