Hơn 14.000 tỷ đồng đầu tư cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh theo phương thức PPP
Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 1 có chiều dài khoảng 93,35 km đi qua hai tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng vừa được phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 14.300 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức PPP. Thời gian tổ chức lựa chọn nhà đầu tư từ quý 3/2023...
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng vừa ký Quyết định số 1199/QĐ – UBND phê duyệt dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) giai đoạn 1 theo hình thức PPP.
NHÀ NƯỚC HỖ TRỢ GẦN 6.600 TỶ ĐỒNG
Dự án được điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định số 20/QĐ-TTg ngày 16/1/2023. Theo đó, tuyến cao tốc dài hơn 121km, trong đó, đoạn qua địa phận Lạng Sơn khoảng 52 km, qua địa phận Cao Bằng hơn 69 km.
Đồng thời, điều chỉnh quy mô phân kỳ dự án, giai đoạn 1 đầu tư 93,35 km, từ Km 0 tại nút giao cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn đến khoảng Km 93+350 điểm giao với Quốc lộ 3 huyện Quảng Hoà, Cao Bằng. Dự án đi qua địa bàn các huyện Văn Lãng, Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn; huyện Thạch An và Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng.
Còn giai đoạn 2 đầu tư tiếp 27,71 km còn lại, từ khoảng Km 93+350 đến Km 121+060, điểm cuối tại ranh giới quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh.
Trong giai đoạn 1, tuyến cao tốc được thiết kế theo tiêu chuẩn TCVN 5729-2012, vận tốc thiết kế 80 km/h, với bề rộng mặt cắt ngang nền đường 17m đối với các đoạn thông thường và đối với các đoạn khó khăn bề rộng mặt cắt ngang nền đường 13,5m.
Mặt cắt ngang giai đoạn 1 thiết kế bố trí lệch về phía bên phải mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh; đảm bảo tối ưu, hiệu quả, kinh tế - kỹ thuật, thuận lợi khi thực hiện giai đoạn 2, với chiều rộng nền đường 17m.
Tổng chiều dài dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) giai đoạn 1 khoảng 93,35 km. Tổng mức đầu tư của dự án giai đoạn 1 là 14.331,618 tỷ đồng, trong đó vốn do nhà đầu tư huy động (gồm vốn chủ sở hữu, vốn vay và các nguồn vốn huy động khác) là 7.751,618 tỷ đồng.
Trên tuyến bố trí 7 nút giao và 1 điểm ra vào cao tốc; 4 trạm dừng nghỉ; 7 trạm thu phí; hệ thống giao thông thông minh (ITS) đồng bộ.
Diện tích sử dụng đất của dự án trong giai đoạn 1 (Km0+000 đến Km93+350) là khoảng 572,77 ha, trong đó, tỉnh Lạng Sơn khoảng 312,01 ha; tỉnh Cao Bằng khoảng 260,76 ha.
Tổng mức đầu tư của dự án giai đoạn 1 là 14.331,618 tỷ đồng, trong đó vốn do nhà đầu tư huy động (gồm vốn chủ sở hữu, vốn vay và các nguồn vốn huy động khác) là 7.751,618 tỷ đồng, chiếm 54,09% tổng mức vốn đầu tư.
Bên cạnh đó, vốn Nhà nước tham gia trong dự án 6.580 tỷ đồng, chiếm 45,91% tổng mức vốn đầu tư, gồm ngân sách trung ương 2.500 tỷ đồng và 4.080 tỷ đồng ngân sách địa phương.
Nhà đầu tư được hoàn vốn bằng thu phí kín trên toàn tuyến cao tốc với giá vé trên tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh với hình thức thu phí kín.
Theo đó, trong năm cơ sở 2026, mức giá vé 5 nhóm phương tiện lần lượt là: 2.100 - 3.000 - 3.700 - 6.000 - 8.100 (đồng/km), định kỳ 3 năm điều chỉnh tăng 15%/lần; thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến là 25 năm 3 tháng.
TẠO RA TUYẾN CAO TỐC ĐỐI NGOẠI HUYẾT MẠCH
Cao Bằng là tỉnh miền núi biên giới xa xôi, quê hương cách mạng nhưng đến nay vẫn là tỉnh nghèo, quy mô nền kinh tế còn nhỏ, chưa khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Điểm nghẽn lớn nhất là kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối. Do vậy, dự án có ý nghĩa lớn trong việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng an ninh không chỉ với tỉnh mà còn đối với toàn vùng.
Sau khi hoàn thành, công trình sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải kết nối trung tâm kinh tế, chính trị với các tỉnh miền núi phía Đông Bắc, các khu kinh tế, khu du lịch quốc gia, khu công nghiệp, phục vụ cho mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh và giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.
Đồng thời, dự án còn tạo ra một tuyến cao tốc đối ngoại huyết mạch mới kết nối giao thương hàng hóa từ Cảng quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) đi Trùng Khánh - Urumqi (Trung Quốc) - Khorgos (Kazakhstan) sang các nước châu Âu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Cao Bằng.
UBND tỉnh Cao Bằng dự kiến tiến hành chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2020, hoàn thành năm 2025 và đưa và khai thác, vận hành từ năm 2026, trong đó, thời gian tổ chức lựa chọn nhà đầu tư là từ quý 3/2023.