Hải Phòng dự chi hơn 483.000 tỷ đồng chống ngập lụt
Giai đoạn từ nay đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng dự kiến sẽ huy động hơn 483.000 tỷ đồng để triển khai quy hoạch và đầu tư các dự án công trình chống ngập…

Nhằm phát triển hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu, khắc phục tình trạng ngập lụt kéo dài ở nhiều khu vực do tác động của tốc độ đô thị hoá và tình trạng nước biển dâng cao, Hải Phòng sẽ thực hiện điều chỉnh quy hoạch cao độ nền, thực hiện các giải pháp thoát nước để cải thiện môi trường đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
NHIỀU KHU VỰC BỊ NGẬP LỤT KÉO DÀI
Theo Sở Xây dựng Hải Phòng, tại 16 khu vực khu đô thị cũ của thành phố, mỗi khi có mưa lớn, kéo dài kết hợp triều cường cao sẽ gây ra ngập úng sâu từ 50 - 100 cm, thời gian tiêu thoát nước kéo dài từ 4 - 8 giờ. Các vùng trũng trên địa bàn khu đô thị mới như thành phố Thuỷ Nguyên, quận An Dương, khu vực đô thị tại các huyện như thị trấn Cát Bà, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Kiến Thuỵ, An Lão cũng có hiện tượng ngập cục bộ kéo dài từ 2 - 4 giờ mỗi khi có mưa lớn, kéo dài.
Nguyên nhân là do khu đô thị cũ có hệ thống hồ điều hoà thấp, chỉ đạt khoảng 0,62% quỹ đất trong quy chuẩn tối thiểu từ 5-7% diện tích đất xây dựng đô thị. Quá trình bê tông hoá đô thị làm giảm tỷ lệ mặt đất trồng cây xanh để thẩm thấu nước bề mặt, hệ thống cống ngăn triều, hệ thống thoát nước đô thị cũ dù đã được đầu tư nâng cấp, cải tạo nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thoát nước.
Trong khi đó, các khu đô thị mới, khu ngoại thành gia tăng tình trạng san lấp hồ ao, hệ thống thoát nước đầu tư riêng rẽ nhỏ lẻ, chưa có hệ thống thoát nước hoàn chỉnh, việc thoát nước mưa chủ yếu phụ thuộc độ dốc địa hình rồi chảy ra hệ thống kênh mương thuỷ lợi phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp nên khả năng tiêu thoát nước mặt bị hạn chế.
Sở Xây dựng TP. Hải Phòng đánh giá trong bối cảnh Hải Phòng ngày càng bị ảnh hưởng bởi biến đối khí hậu, nước biển dâng (trong 10 năm gần đây mực nước biển dâng tăng 20cm), mỗi khi có những cơn mưa cường độ từ 60 - 297mm kết hợp thuỷ triều dâng hoặc khi các hồ thượng nguồn sông Đà, hồ Thác Bà, sông Hồng xả lũ sẽ khiến tình trạng ngập lụt của Hải Phòng gia tăng. Thời gian ngập ứng kéo dài ảnh hưởng đến nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân.
HƠN 483.000 TỶ ĐỒNG NÂNG CẤP HỆ THỐNG THOÁT NƯỚC
Theo Sở Xây dựng, Hải Phòng là đô thị nằm trên bờ biển Đông, dễ bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và khí hậu cực đoan, nâng cao năng lực ứng phó của cộng đồng, Hải Phòng phải tích hợp các biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu vào các quy hoạch phát triển đô thị. Trong đó, quan trọng nhất là định hướng quy hoạch cao độ nền với quy hoạch thoát nước mặt để nâng cao ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đối với cao độ nền các công trình xây dựng dân dụng, tuỳ từng khu vực sẽ được yêu cầu thiết kế cao độ nền cao hơn quy chuẩn hiện hành (cao độ mực nước) từ 15 - 45cm. Tương ứng, công trình xây dựng công nghiệp phải có cao độ nền cao hơn 20cm so với công trình xây dựng dân dụng tại cùng khu vực để chống ngập lụt cục bộ do biến đổi khí hậu và hình thái thời tiết cực đoan có thể tác động đến Hải Phòng.
Thêm nữa, Hải Phòng quy hoạch 7 tiểu vùng lưu vực thoát nước mặt có thêm các hạng mục hồ điều hoà, hồ chứa nước, nạo vét kênh tiêu thoát nước, xây dựng cống ngăn triểu, trạm bơm tiêu thoát nước mưa cũng như cứng hoá, cải tạo, bổ sung mở rộng các tuyến trục thoát nước, cống ngầm qua khu vực đô thị lịch sử, đô thị cũ để kịp thời điều tiết tiêu thoát nước mưa ra khu vực các sông, biển quanh thành phố.
Theo đó, giai đoạn từ nay đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng dự kiến sẽ huy động tổng nguồn vốn đầu tư là hơn 483.000 tỷ đồng để đầu tư các dự án công trình chống ngập. Cụ thể, là nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới hơn 1.012 km kênh mương trục chính, xây dựng 1.232 km cống thoát nước mưa, xây dựng cải tạo hơn 1.093 ha hồ điều hoà, kè hơn 17.315m hồ, kênh mương. Giai đoạn này cũng sẽ đầu tư xây dựng các trạm bơm tiêu nước có tổng công suất tiêu thoát nước đạt mức 1.173m3/s, đắp hơn 1 tỷ m3 đất nền.
ƯU TIÊN 5 DỰ ÁN CHỐNG NGẬP
Để sớm giải quyết tình trạng ngập cấp bách, Sở Xây dựng Hải Phòng cho rằng cần cải tạo một số tuyến sông hồ để chủ động tiêu thoát nước, tạo cảnh quan môi trường. Cụ thể, Hải Phòng cần ưu tiên triển khai 9 dự án gồm 3 dự án vay vốn ODA, 6 dự án sử dụng vốn ngân sách thành phố. Theo Sở Xây dựng, giai đoạn từ nay đến năm 2030, cần ưu tiên thực hiện 5 dự án chống ngập lụt (trong số 9 dự án) gồm 1 dự án sử dụng vốn ODA là dự án phát triển hệ thống thoát nước xanh và cải thiện môi trường bền vững vùng lưu vực sông Đa Độ tổng mức đầu tư dự kiến 10.000 tỷ đồng từ nguồn vay Ngân hàng Thế giới (WB) và 4 dự án sử dụng vốn ngân sách thành phố.
Trong 4 dự án sử dụng ngân sách ưu tiên giai đoạn này, dự án thứ nhất là đầu tư xây dựng hệ thống công trình đầu mối hạ lưu kênh An Kim Hải có tổng mức đầu tư cao nhất, hơn 1.828 tỷ đồng để đầu tư 3 hạng mục chính gồm cải tạo mở rộng 8km kênh An Kim Hải (đoạn từ đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng ra đến cửa biển), xây dựng đập điều tiết và ngăn triều ngập mặn, xây dựng trạm bơm tiêu thoát nước có công suất 80m3/s.
Dự án thứ hai là giải quyết ngập lụt tại các “điểm đen” khu vực đường Hùng Vương (quận Hồng Bàng), nâng cấp cải tạo hệ thống thoát nước, hồ điều hoà, trạm bơm nước trên địa bàn các quận Lê Chân, Hải An, Kiến An có tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng.
Dự án thứ ba là đầu tư xây dựng công trình thoát nước đầu mối lưu vực Bắc Nam Hùng có tổng mức đầu tư hơn 871 tỷ đồng để thực hiện 3 hạng mục đầu tư chính gồm cải tạo đoạn kênh Bắc Nam Hùng có chiều dài 6,5 km (từ kênh An Kim Hải đến trạm bơm Bắc Nam Hùng), xây dựng cống ngăn triều cường nối ra sông Cấm và xây dựng trạm bơm Bắc Nam Hùng có công suất 10m3/s.
Dự án thứ tư là đầu tư xây dựng cải tạo môi trường kênh Kim Xá có tổng mức đầu tư hơn 143 tỷ đồng với các hạng mục chính là cải tạo mở rộng 2,8 km kênh Kim Xá (từ cống Kim Sơn đến kênh An Kim Hải), xây dựng đập điều tiết trước cống Đồng Thiều trên kênh An Kim Hải.
Theo Sở Xây dựng Hải Phòng, với việc thực hiện nâng cao độ nền xây dựng, triển khai các dự án công trình tiêu thoát nước, tình trạng ngập lụt xảy ra nhiều năm tại nhiều khu vực sẽ được giảm thiểu, giúp Hải Phòng thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
9 dự án chống ngập Hải Phòng dự định triển khai giai đoạn đến 2040, tầm nhìn 2050:
3 dự án sử dụng vốn ODA: Dự án phát triển Hải Phòng thích ứng với biến đổi khí hậu; Dự án phát triển bền vững Đông Nam Hải Phòng thích ứng biến đối khí hậu; Dự án phát triển hệ thống thoát nước xanh và cải thiện môi trường lưu vực sông Đa Độ. Các dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 16.025 tỷ đồng sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) và tổ chức tài chính JICA để giảm ngập úng tại các quận Hồng Bàng, Hải An, An Dương, Đồ Sơn, Dương Kinh, Kiến An và thành phố Thuỷ Nguyên.
6 dự án sử dụng vốn ngân sách thành phố gồm: Dự án xây dựng hệ thống thoát nước khu vực Nam sông Giá (giảm ngập khu vực Bắc sông Cấm); Dự án xây dựng hệ thống thoát nước khu vực phường Đằng Lâm (quận Hải An); Dự án giải quyết điểm ngập lụt thường xuyên tại các khu vực đô thị cũ, dự án xây dựng công trình đầu mối hạ lưu kênh An Kim Hải (giảm thiểu ngập lụt cải thiện môi trường lưu vực khu công nghiệp Đình Vũ); Dự án xây dựng công trình thoát nước đầu mối lưu vực Bắc Nam Hùng (giảm thiểu ngập lụt, cải thiện môi trường lưu vực Bắc Nam Hùng); Dự án cải tạo môi trường khu vực kênh Kim Xá (giảm thiểu ngập lụt, bảo vệ nguồn nước khu vực Bắc đường 5).