Đầu tư kỹ thuật số Malaysia tăng vọt 125% trong quý II
Đầu tư kỹ thuật số vào Malaysia tăng vọt trong quý II/2025, đạt gần 7 tỷ USD. Sáng kiến Malaysia Digital đang khẳng định vai trò trung tâm của quốc gia này trong nền kinh tế số khu vực ASEAN…

Nguồn vốn đầu tư kỹ thuật số của Malaysia theo sáng kiến chiến lược quốc gia Malaysia Digital (MD) ghi nhận tăng vọt 125% lên 29,47 tỷ ringgit (6,95 tỷ USD) trong quý II/2025, tăng từ mức 13,11 tỷ ringgit (3,09 tỷ USD) trong quý đầu tiên, theo Tập đoàn Kinh tế Kỹ thuật số Malaysia (MDEC) công bố vào đầu tuần.
Cơ quan chính phủ này cho biết trong tuyên bố rằng nền kinh tế kỹ thuật số Malaysia tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi niềm tin bền vững từ nhà đầu tư cùng với hệ sinh thái sôi động về đổi mới, nhân tài và cơ sở hạ tầng, Technode Global đưa tin.
NIỀM TIN NHÀ ĐẦU TƯ TOÀN CẦU THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG ĐỘT PHÁ CỦA MALAYSIA DIGITAL
Mức tăng trưởng ngầm khẳng định vị thế của Malaysia như điểm đến ưu tiên cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực kỹ thuật số trong khu vực ASEAN.
Tính đến tháng 6/2025, 261 công ty được phê duyệt theo sáng kiến MD đã cam kết đầu tư tổng cộng 42,58 tỷ ringgit (10,05 tỷ USD), với tiềm năng tạo ra 17.495 việc làm trong lĩnh vực trong vòng 5 năm tới.
Bộ trưởng Bộ Kỹ thuật số, ông Gobind Singh Deo, mô tả đà tăng trưởng mạnh mẽ là "sự tăng trưởng vượt trội, phản ánh rõ nét về mức độ sẵn sàng kỹ thuật số quốc gia, sức mạnh của hệ sinh thái đổi mới và niềm tin mà nhà đầu tư toàn cầu dành cho tương lai của Malaysia".
“Vượt xa các con số, những khoản đầu tư còn đại diện cho hàng ngàn cơ hội việc làm đối với lao động địa phương và là động lực dài hạn cho nền kinh tế kỹ thuật số của Malaysia. Sáng kiến MD là nền tảng đã được chứng minh nhằm thúc đẩy đổi mới toàn diện và nâng cao vị thế tiên phong trong không gian kỹ thuật số khu vực”, ông Gobind cho biết thêm.
Theo tuyên bố, ba nguồn đầu tư kỹ thuật số được phê duyệt hàng đầu tính đến tháng 6/2025 đến từ: các nhà đầu tư có trụ sở tại Singapore, với cam kết 13,91 tỷ ringgit (3,28 tỷ USD), chiếm 33% tổng vốn đầu tư; tiếp theo là Hoa Kỳ, với 6,44 tỷ ringgit (1,52 tỷ USD), chiếm 15%; và cuối cùng là Trung Quốc, với 2,97 tỷ ringgit (700 triệu USD), chiếm 7%.
Dẫn đầu lĩnh vực đầu tư là mảng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, đóng góp 30,95 tỷ ringgit (7,3 tỷ USD) và dự kiến tạo ra 1.440 việc làm, nhờ nhu cầu cao về hạ tầng dữ liệu khu vực.
Đáng chú ý, riêng các công ty trung tâm dữ liệu đã cam kết 13,45 tỷ ringgit (3,17 tỷ USD), cho thấy rõ niềm tin của nhà đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật số và khả năng kết nối của Malaysia.
Một số lĩnh vực khác ghi nhận tăng trưởng nhanh và mở rộng bao gồm: Trí tuệ nhân tạo (AI), thu hút 3,29 tỷ ringgit (780 triệu USD) đầu tư, với khoảng 6.920 việc làm được tạo ra, chiếm 40% tổng số việc làm dự kiến; dịch vụ kinh doanh toàn cầu (GBS) với số vốn đầu tư đạt 4,99 tỷ ringgit (1,18 tỷ USD), được kỳ vọng tạo ra 5.632 việc làm, tương đương 32% tổng số việc làm tạo mới.
Tổng Giám đốc Điều hành MDEC, ông Anuar Fariz Fadzil, nhấn mạnh kết quả cụ thể từ Malaysia Digital không chỉ phản ánh khối lượng đầu tư mà còn thể hiện tác động thực tế tại chỗ.
“Quy mô và chất lượng của các khoản đầu tư theo Malaysia Digital phản ánh trọng tâm của chúng tôi là thúc đẩy tác động có tính chất xúc tác — về giá trị, đổi mới và tạo việc làm. MDEC sẽ tiếp tục tăng cường việc hỗ trợ nhà đầu tư, phát triển nhân lực và hợp tác hệ sinh thái để đảm bảo rằng Malaysia vẫn là nền kinh tế kỹ thuật số năng động và sẵn sàng cho tương lai trong khu vực”, nhà lãnh đạo bổ sung.
Ông Gobind cũng kết luận rằng khi sáng kiến Malaysia Digital tiếp tục thu hút mạnh mẽ sự quan tâm toàn cầu, Bộ Kỹ thuật số và MDEC vẫn kiên định với cam kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế kỹ thuật số, phát triển đổi mới và tính bao trùm, đồng thời củng cố vị thế của Malaysia như trung tâm kỹ thuật số hàng đầu Đông Nam Á.