Hàng trăm tấn vàng được “tuồn lậu” từ châu Phi sang Arab
Hơn 435 tấn vàng được xuất lậu khỏi châu Phi trong năm 2022, tương đương hơn 1 tấn vàng được buôn lậu mỗi ngày, một báo cáo cho hay..
Mỗi năm, một số lượng vàng được sản xuất thủ công và từ các mỏ quy mô nhỏ ở châu Phi trị giá tới 35 tỷ USD, được buôn lậu khỏi châu lục này. Phần lớn số vàng đó được đưa vào Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) - theo một nghiên cứu mới đây từ tổ chức SwissAid của Thuỵ Sỹ.
“Hơn 435 tấn vàng được xuất lậu khỏi châu Phi trong năm 2022, tương đương hơn 1 tấn vàng được buôn lậu mỗi ngày”, báo cáo công bố ngày 30/5 của SwissAid cho biết. Nếu tính theo giá vàng ở thời điểm đầu tháng 5, số vàng này có trị giá gần 31 tỷ USD.
“Phần lớn số vàng đó được nhập lậu vào UAE trước khi tái xuất khẩu sang các quốc gia khác”, theo báo cáo.
Báo cáo này cũng nói vàng phần lớn vàng công nghiệp mà các nước châu Phi xuất khẩu có điểm đến là Nam Phi, Thuỵ Sỹ và Ấn Độ. Vàng công nghiệp - bộ phận chiếm khoảng 11% tổng sản lượng vàng ở châu Phi - được dùng cho y tế, sản xuất đồ điện tử, ô tô, công nghiệp hàng không và quốc phòng. Tuy nhiên, khoảng 80-85% vàng sản xuất thủ công và từ các mỏ vàng nhỏ - còn gọi là vàng ASM - của châu Phi được xuất sang UAE.
Châu Phi là một trong những khu vực sản xuất và xuất khẩu vàng lớn nhất trên thế giới.
Nói chung, ba nước nhập khẩu nhiều vàng từ châu Phi nhất là UAE, Thuỵ Sỹ và Ấn Độ. Gần 80% toàn bộ sản lượng vàng của “lục địa đen” được bán sang ba quốc gia này trong năm 2022. Trong đó, riêng UAE chiếm hơn 47%.
Về vàng buôn lậu khỏi châu Phi - những trường hợp vàng được xuất ra nước ngoài mà không được báo cáo - phần lớn số vàng chỉ được công bố khi nhập khẩu vào một quốc gia khác ngoài châu lục này. Chỉ khi đó, số vàng đó mới có được sự tồn tại hợp pháp.
Khi vàng được đưa ra thị trường quốc tế và được công bố nhập khẩu vào một quốc gia như UAE, vàng đó có thể được xuất khẩu hợp pháp sang các quốc gia khác. SwissAid cho biết luật pháp của những nước nhập khẩu vàng như vậy thường lỏng lẻo khi xét đến nguồn gốc thực sự của vàng.
Chẳng hạn theo luật của Thuỵ Sỹ, địa điểm cuối cùng của quy trình chế biến được coi là “nơi xuất xứ” của vàng. Điều đó có nghĩa là vàng được tái xuất khẩu từ UAE sẽ được coi là vàng có nguồn gốc từ nước này cho dù vàng đó ban đầu đến từ một nơi khác.
“Đây là một vấn đề, vì trong suốt nhiều năm, vàng lậu có khả năng liên quan tới các cuộc xung đột hoặc vi phạm nhân quyền đã được nhập khẩu một cách hợp pháp vào Thuỵ Sỹ”, báo cáo viết.
Nghiên cứu của SwissAid đòi hỏi theo dõi chuyển động của vàng - một hàng hoá được ưa chuộng trên toàn cầu, trong một ngành công nghiệp có mức độ minh bạch thấp mà ở đó, sản phẩm được sang tay và mua đi bán lại giữa các quốc gia nhiều lần trong quá trình khai khoáng, bán, vận chuyển, chế biến, tái chế biến, tinh luyện… trước khi được đưa đến điểm bán cuối cùng.
Các tác giả thực hiện nghiên cứu này đã tiến hành nghiên cứu định lượng đối với “hoạt động sản xuất và giao dịch vàng, bao gồm cả được công bố và không được công bố, tại toàn bộ 54 nước châu Phi trong thời gian hơn 10 năm”, nhằm làm sáng tỏ những hoạt động mà SwissAid cho là thiếu công bằng và sự lơ là của các chính phủ. Báo cáo kêu gọi hành động mạnh mẽ hơn để tăng cường giám sát đối với ngành công nghiệp vàng.
“Những số lượng vàng lớn được buôn lậu khỏi châu Phi. Các biện pháp kiểm soát hải quan và kiểm soát tại các điểm sản xuất vàng là không đủ. Một số thống kê thiếu rõ ràng và số khác bị làm giả”, báo cáo viết. “Các chính phủ không thể để cho tình trạng thiếu dữ liệu và thiếu thông tin tiếp tục biện minh cho việc họ thiếu hành động. Thay vào đó, các chính phủ cần gánh vàng trách nhiệm, nhất là về đẩy mạnh kiểm soát và có các biện pháp để chính thức hoá ngành công nghiệp vàng”.