Hà Nội "doạ" thu hồi khu du lịch quốc tế Tản Viên của PVR
Nếu PVR không trình đủ hồ sơ để thẩm định đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án Khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên thì Hà Nội sẽ xem xét thu hồi
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Công văn yêu cầu sở, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện các kiến nghị của Đoàn giám sát của Thường trực HĐND thành phố về 3 dự án chậm triển khai theo kiến nghị của cử tri huyện Ba Vì.
Cụ thể, đối với dự án xây dựng Khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên, UBND thành phố Hà Nội giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở Quy hoạch Kiến trúc, Tài chính và đơn vị liên quan tiến hành đánh giá khả năng triển khai thực hiện dự án tại thời điểm hiện nay.
Nếu nhà đầu tư không trình Sở Quy hoạch Kiến trúc đủ hồ sơ để thẩm định đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án theo cam kết thì báo cáo đề xuất, kiến nghị UBND thành phố xem xét thu hồi dự án theo quy định của Luật Đất đai và lựa chọn nhà đầu tư khác để triển khai dự án theo quy định.
Dự án Khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên do Công ty Cổ phần Kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam (mã chứng khoán PVR - UpCOM) là nhà đầu tư.
Dự án này được duyệt quyết định đầu tư từ năm 2008, với quy mô 1.024,8 ha, tổng mức đầu tư 4.690 tỷ đồng.
Do Hà Nội sát nhập với Hà Tây, dự án đã phải tạm ngừng triển khai đến tháng 5/2010. Bên cạnh đó, quy mô của dự án cũng bị cắt giảm từ 1.024,8ha xuống chỉ còn 183,6 ha, tổng vốn đầu tư giảm từ 4.690 tỷ đồng xuống còn 3.500 tỷ đồng.
Dự án có khoảng 500 biệt thự sân golf, biệt thự nghỉ dưỡng, khu công viên thể thao nước quy mô 4,7 ha, khu khách sạn và giải trí cao cấp rộng 4,5 ha, bến thuyền, sân tennis, sân bóng chuyền, nhà hàng, spa…
Tháng 3/2014, PVR từng thông qua các đề xuất của giám đốc công ty về tình hình triển khai dự án, đồng thời giao giám đốc công ty chủ động làm việc với đơn vị tư vấn lập quy hoạch chi tiết dự án sau đó lập lại dự án đầu tư và tìm kiếm đối tác để thoái vốn hoặc ký thỏa thuận hợp tác đầu tư.
Tuy nhiên đến nay PVR vẫn chưa tìm được đối tác để chuyển nhượng lại dự án.
Đối với dự án Nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) do Công ty Cổ phần Tập đoàn xây dựng và Du lịch Bình Minh là nhà đầu tư. UBND thành phố Hà Nội giao Sở Quy hoạch Kiến trúc thẩm định hồ sơ điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án phù hợp với hiện trạng, đảm bảo khớp nối hạ tầng khu vực và theo đúng quy định, trình UBND thành phố.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì kết hợp với UBND huyện Ba Vì kiểm tra, xử lý các trường hợp khai thác tài nguyên trái phép trên địa bàn huyện Ba Vì; sớm thống nhất với Trường Trung cấp kỹ thuật Công binh (Bộ Quốc phòng) về tiến độ cụ thể di dời Trường Trung cấp kỹ thuật Công binh để bàn giao ngay cho nhà đầu tư các vị trí đủ điều kiện.
Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn và yêu cầu nhà đầu tư có cam kết cụ thể về tiến độ giải ngân vốn, tiến độ thi công công trình và kịp thời đề xuất xử lý nếu nhà đầu tư vi phạm cam kết.
Đối với Dự án đầu tư tiếp nước, cải tạo, khôi phục sông Tích, thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính ưu tiên bố trí kế hoạch vốn đảm bảo theo tiến độ thực hiện dự án trọng điểm; báo cáo Trung ương chấp thuận bổ sung nguồn vốn trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho dự án.