Hé lộ mức độ chênh lệch học phí giữa các ngành học
Cho đến thời điểm này, đa phần trường đại học đã công bố đề án tuyển sinh 2023, trong đó dự kiến mức học phí sẽ thu trong năm học 2023-3024. Từ đó cũng cho thấy có nhiều mức độ chênh lệch giữa các ngành học...
Theo Nghị định 81, từ năm học 2023-2024, mức trần học phí đối với các trường đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên là 13,5 - 27,6 triệu đồng/năm học (10 tháng), tuỳ từng khối ngành.
Trong đó, khối ngành Y dược có mức trần học phí cao nhất 27,6 triệu đồng/năm học, kế đến là nhóm ngành sức khỏe khác. Thấp nhất là nhóm ngành Nghệ thuật với 13,5 triệu đồng/năm học.
Trên thực tế, sự chênh lệch mức đóng học phí còn phụ thuộc vào các yếu tố là ngành học “hot”, chương trình đào tạo đã kiểm định chất lượng, hệ chất lượng cao, chương trình liên kết….
Đối với nhóm ngành kinh tế, mức học phí tại Học viện Tài chính từ 22- 24 triệu đồng/năm với các ngành đào tạo chương trình chuẩn; chương trình chất lượng cao từ 48-50 triệu đồng/năm.
Tại Học viện Ngân hàng, mức học phí với chương trình chất lượng cao là 32,5 triệu đồng/năm; các chương trình liên kết có học phí từ 320 triệu đồng – 345 triệu đồng/năm.
Tại Đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến thu từ 16 triệu đồng – 22 triệu đồng/năm; Đại học Ngoại thương từ 22 triệu đồng/năm với chương trình đại trà….
Còn tại Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), học phí dự kiến cho khóa học năm 2023 -2024 là 44 triệu đồng. Trong đó, ngành Quản trị kinh doanh dành cho các tài năng thể thao có mức đóng học phí dự kiến là 98 triệu đồng/sinh viên/khóa học.
Nhóm trường đại học thành viên, trường và khoa trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đã có thông tin học phí cụ thể. Theo đó, năm học 2023-3024, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) áp mức học phí 15 triệu đồng/năm đối với các chương trình đào tạo chuẩn. Riêng các chương trình đào tạo đã kiểm định chất lượng, mức học phí dự kiến dao động từ 20 – 35 triệu đồngnăm.
Trong đó, các ngành có mức học phí cao nhất là ngành Quản trị khách sạn, Quan hệ công chúng dự kiến là 35 triệu đồng/năm.
Tại Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội, các ngành Khoa học máy tính và thông tin, Hóa học, Công nghệ Kỹ thuật hóa học, Hóa dược, Sinh học, Công nghệ sinh học, Công nghệ kỹ thuật môi trường thu học phí 3,5 triệu đồng/tháng. Đây là các chương trình đào tạo đã kiểm định chất lượng. Mức thu học phí theo đề án định mức kinh tế kỹ thuật.
Đối với các ngành cơ bản gồm Toán học, Toán tin, Khoa học dữ liệu, Vật lý học, Công nghệ kỹ thuật hạt nhân, Kỹ thuật điện tử và tin học, Địa lý tự nhiên… có mức học phí dự kiến từ 1,52 triệu đồng – 2,5 tiệu đồng.
Tại Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), mức thu học phí với 12 ngành gồm Công nghệ nông nghiệp, Công nghệ kỹ thuật xây dựng, Công nghệ hàng không vũ trụ, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật máy tính, Vật lý kỹ thuật, Cơ kỹ thuật, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa; Kỹ thuật năng lượng, Công nghệ thông tin định hướng thị trường Nhật Bản, Kỹ thuật Robot, Trí tuệ nhân tạo có mức học phí dự kiến 28,5 triệu đồng/năm.
Còn các ngành Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, Khoa học máy tính, Công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông, Hệ thống thông tin, Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu có mức học phí cao hơn là 35 triệu đồng/năm học.
Tại Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) thì các chương trình đào tạo gồm Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Pháp, Ngôn ngữ Trung Quốc, Ngôn ngữ Đức, Ngôn ngữ Nhật, Ngôn ngữ Hàn Quốc sẽ thu học phí là 35 triệu đồng/sinh viên/năm (không thay đổi toàn kháo học).
Với các chương trình khác là Ngôn ngữ Nga, Ngôn ngữ Ả Rập thì mức học phí thấp hơn là 21 triệu đồng/sinh viên/năm. Chương trình đào tạo ngành Văn hóa và truyền thông xuyên quốc gia sẽ thu 15 triệu đồng/sinh viên/năm.
Riêng chương trình liên quốc tế ngành Kinh tế - Tài chính (bằng do trường Southern New Hampshire - Mỹ cấp), mức học phí lên đến 60 triệu đồng/sinh viên/năm.
Tại Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) thì ngành học có mức học phí cao nhất là Luật Chất lượng cao với mức thu toàn khóa khoảng 135,1 triệu đồng; tiếp đến là đến Luật Kinh doanh là 121, 6 triệu đồng/ toàn khóa học; Luật thương mại quốc tế là 114,9 triệu đồng/toàn khóa học.
Tại Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng có mức chênh lệch học phí rõ rệt giữa các ngành. Cụ thể, ngành Y khoa có học phí là 55 triệu đồng/năm; Ngành Dược học là 51 triệu đồng/năm, các ngành còn lại dao động là 276 triệu đồng/năm.
Tại Trường Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), chương trình đào tạo song bằng do Đại học Quốc gia Hà Nội và trường đối tác cùng cấp bằng thì mức học phí lên đến 450,8 triệu đồng.
Còn các ngành học do Đại học Quốc gia Hà Nội cấp bằng thì ngành Kỹ sư Tự động hóa và Tin học có mức học phí cao nhất là 231,2 triệu đồng/toàn khóa học. Tiếp đến là ngành Kinh doanh quốc tế; Kế toán, Phân tích và Kiểm toán có mức học phí 202, 4 triệu đồng/toàn khóa học. Các ngành còn lại dao động từ 170 triệu đồng – 198 triệu đồng/khóa học.
Tại Trường Quản trị và Kinh doanh (Đại học Quốc gia Hà Nội), học phí dự kiến ngành Quản trị và An ninh (MAS) có mức học phí 280 triệu đồng/khóa học; ngành Quản trị doanh nghiệp và công nghệ là 245 triệu đồng/khóa học; ngành Marketing và Truyền thông là 235 triệu đồng/khóa học.
Tại Khoa Các Khoa học liên ngành (Đại học Quốc gia Hà Nội) thì các ngành học Quản trị thương hiệu, Quản trị Tài nguyên di sản, Quản lý giải trí và sự kiện, Quản trị Đô thị thông minh và bền vững có mức học phí là 2,82 triệu đồng/1 tháng; còn khoa Thiết kế sáng tạo là 2,7 triệu đồng/1 tháng.