Hiệu lực của liều vaccine thứ 4 giảm đáng kể sau thời gian ngắn
Nhiều quốc gia hiện đang mở rộng các chương trình tiêm mũi bổ sung thứ 2 hoặc rút ngắn khoảng cách giữa các mũi tiêm nhằm nỗ lực chống lại các biến thể mới phát hiện của virus SARS-CoV-2...
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) tuyên bố rút ngắn thời gian tiêm mũi 4 cho người từ 50 tuổi trở lên sớm nhất là sau 4 tháng tiêm mũi 3. Loại vaccine được sử dụng là Pfizer và Moderna. Những người bị suy giảm miễn dịch khác cũng có thể tiêm liều thứ 4 ở Mỹ. Quốc gia này đang đứng trước cuộc tranh luận có tiêm mũi 4 đại trà cho dân số hay không.
Trong khi đó, EMA, cơ quan quản lý dược phẩm của Liên minh châu Âu (EU), mới đây đã cấp phép tiêm mũi vaccine phòng Covid-19 thứ 4 cho người từ 80 tuổi trở lên. Cụ thể, mũi vaccine phòng Covid-19 thứ 4 (tức là mũi tăng cường thứ 2) có thể được tiêm cho người từ 80 tuổi trở lên sau khi đánh giá các dữ liệu về nguy cơ bệnh nặng cao hơn ở nhóm tuổi này và mức độ bảo vệ có được nhờ tiêm mũi 4. Tuy nhiên, cả 2 cơ quan trên nhất trí vẫn còn quá sớm để xem xét việc sử dụng mũi vaccine thứ 4 cho toàn bộ người dân.
Đến nay, EU đã cấp phép sử dụng các vaccine phòng Covid-19 của các hãng Pfizer, Moderna, AstraZeneca, Johnson & Johnson và Novavax. Ở châu Á, Hàn Quốc bắt đầu tiêm liều thứ 4 vào tháng 2 và Singapore đang lên kế hoạch tiêm mũi bổ sung thứ 2 cho những người từ 80 tuổi trở lên.
Tuy nhiên, một nghiên cứu mới từ Israel tiết lộ liều vaccine Pfizer thứ 4 làm giảm tỷ lệ tử vong ở người cao tuổi, song, khả năng ngăn ngừa khỏi nguy cơ nhiễm virus chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Theo Reuters, nghiên cứu được công bố ngày 6/4 trên tạp chí New England, phân tích hồ sơ sức khỏe của hơn 1,25 triệu người từ 60 tuổi trở lên được tiêm vaccine ở Israel. Họ được tiêm chủng từ tháng 1 đến tháng 3 - giai đoạn Omicron là biến chủng phổ biến nhất.
Nhóm chuyên gia phát hiện khả năng chống lại nguy cơ bệnh nặng không suy giảm sau 6 tuần tiêm mũi vaccine thứ 4. Song, họ nhấn mạnh cần thêm nghiên cứu để đánh giá khả năng bảo vệ lâu dài của liều bổ sung. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng không rõ hiệu quả này kéo dài bao lâu.
Trong khi đó, tỷ lệ lây nhiễm sau một tháng tiêm mũi thứ 4 thấp hơn nhóm chỉ tiêm 3 mũi vaccine Covid-19. Các tác giả cho rằng hiệu quả bảo vệ chống lại Omicron có thể đạt đỉnh vào tuần thứ 4 sau khi tiêm chủng. Nhưng đến tuần thứ 8, khả năng bảo vệ chống lại nguy cơ lây nhiễm của mũi 4 giảm xuống chỉ còn hơn 50%, cho thấy nó sẽ suy yếu nhanh chóng.
CNN nhận định các vaccine Covid-19 hiện tại được sản xuất để chống lại chủng virus ban đầu. Trong khi đó, Omicron có sự khác biệt đáng kể, do đó, vaccine đã mất đi một phần hiệu quả. Trước đó, những nghiên cứu riêng rẽ của hai tập đoàn bảo hiểm y tế lớn nhất của Israel công bố ngày 26/3 cho biết mũi vaccine thứ 4 ngừa Covid-19 ngoài giảm nguy cơ lây nhiễm có thể giúp giảm đáng kể nguy cơ tử vong cho người bệnh.
Trong đó, nghiên cứu của tập đoàn bảo hiểm y tế Clalit lấy số liệu của trên 563.450 bệnh nhân tuổi từ 60 đến 100, được chia thành hai nhóm: nhóm I chỉ tiêm 3 mũi vaccine và nhóm II đồng ý tiêm thêm mũi vaccine thứ 4 (chiếm 58%). Kết quả theo dõi số liệu từ ngày 10/1 đến 20/2 cho thấy trong giai đoạn này có 232 người trong nhóm I tử vong, tăng mạnh so với 92 người trong nhóm II. Các chuyên gia của Clalit kết luận nguy cơ tử vong của nhóm tiêm bổ sung mũi 4 đã giảm tới 78%.
Tiến sỹ Doron Netzer, Giám đốc Ban Y học cộng đồng của Clalit, cho rằng kết quả nghiên cứu đóng vai trò quan trọng vì đa số người dân đang cho rằng biến thể Omicron chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ nên không cần tiêm mũi vaccine bổ sung.
Trong khi đó, một nghiên cứu khác của tập đoàn bảo hiểm y tế Maccabi cũng theo dõi hiệu quả của mũi vaccine bổ sung đối với 100.000 người trên 60 tuổi tại Israel trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3/2022. Kết quả cho thấy mũi vaccine thứ 4 mang lại hiệu quả cao hơn 73% so với 3 mũi trước đó trong việc ngăn chặn nguy cơ bệnh Covid-19 trở nặng. Tuy nhiên, ngay cả mũi 3 cũng đã rất hiệu quả, khi chỉ có dưới 1% người lớn tuổi tiêm mũi 3 bị nhiễm Covid-19 nặng.
Ngoài ra, nghiên cứu của Maccabi cho thấy mũi 4 cũng giúp giảm nguy cơ lây nhiễm. Theo đó, sau khoảng 3 tuần được tiêm, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 ở những người tiêm mũi 4 đã giảm 64% so với những người chỉ tiêm mũi 3. Tuy nhiên, tỷ lệ này giảm xuống còn 29% sau 10 tuần, cho thấy hiệu lực của liều vaccine bổ sung giảm đáng kể theo thời gian.
Hiện đại đa số người dân Israel chỉ sử dụng vaccine của hãng Pfizer/BioNTech, trong khi các nhánh phụ của biến thể Omicron đã xuất hiện tại nước này. Israel đóng vai trò dẫn đầu thế giới trong việc nghiên cứu tác dụng của vaccine Covid-19, là quốc gia nhanh nhất triển khai tiêm chủng 2 liều vaccine cho dân chúng từ một năm trước và là một trong những quốc gia đầu tiên tiêm mũi thứ 3 vaccine. Hiện Israel đang triển khai vaccine liều thứ 4 cho những người trên 60 tuổi, nhân viên y tế và bệnh nhân suy giảm miễn dịch.
Còn theo quan điểm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nên để nhiều người trên toàn thế giới nên được tiêm phòng những liều vaccine đầu tiên trước khi những người khác nhận được nhận mũi tăng cường.